Ninh Thuận: Hồ chứa cạn nước, nông dân tiếp tục đối mặt với hạn hán

Thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Thuận đang vào mùa mưa. Tuy nhiên, do lượng mưa ít, các hồ không tích được nước nên người dân vẫn phải đối mặt với hạn hán.

Nhiều diện tích cây hoa màu của người dân tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái bị chết khô do thiếu nước.

Thiếu nước gay gắt

Nhiều hồ chứa tại Ninh Thuận đang dần cạn khô. (Ảnh: Duy Quan).

Nhiều hồ chứa tại Ninh Thuận đang dần cạn khô. (Ảnh: Duy Quan).

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bội, Phó Giám đốc công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa tại nhiều nơi nhưng do lượng mưa ít, mực nước tại các hồ tiếp tục giảm dần".

“Hiện tại, tổng dung tích thiết kế của 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận là 194,49 triệu m3. Nhưng, thời điểm hiện nay chỉ còn 82,20 triệu m3, giảm 27,12 triệu m3 so với thời điểm đỉnh hạn vào đầu tháng 5. Số hồ chứa nước cạn đáy (hoặc ở mực nước chết) đã tăng lên 17 hồ”, ông Bội cho biết thêm.

Mới đây, vào tháng 8/2018, nguồn nước tưới bị thiếu hụt đã làm cho nhiều diện tích cây hoa màu của bà con tại xã Phước Hòa (huyện Bác Ái) bị chết khô, gây thiệt hại nặng nề. “Vụ trước, tôi thu hoạch gần 3 tấn, bán được 45 triệu đồng, lãi gần chục triệu đồng, mùa này thì mất trắng. Mùa vụ sắp tới chắc bỏ đất hoang vì đã hết vốn để đầu tư sản xuất”, chị Pi Năng Thị Hoa (ngụ xã Phước Hòa, huyện Bác Ái) buồn rầu nói.

Do thiếu nước mà 4 sào (4.000m²) ngô của gia đình chị Pi Năng Thị Lan đã bị chết khô, vốn đầu tư hơn 10 triệu đồng đã mất trắng. (Ảnh: Duy Quan).

Ông Báo Văn Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa cho biết: “Do ảnh hưởng của nắng hạn đã làm nhiều diện tích trồng bắp, lúa ở hai thôn Tà Lọt và Chà Panh chết khô khiến người dân bị thiệt hại nặng. Địa phương đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng suối Chà Panh để tăng lượng nước tưới cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh, huyện cần đầu tư hệ thống thủy lợi bài bản để bảo đảm nguồn nước tưới ổn định cho khoảng 500ha trồng ngô, lúa nước, sắn, mía, rau quả… của bà con. Có như thế, đồng bào Ra Glai nơi đây mới có điều kiện vượt qua thời điểm đói giáp hạt hàng năm và vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Trước tình hình hạn hán ngày càng diễn ra gay gắt, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các địa phương điều chỉnh và cắt giảm diện tích gieo trồng lúa, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với tình hình khô hạn.

Bao giờ mới hết hạn…!?

Hồ chứa hết nước các máy bơm của người dân cũng ngưng bơm nước nằm phơi nắng mưa. (Ảnh: Duy Quan).

Ngày 8/8/2010, lễ khởi công công trình hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với tổng kinh phí 3.802 tỷ đồng (sau tăng lên 5.239 tỷ đồng) từ nguồn trái phiếu Chính phủ, do ban Quản lý đầu tư - xây dựng thủy lợi 7 (bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư.

Công trình bao gồm cụm đầu mối hồ chứa nước Sông Cái tại huyện Bác Ái, cụm đập dâng Tân Mỹ (cách hồ Sông Cái 13km về phía hạ lưu) và hệ thống kênh mương tưới. Trong đó hồ Sông Cái được xem là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Ninh Thuận với tổng dung tích 219 triệu m3 (hơn tổng dung tích thiết kế của 21 hồ chứa nước toàn tỉnh), cung cấp nước tưới cho 4.380ha đất sản xuất canh tác, tiếp nước cho hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm để tưới cho 12.800ha, cấp nước nuôi trồng thủy sản 1.632ha, giảm nhẹ lũ ở hạ lưu.

Theo dự kiến, hồ Sông Cái sẽ chặn dòng tích nước vào năm 2013, sử dụng vào năm 2015. Thế nhưng sau khi hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư thì công trình ngừng thi công vì thiếu vốn. Đến tháng 3/2018, công trình mới được tái khởi động.

Riêng, đập dâng Tân Mỹ, huyện Ninh Sơn đến nay đã tiếp nước cho khu vực tưới của hồ Cho Mo, khắc phục tình trạng khô hạn cho 1.200ha đất sản xuất. Dự kiến đập dâng này còn tiếp cấp nước tưới cho 5.600ha hạ lưu của các hồ chứa Bà Râu, Sông Trâu thuộc huyện Thuận Bắc, hồ Ông Kinh thuộc huyện Ninh Hải.

Mưa ít khiến đất đai nứt nẻ. (Ảnh: Duy Quan).

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hai công trình là hồ Sông Cái và phần còn lại của hệ thống kênh tưới đập dâng Tân Mỹ hiện đang được đơn vị ráo riết thi công. Sau khi hai công trình này hoàn thành sẽ hòa cùng với hồ chứa nước Sông Than (dung tích 85 triệu m3) khắc phục tình trạng khô hạn thường xuyên hằng năm cho tỉnh Ninh Thuận”.

Khánh Hòa cũng đang thiếu nước

Vào thời điểm từ tháng 11 trở đi, 19 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt đến lượng chứa phổ biến trên 80%. Nhưng, do từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh mưa trễ đã làm lượng nước toàn hồ hiện chỉ đạt hơn 90 triệu m3, chưa bằng 50% so với năm 2017.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa, việc thiếu nước giữa mùa mưa năm nay một phần nguyên nhân do năm nay lượng mưa thấp lại chỉ phổ biến ở ven biển, còn ở khu vực đầu nguồn lại không nhiều. Với lượng nước như trên, nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong năm 2019 là rất lớn.

Duy Quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ninh-thuan-ho-chua-can-nuoc-nong-dan-tiep-tuc-doi-mat-voi-han-han-a410418.html