Ninh Thuận: Chưa đến một tháng tiêu hủy gần 300 con lợn bị dịch tả Châu Phi

Tính đến thời điểm hiện nay (ngày 12/9), tại Ninh Thuận, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại ba huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái, với số lợn bệnh, chết buộc tiêu hủy gần 300 con.

Theo báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận ổ dịch đầu tiên phát hiện tại hộ ông Võ Tấn Đức, Khu phố 1, thị trấn Tân Sơn vào ngày 28/8.

Cụ thể, từ ngày 17/8, gia đình ông Võ Tấn Đức phát hiện có hai con lợn nái có triệu chứng sốt, bỏ ăn. Đến ngày 20/8, cả hai con lợn nái đã chết, khi chết xuất hiện thêm các triệu chứng như: xuất huyết dưới da, hộc máu mũi, miệng.

Tiếp đó vào 21 đến 27/8, đàn lợn tiếp tục chết rải rác mỗi ngày một đến hai con. Ông Đức chôn số lợn chết trong khu vực đất của trang trại, ngày 28/8, đã đến Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Sơn báo cáo.

Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận tiến hành phun thuốc ngừa dịch tại các trang trại lợn của người dân.

Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận tiến hành phun thuốc ngừa dịch tại các trang trại lợn của người dân.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết: “Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm và ngày 29/8, nhân được Thông báo số 9836/TYV6-TH với kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu phi”.

Sau khi có kết quả xét ngiệm, Chi cục đã phối hợp với UBND huyện Ninh Sơn tiến hành việc tiêu hủy heo bị chết, bị bệnh.

Ngoài ra, Chi cục cũng đã nghi một số hộ như: hộ ông Nguyễn Đặng Kế Tường 25 con, hộ ông Đặng Đức Trọng 9 con và hộ ông Nguyễn Hữu Đốc 11 con. cũng có triệu chứng tương tự nên cũng tiến hành theo dõi. Tính đến ngày 10/9, tại huyện Ninh Sơn đã có 157 con lợn bệnh, chết, buộc tiêu hủy, với trọng lượng hơn 20 tấn của bảy hộ chăn nuôi.

Ông Đặng Ngọc Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: “Ngày 6/9, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện có báo cáo tại hộ ông Hoàng Minh Lê, thôn Láng Me, xã Bắc Sơn, có nuôi tổng đàn 26 con lợn thịt, phát hiện lợn có biểu hiện nóng sốt, bỏ ăn chết. Sau khi lấy mẫu gởi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi, ngày 8/9, Chi cục Chăn nuôi Thú y Ninh Thuận và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện đã tiến hành tiêu hủy 26 con lợn nói trên với tổng trọng lương 442 kg”.

Tính đến nay tỉnh Ninh Thuận là địa phương cuối cùng phát hiện dịch tả lợn Châu Phi.

Còn tại huyện Bác Ái, ngày 9/9, huyện này cũng phát hiện ổ dịch tại trang trại của một hộ nuôi lợn rừng lai ở xã Phước Thắng có 69/300 con lợn bị dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi.

Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Ngô Thanh Lâm, cho biết: “Sau khi phát hiện dịch huyện cũng đã đã tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh vào ngày 11/9 và ngày 12/9, huyện sẽ công bố dịch trên địa bàn để nhân dân biết”

Tính từ ngày 28/8 đến ngày 12/9, toàn tỉnh Ninh Thuận, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại chín hộ chăn nuôi thuộc 5 xã, thị trấn của ba huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái, với số lợn bệnh, chết buộc tiêu hủy gần 300 con.

Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết: “Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan nhanh, rộng qua các xã khác; tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều, vẫn còn tình trạng nuôi thả rông; thời tiết bất lợi do mưa nhiều, ẩm ướt làm giảm sức đề kháng của gia súc nên nguy cơ bùng phát trong thời gian tới là rất cao nếu không quyết liệt thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh: “Các ngành, các địa phương chú trọng việc hướng dẫn, tuyên truyền các hộ chăn nuôi trong vùng dịch ký cam kết không nuôi mới và tái đàn trong thời gian có dịch, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về phòng, chống dịch bệnh và không được hỗ trợ khi buộc phải tiêu hủy; thành lập Hội đồng kiểm tra, xác minh thiệt hại để làm căn cứ hỗ trợ, tránh phát sinh khiếu kiện, trục lợi chính sách”.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến cáo bà con trong tỉnh trong thời gian dịch tả lợn Châu Phi đang có diễn phức tạp nên thực hiện nghiêm túc 5 không: “không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, sau bảy tháng bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam (tỉnh Hưng Yên là tỉnh đầu tiên ngày 1/2/2019), Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng phát hiện dịch tại địa bàn Khu phố 1, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (công bố dịch ngày 31-8-2019).

Duy Quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ninh-thuan-chua-den-mot-thang-tieu-huy-gan-300-con-lon-bi-dich-ta-lon-chau-phi-a448764.html