Ninh Bình: Nỗ lực phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Những năm qua, các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em trên địa bàn bị đuối nước vẫn diễn ra, đòi hỏi chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần phải đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để không còn tình trạng đuối nước thương tâm…

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh bình, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh này có 42 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, có 25 vụ trẻ tử vong là do đuối nước. Những con số này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi mỗi gia đình, các cấp chính quyền, ngành chức năng… phải tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.

Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ được tỉnh, các cấp, ngành quan tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng đuổi nước ở trẻ. Tại huyện Kim Sơn, trong năm 2018, toàn huyện đã xảy ra 18 vụ đuối nước ở trẻ (trong tổng số 25 vụ đuối nước toàn tỉnh). Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 5 trẻ tử vong do đuối nước.

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em (Ảnh minh họa)

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em (Ảnh minh họa)

Trong nhiều nỗ lực của các cấp, ngành chức năng nhằm kiểm soát tình trạng tai nạn đuối nước, vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận và triển khai Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam” do Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) tài trợ. Theo đó, 10 xã của Kim Sơn được lựa chọn để thực hiện dự án này.

Dự án được chia làm 3 hợp phần: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi; tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Mục tiêu của dự án là hướng tới 500 trẻ em trong vùng dự án biết bơi. Hàng ngàn trẻ từ 6 - 15 tuổi được tập huấn về phòng, chống đuối nước; các địa phương dự án tiếp tục duy trì mô hình quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em tại địa phương và nhân rộng sang các địa phương khác; 100% cán bộ, nhân dân trong vùng dự án được truyền thông về phòng, chống đuối nước. Trước đây, tại huyện Nho Quan hàng năm vẫn còn trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện này đã không để xảy ra tình trạng trẻ đuối nước. Huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với gia đình, nhà trường để làm tốt công tác trang bị kỹ năng cho trẻ và phụ huynh về phòng, chống đuối nước. Cụ thể, vào mùa hè, các xã đã huy động nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt bể bơi di động, phục vụ nhu cầu tập bơi cho trẻ, phụ huynh có thể đóng góp thêm kinh phí tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, đối với những trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được miễn học phí.

Khẳng định trước quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn, bà Lê Thị Lựu cho hay: “Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam” sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho cả cộng đồng, qua đó cùng chung tay thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở huyện Kim Sơn nói riêng, các địa phương khác trong tỉnh nói chung. Chỉ khi nhận thức được nâng cao, người dân mới thay đổi hành vi một cách tích cực và việc phòng, chống đuối nước sẽ được thực hiện chủ động hơn”.

HOÀNG MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ninh-binh--no-luc-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-d103439.html