Ninh Bình: Sông Lạng, đập Ngựa Lồng bị đe dọa vì doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Theo người dân thôn Đồi Bòng (Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), 2 quả đồi thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Lạng đang bị một doanh nghiệp công nhiên khai thác khoảng 3 năm nay.

Khu vực khai thác phía trên đập Ngựa Lồng không những đe dọa sự an toàn của con đập, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân sinh sống phía dưới.

Ám ảnh

Ngày 2/3, trên con đường từ đập Ngựa Lồng vào khu khai thác dài khoảng 300m mấp mô vết bánh xe, vương vãi đầy đất đá. Một người đàn ông tên T. (người dân xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) cho chúng tôi biết, họ đã múc đất đá chở đi khoảng 2 - 3 năm nay. Có lúc máy móc làm rầm rộ, lúc lại ngưng bặt đi. Vài tháng trở lại đây xe tải, máy múc lại ra vào rầm rập khiến nhiều người dân không khỏi lo âu. Con đường liên thôn treo biển giới hạn trọng tải 5 tấn mà xe tải chạy bạt mạng từ 8h sáng đến chiều, có khi kéo dài đến đêm.

Đường vào khu vực khai thác mấp mô vết bánh xe, ngọn đồi bị băm xới nham nhở. (chụp ngày 2/3)

Đường vào khu vực khai thác mấp mô vết bánh xe, ngọn đồi bị băm xới nham nhở. (chụp ngày 2/3)

Chỉ cho chúng tôi những mảng đồi bị ngoạm nham nhở, trắng đen màu đất đá, ông T. kể: "Có lần tôi ngồi quan sát, nhẩm đếm thì có đến 5 chiếc máy múc hoạt động, cứ khoảng 3 phút có một xe tải đầy, ra vào liên tục. Chả biết nó chở đi đâu mà nhiều thế?".

Tiếp tục đi sâu vào bên trong là 2 quả đồi rộng mênh mông tràn ngập sắc đỏ, trắng của đất đá, thành đồi dựng đứng tạc hình vô vàn những gàu múc ngược xuôi của máy móc, khung cảnh đối lập hoàn toàn với màu xanh rậm rạp của đồi Tràm bên cạnh.

Theo ông T, khu vực này giáp ranh giữa 2 xã Thạch Bình, (Ninh Bình) và Đoàn Kết, (Hòa Bình) từ trước tới nay chính quyền 2 tỉnh vẫn chưa thống nhất được ranh giới thuộc tỉnh nào.

"Kia! dưới kia đập Ngựa Lồng và sông Lạng, nếu trời mưa to đất đá khu này sẽ chảy xuống sông thôi, chẳng biết rồi sau sẽ ra sao", chỉ tay xuống dưới ông T lo lắng nói với chúng tôi.

Người dân cho biết khu vực này đang có một trữ lượng than khá lớn. (chụp ngày 2/3)

Chiều cùng ngày 2/3, trò chuyện với chúng tôi trong tiếng ồn ã của xe tải, nhiều người dân thôn Đồi Bòng (xã Thạch Bình) không giấu được bức xúc khi nhiều năm nay họ phải sống chung với những chiếc xe tải. "Người lớn còn đỡ nhưng trẻ con đi học xe cứ chạy bạt mạng như thế không lo làm sao được. Trước con đường này được đổ bê tông dày lắm nhưng giờ xe chạy hỏng hết rồi", ông M người dân trong thôn nói.

Theo người dân, khoảng hơn 2 quả đồi rộng lớn đang bị bào xới kia là đất rừng phòng hộ, nằm giáp sông Lạng và ngay phía trên đập Ngựa Lồng. Đập và sông có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân sinh sống ở thượng nguồn và bên dưới đập là 3 xã. Nước để tưới tiêu, cấy trồng và thậm chí dùng cho sinh hoạt hàng ngày. "Rồi mưa xuống nước từ khu khai thác chảy xuống, dân chúng tôi dùng như thế nào. Vì phía trên thượng nguồn tỉnh Hòa Bình có trang trại nuôi lợn rồi, lo lắm!", ông C dân thôn Đồi Bòng nói.

Máy múc, xe tải nối đuôi nhau vô tư khai thác đất. (ảnh chụp ngày 10/3)

Theo nghi nhận của PV và phản ánh của người dân, hoạt động khai thác này tiếp tục trở lại bình thường từ ngày 8/3 sau một thời gian ngắn bỗng dưng im ắng. Nhiều lần có mặt tại khu vực này PV ghi nhận được hoạt động khai thác, vận chuyển đất ra ngoài diễn ra ồn ã, xe tải, máy múc vẫn "ngang nhiên" vận hành trước sự bức xúc của người dân.

Khai thác trái phép?

Ông L (76 tuổi) cho biết, trước đây khu vực này là rừng, sau này diện tích này được giao người đàn ông tên Tùng (quê ở Hà Nam) lên để trồng rừng. Sau khi ý định làm trang trại nuôi lợn bất thành ông Tùng nhượng lại cho ông Thắng người trong xã Thạch Bình, nhưng không hiểu sao 3 năm nay công ty Thành Nam lại khai thác ở đó.

Máy múc hoạt động liên tục xe tải ra vào mật độ dày đặc. (ảnh chụp từ clip)

Trao đổi với PV ông Lại Xuân Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình cho biết, khu vực mà phóng viên phản ánh là UBND huyện cho phép san gạt hạ thấp độ cao để làm trang trại. "Đến thời điểm hiện tại UBND xã chưa báo cáo Đảng ủy về việc anh Nam (Công ty Thành Nam - PV) được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận chuyển đất đá ra ngoài, như vậy anh Nam vận chuyển đất này ra ngoài là không đúng, không được", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cảm ơn thông tin mà phóng viên đã phản ánh và cho rằng phải kiên quyết xử lý nếu doanh nghiệp này lợi dụng để vận chuyển đất, đá trái phép.

"Trong thời gian tới Đảng ủy, Ủy ban sẽ có trách nhiệm động thái chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xử lý, yêu cầu dừng ngay hoạt động khai thác", ông Tuấn nói.

Xe vận chuyển từ khu vực thôn Đồi Bòng, xã Thạch Bình ra đường tỉnh 477. (ảnh cắt từ clip)

Theo một nguồn tin khác từ UBND xã Thạch Bình, thời điểm trước tết Nguyên Đán chính quyền xã đã kiểm tra khu vực này công ty Thành Nam đã dừng khai thác trên 2 quả đồi trên. "Chúng tôi bố trí lực lượng để theo dõi nhưng không còn hiện tượng này nữa", nguồn tin cho biết.

Nguồn tin cũng xác nhận địa phần này cũng nằm trong ranh giới chưa thống nhất được giữa 2 tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình, nguyên nhân do sai số trong công cụ đo đạc quá khứ để lại.

Xe vận chyển đất đá từ mỏ di chuyển trên đập Ngựa Lồng gắn logo tên Thành Nam. (ảnh cắt từ clip)

Được biết tháng 5/2019 doanh nghiệp này đã bị UBND huyện Nho Quan xử phạt hành chính về việc khai thác trái phép trong khu vực san gạt.

Theo tìm hiểu của PV, công ty Thành Nam có tên đầy đủ là Công ty TNHH Thành Nam NQ có địa chỉ tại thôn 7, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Nam. Công ty này đăng ký khoảng 15 ngành nghề liên quan đến xây dựng, buôn bán vật liệu xây dựng , buôn bán quặng kim loại.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/ninh-binh-song-lang-dap-ngua-long-bi-de-doa-vi-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-d154713.html