Ninh Thuận nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng hơn 1,8 điểm so với năm 2018 (từ 62,21 điểm lên hơn 64 điểm) và lọt vào nhóm những địa phương có chất lượng điều hành khá.

Người dân huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bên khung dệt thủ công truyền thống. Ảnh: THU HẰNG

Người dân huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bên khung dệt thủ công truyền thống. Ảnh: THU HẰNG

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quan trọng; trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, tập trung xử lý những bất cập, bãi bỏ quy định không còn phù hợp; ban hành quyết định công bố các thủ tục hành chính mới sửa đổi, bổ sung, kịp thời hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo hướng linh hoạt, đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện và nâng cao hiệu quả đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thu thập các thông tin trái chiều, tập trung giải quyết tốt yêu cầu, nguyện vọng mà các doanh nghiệp đang thật sự cần hoặc bức xúc; có cơ chế giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai chương trình hợp tác, giúp tỉnh phân tích, đánh giá các nguyên nhân tác động đến kết quả xếp hạng PCI, xác định các bất cập, hạn chế và đề ra những biện pháp tích cực, khả thi, có hiệu quả thật sự trong việc cải thiện chỉ số PCI trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

* Do là tỉnh miền núi kinh tế chủ yếu thuần thông, Hòa Bình có rất ít làng nghề truyền thống. Thậm chí, một số làng nghề dệt thổ cẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ tan rã trong cơ chế thị trường. Để duy trì, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này; thực hiện hỗ trợ 50 triệu đồng đối với mỗi làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống; hỗ trợ 50% giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến được chuyển giao nhưng không quá 300 triệu đồng.Thời gian qua, Hòa Bình đã thực hiện 37 đề án khuyến công, tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, truyền nghề và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp. Qua đó, tỉnh đã khôi phục và phát triển được nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống với 30 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau, đáp ứng một phần tiêu dùng trên địa bàn và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái-lan...

Hòa Bình hiện có 11 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống (đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020), với sự tham gia của 804 hộ và hơn 1.100 lao động. Thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục phát triển các làng nghề và làng nghề truyền thống gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách để xây dựng hạ tầng làng nghề, hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển vùng nguyên liệu mây tre đan tại các xã có tiềm năng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40788202-ninh-thuan-nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh.html