Ninh Bình tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Người dân đối thoại với lãnh đạo thành phố Tam Điệp (Ninh Bình).

Thực hiện Kết luận 120-KL/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh đã ban hành 26 văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mà đặc biệt là thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với thực hiện các nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn ở Ninh Bình trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Ninh Bình có 145 xã, phường, thị trấn với 1.679 thôn, tổ dân phố. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp xã đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. UBND cấp xã đã từng bước đổi mới công tác quản lý, điều hành, thực hiện công khai về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn, các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội...

Nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp được triển khai kịp thời, rộng rãi, công khai, dân chủ, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nhân dân bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai, tham gia ý kiến về nội dung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; tự nguyện góp đất, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; thực hiện dồn điền, đổi thửa; xây dựng công trình phúc lợi... Các nguồn vốn ngân sách nhà nước của Trung ương và của tỉnh đã được phân bổ đến các huyện, các xã đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 67,2%); huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017; năm 2018, tỉnh Ninh Bình đặt chỉ tiêu có 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới. Ninh Bình được Trung ương đánh giá là tỉnh đứng trong tốp đầu về xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Công tác cải cách hành chính cấp xã tiếp tục được quan tâm, chất lượng phục vụ của chính quyền cơ sở được nâng lên; các quy định, các văn bản thủ tục hành chính đã niêm yết công khai ở nơi làm việc, nơi tiếp công dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định; mô hình “Một cửa” được triển khai ở 145/145 xã, phường, thị trấn, các thủ tục hành chính được giải quyết thuận lợi, nhanh chóng, giảm thời gian đi lại, tránh phiền hà cho nhân dân. Có 100% thôn, xóm, phố đã xây dựng và bổ sung hương ước, quy ước, được UBND huyện phê duyệt và niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, xóm, phố để nhân dân biết và thực hiện. Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã thường xuyên được kiện toàn và duy trì hoạt động theo quy định.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đi vào nền nếp, có tác động trực tiếp vào việc thực hiên nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo điều kiện để nhân dân xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; khơi dậy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức trách nhiệm, nhận thức đúng đắn hơn về quyền, nghĩa vụ và quyền làm chủ của nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tăng cường xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân.

Kết quả thể hiện rõ nhất là việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, người dân trực tiếp được bàn bạc, góp ý, quyết định, nhất là các khoản huy động đóng góp của dân để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc thực hiện tốt hương ước, quy ước ở khu dân cư, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội",… góp phần giảm bớt các hủ tục lạc hậu, tiết kiệm thời gian, tiền của cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là an ninh trật tự nông thôn; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, lợi dụng dân chủ gây mất ổn định chính trị, an toàn xã hội.

Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niểm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn ở Ninh Bình vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục như: Người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một số cơ quan, đơn vị hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Sở dĩ còn một số hạn chế trên là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và người đứng đầu một số xã, phường, thị trấn nhận thức chưa đầy đủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Một số đơn vị cơ sở chưa thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; chưa xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hằng năm. Chưa có chế tài trách nhiệm đối với các địa phương thực hiện không nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là tiếp tục quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở".

Hai là, gắn việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 6-3-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Quyết định số 989-QĐ/TU, ngày 5-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Ban hành Hướng dẫn để các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016 – 2020 theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ba là, thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ, coi trọng việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; tăng cường tiếp xúc cử tri ở thôn, xóm, khu dân cư; phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là những nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.

Bốn là, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp, các cơ quan, đơn vị, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về nội dung xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho các đồng chí trong Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị phụ trách việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ đối với Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ các xã, phường, thị trấn; sơ kết, tổng kết, đánh giá, xếp loại việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định.

TS. Lê Thị HàViện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/dan-voi-dang/2018/12316/ninh-binh-tiep-tuc-nang-cao-hieu-qua-viec-thuc-hien-quy.aspx