Ninh Bình: Làng đào phai Đông Sơn hối hả vào vụ Tết

Những ngày này, về xã Đông Sơn, không khí Tết thật rộn ràng, từng đoàn xe nối đuôi nhau tấp nập về Đông Sơn để chọn những cành đào phai đẹp nhất.

Người dân xã Đông Sơn đang chăm sóc đào. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Người dân xã Đông Sơn đang chăm sóc đào. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng với nghề trồng đào phai. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đào phai Đông Sơn được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

Hiện nay, đào phai Đông Sơn đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Những ngày này, về xã Đông Sơn, không khí Tết thật rộn ràng. Từng đoàn xe nối đuôi nhau tấp nập về Đông Sơn để chọn những cành đào phai đẹp nhất.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn Phạm Đình Cư cho biết Đông Sơn là vùng trồng đào lớn nhất trong tỉnh Ninh Bình. Nghề trồng đào đã có từ nhiều năm nay, ban đầu ở địa phương chỉ có vài chục hộ trồng, hiện nay Đông Sơn có gần 800 hộ trồng đào với diện tích trên 155ha. Đến nay, xã Đông Sơn đã có 10 làng nghề trồng đào phai được công nhận là làng nghề truyền thống.

Gia đình ông Phạm Văn Chương, thôn 1, xã Đông Sơn có nghề trồng đào từ nhiều năm. Ông đã được bố mẹ truyền lại kinh nghiệm trồng đào phai. Ông Chương cho biết đặc tính của cây đào là chịu hạn hơn chịu nước nên phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương.

Đào phai Đông Sơn có đặc điểm khác so với đào Nhật Tân, Sơn La là cánh hoa có từ 5-6 cánh, màu hồng phớt, hương thơm thoang thoảng nên được nhiều người ưa thích.

Để có vườn đào đẹp, ra hoa đúng dịp Tết, người trồng đào phải tính được lịch tuốt lá tùy theo thời tiết của từng năm, công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Cây đào phải được chăm sóc tỉ mỉ từng cây, từng nhánh sao cho các "mắt đào" cách đều và có bảy đốt trên một cành là đẹp.

Vườn đào của gia đình chị Đinh Thị Thu, thôn 1, xã Đông Sơn có rất nhiều người tìm đến thăm quan và lựa chọn những cành đào phù hợp.

Gia đình chị Thu đã trồng đào từ nhiều năm nay. Hơn chục năm trở lại đây, nhiều người thích chơi đào thế, gia đình chị đã đi học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc đào thế, sau đó mở rộng thêm diện tích trồng để không chỉ người có thu nhập thấp có thể mua đào mà những người thu nhập cao cũng có thể chọn được cành đào thế ưng ý.

Nhiều gốc đào của gia đình chị trồng lâu năm được chăm sóc, cắt tỉa đẹp về kiểu dáng, hình thức đã được các chủ hàng đặt mua trước đó cả tháng, đến dịp là vận chuyển đi các địa điểm trong và ngoài tỉnh.

Theo chị Thu, dịp Tết năm nay, với những cây đào lâu năm, có cây, gia đình chị bán với giá trên 20 triệu đồng/cây.

Theo Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn, cây đào phai đã và đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện đang là cây hàng hóa có giá trị nhất trong các cây trồng của xã. Bình quân, người trồng đào tại địa phương bán ra thị trường từ 4.000-10.000 cành đào/năm, với mức giá thấp nhất là 200.000-300.000 đồng/cành, mang lại tổng doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/năm. Riêng năm 2016, doanh thu bán đào tại địa phương đạt khoảng 10 tỷ đồng. Ước tính, dịp Tết năm nay, doanh thu đạt được sẽ còn cao hơn.

Cây đào đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân và tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động, nhiều gia đình có thu nhập từ 70 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp Đinh Huy Hiệu, để phát triển vùng trồng đào, năm 2015, Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Điệp đã quy hoạch hơn 110ha vùng trồng đào, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để người dân xã Đông Sơn yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Điệp đã ra nghị quyết xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương, thực hiện dự án nâng cao năng suất chất lượng cây đào. Hằng năm, thành phố tổ chức nhiều cuộc thi cành đào đẹp, người trồng đào giỏi để quảng bá thương hiệu đào phai Đông Sơn, mở hội chợ Xuân để người dân trưng bày và bán sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Điệp tiếp tục hỗ trợ người trồng đào về vốn, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng đào, liên kết, phối hợp với hội sinh vật cảnh tỉnh Ninh Bình để mở các lớp dạy kỹ thuật tạo đào thế cho người dân xã Đông Sơn./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ninh-binh-lang-dao-phai-dong-son-hoi-ha-vao-vu-tet/427377.vnp