Ninh Thuận: Nghề làm đũa ở Tân Sơn

Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 30 km, Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận từ lâu đã nổi tiếng xa gần với nghề làm đũa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ.

Công đoạn làm cắt cho đều đũa . Ảnh: Đặng Kim Phương.

Công đoạn làm cắt cho đều đũa . Ảnh: Đặng Kim Phương.

Đũa Tân Sơn vừa đẹp, bền, sản phẩm đa dạng được làm bằng phương pháp thủ công. Đặc biệt, đũa được sơn bằng sơn ta nên nhìn rất bóng mà không gây độc hại dù thời gian sử dụng lâu dài. Những chiếc đũa thẳng đều, hai đầu đũa bo tròn, nước sơn bóng loáng nhưng cầm rất mịn tay và thoải mái. Vì thế, đũa Tân Sơn rất được ưa chuộng và làm hài lòng những người khó tính nhất.

Nhìn đôi đũa thường ngày con người sử dụng có vẻ đơn giản, nhưng để làm ra được như vậy, những người thợ ở đây phải trải qua 12 công đoạn mới cho ra thành phẩm. Từ những thanh gỗ, người thợ dùng máy cưa xẻ nhỏ theo nhiều kích cỡ, chủng loại, sau đó đưa vào máy tiện để cho ra sản phẩm thô. Tiếp đến là công đoạn chà nhám, khử trùng, nhuộm, sấy, khảm xà cừ… Tất cả đều được những đôi bàn tay khéo léo làm rất tỉ mỉ để cho sản phẩm vừa đồng đều lại vừa có tính thẩm mĩ cao. Họ coi đôi đũa không chỉ là vật dụng trong bàn ăn mà còn là một nét văn hóa của vùng đất Tân Sơn mang đến với mọi người.

Một công đoạn làm sạch đũa . Ảnh: Đặng Kim Phương.

Nguyên liệu dùng để khảm xà cừ lên đũa . Ảnh: Đặng Kim Phương.

Nghề làm đũa ngày càng phát triển, trở thành nguồn thu nhập chính vững chắc cho nhiều hộ gia đình ở Tân Sơn. Nhờ vào nghề làm đũa, nhiều gia đình tại địa phương đã có cuộc sống ổn định, thậm chí vươn lên khá giả và làm giàu. Anh Nguyễn Văn Hồ, Trưởng ban Tài chính - Kế hoạch huyện Ninh Sơn cho biết về tình hình phát triển của nghề làm đũa ở đây: “Hiện nay, Tân Sơn có gần 500 hộ làm đũa, giải quyết 900 lao động địa phương. Với mức thu nhập bình quân hàng tháng 3,6 triệu đến 5 triệu đồng/người đã làm cho họ yên tâm theo nghề”.

Cấn xà cừ lên đũa . Ảnh: Đặng Kim Phương.

Đóng gói đũa để đưa ra thị trường . Ảnh: Đặng Kim Phương.

Phát triển nhanh là thế, nhưng nghề làm đũa ở Tân Sơn cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Trần Lộc than thở: “Giá gỗ nguyên liệu càng ngày càng cao và nguồn cung cấp lại khan hiếm. Chúng tôi không thể dùng gỗ non vì chất lượng sẽ không đảm bảo. Đây thực sự là thách thức với người làm đũa”.

Những bó đũa nhìn rất đẹp và bắt mắt . Ảnh: Đặng Kim Phương.

Để nghề làm đũa ở Tân Sơn phát triển bền vững, huyện Ninh Sơn đang nỗ lực xây dựng thương hiệu đặc thù của địa phương là đũa Tân Sơn mạnh về chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ làng nghề như hỗ trợ vốn cho các hộ dân, quy chuẩn chất lượng đối với sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài cho nghề đũa, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…

Gia Bằng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ninh-thuan-nghe-lam-dua-o-tan-son-66329