Ninh Thuận khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi ngay tại chỗ

Các địa phương xảy ra dịch tả lợn châu Phi phải khẩn trương khoanh vùng, tập trung dập dịch, không để dịch tả lợn lây lan sang các địa phương khác. Đồng thời thực hiện mọi biện pháp có thể để chống dịch, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi lợn.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam tại cuộc họp vào sáng 12/9 bàn giải pháp chống dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát và có hướng lan rộng tại một số địa phương trong tỉnh.

Lực chức năng huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận phun hóa chất tiêu độc khử trùng vùng xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Lực chức năng huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận phun hóa chất tiêu độc khử trùng vùng xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Ninh Thuận, đến thời điểm này, Ninh Thuận đã có 5 xã, thị trấn ở 3 huyện là Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái xảy ra dịch tả lợn châu Phi; trong đó huyện Bác Ái là địa phương mới công bố dịch tả lợn châu Phi vào sáng 12/9.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết, ngoài thị trấn Tân Sơn đã công bố dịch, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra cả các xã Nhơn Sơn, Lương Sơn và UBND huyện đã quyết định công bố dịch. Huyện cũng đã tiêu hủy 190 con lợn bị dịch với trọng lượng 20.392 kg.

Hầu hết lợn bị dịch tả lợn châu Phi đều xảy ra tại các gia trại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi các trang trại chăn nuôi lớn lại không xảy ra dịch. Điều đó cho thấy tư tưởng của người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn rất chủ quan với dịch tả lợn châu Phi, việc tiêu độc khử trùng chưa tốt nên sớm dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại không nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Ngô Thanh Lâm cho rằng, Bác Ái là địa phương có tổng đàn lợn lớn so với các địa phương trong tỉnh với số lượng trên 47.800 con, chủ yếu là chăn nuôi trang trại. Sáng nay, UBND huyện đã quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại xã Phước Thắng, với số lượng 69 con. Điểm xảy ra dịch là tại một hộ chăn nuôi lợn rừng lai, trong khi các trang trại chăn nuôi lớn lại không có dấu hiệu dịch bệnh. Đây rõ ràng là do sự chủ quan của người chăn nuôi trong việc phòng bệnh và kiểm soát dịch bệnh.

Như vậy, tính đến ngày 12/9, các địa phương trên đã tiến hành tiêu hủy 279 con lợn bị dịch tả lợn Châu Phi, nhiều nhất là tại huyện Ninh Sơn. Các địa phương xảy ra dịch tả lợn châu Phi cũng đang thực hiện nhiều biện pháp cấp bách có thể để chống dịch, tránh dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các địa phương khác, gây thiệt hại cho nghề chăn nuôi lợn tại địa phương.

Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, với Ninh Thuận, tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bởi nó chỉ xảy ra ở các gia trại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên địa phương không chủ quan vì khi dịch tả lợn xảy ra và lan rộng sẽ rất khó kiểm soát, nhất là vấn đề mua bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch.

Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh, các địa phương cần thực hiện biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để chống dịch. Xã và huyện nào có dịch phải chủ động khoanh vùng dập dịch tại chỗ; khẩn trương thực hiện tiêu độc, khử trùng cả vùng bị uy hiếp và vùng đệm xung quanh; theo dõi, chặt chẽ tình hình lợn nghi có mầm bệnh, phương tiện vận chuyển ra, vào vùng dịch; giám sát việc tiêu hủy, chôn lấp lợn bị dịch tả đúng nơi, đúng chỗ và khoa học, tránh ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó chủ động kinh phí từ ngân sách của địa phương để hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có lợn bị dịch tiêu hủy và hỗ trợ phòng, chống dịch; phải dự đoán chính xác tình hình để có hướng xử lý kịp thời, không chờ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, như vậy công việc xử lý mới khép kín, nhanh và hiệu quả.

Do ngân sách địa phương còn han hẹp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Ninh Thuận) cùng Sở Tài chính sớm tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh để có phương án hỗ trợ kinh phí kịp thời cho người chăn nuôi có lợn dịch bị tiêu hủy.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xảy ra, có thể kéo dài và khó cho việc tái đàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác để thay thế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân vào dịp cuối năm, giảm áp lực về giá cả từ mọi phía.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ninh-thuan-khoanh-vung-dap-dich-ta-lon-chau-phi-ngay-tai-cho-20190912144541392.htm