Ninh Bình: Khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân

Đất đang được sử dụng ổn định từ năm 1990, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nhưng người đang sử dụng đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 1990, gia đình ông Đinh Văn Tác trú tại tổ 2, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được UBND xã Yên Bình (nay là phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp) cấp cho một miếng đất làm nhà ở tại khu vực chân núi Dóng Than, thuộc thôn Cổ Do với diện tích là 360 m2.

Sau 7 năm khai hoang, phục hóa bằng công lao động của mình và thuê nhân công, gia đình ông Tác đã mở rộng thêm diện tích đất hoang là 2.834 m2 để phục vụ cho việc phát triển trang trại chăn nuôi gia súc. Toàn bộ số diện tích đất trên đã được UBND xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp xét duyệt, xác nhận tại bản đồ địa chính số 12, thửa 456 là phần đất ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Thế nhưng đã gần 26 năm lao động gắn bó với mảnh đất này, gia đình ông Tác vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cố tình kéo dài gây khó cho người dân

Sai phạm đã kéo dài hơn 2 năm, được Báo Công lý chỉ rõ, phân tích từng vấn đề và Cục kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai đã phát hành công văn số 1843/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết đứt điểm đơn của công dân và báo cáo kết quả về Tổng Cục quản lý đất đai trước ngày 31/10.

Trả lời phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Văn Trị, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai cho biết, trường hợp gia đình ông Đinh Văn Tác được báo Công lý phản ánh đã rất rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, trong báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) lại cho rằng ông Tác xây nhà không đúng vị trí trên thửa đất của gia đình.

“Quan điểm của tôi là không thể đánh đồng hai việc này với nhau, nếu đã là đất hợp pháp, đã đủ điều kiện thì phải cấp cho người dân, nếu chỗ nào chưa đủ điều kiện thì phải thanh tra kiểm tra và cần phải công khai để người dân hiểu rõ”, ông Trị nói.

Văn bản 1843 của Cục quản lý đất đai Bộ TN&MT

Liên quan đến nội dung trên, Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Ninh Bình đã có công văn số 2002/STNMT-ĐĐVT trả lời Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc không chấp nhận cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Đinh Văn Tác (thôn Cổ Do, phường Tân Bình, TP Tam Điệp) là đúng quy định của pháp luật.

Theo nội dung công văn, tại thời điểm đo đạc lập bản đồ địa chính xã Yên Bình năm 2004, gia đình ông Tác chưa được cấp có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất ở tại thửa đất 456, tờ bản đồ số 12 xã Yên Bình lập năm 2004.

Mặt khác tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Tam Điệp đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 19/3/2003, thửa đất 456 được quy hoạch là đất đồi núi, lâm nghiệp và giao thông.

Vẫn theo Công văn, diện tích 3.194,8 m2 đất thuộc thửa 456 về pháp lý được phân loại là đất 2 lúa. Khi thực hiện công tác kiểm kê đất đai năm 2005, vị trí thửa đất thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất là đất lúa và được UBND xã Yên Bình xác nhận. Ngoài ra, gia đình ông Đinh Văn Tác không làm nhà ở trên diện tích đất 360 m2 do UBND xã Yên Bình đã giao trái thẩm quyền.

Đến năm 2007, UBND xã Yên Bình tiếp tục phân loại công khai danh sách các hộ đủ và không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hộ ông Tác thuộc diện không đủ điều kiện. Do đó, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Ninh Bình căn cứ khoản 2, điều 23, Nghị định số 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai về việc UBND TP Tam Điệp không chấp nhận việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Đinh Văn Tác là đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng thành phố Tam Điệp lập biên bản xác minh thiệt hại của gia đình ông Đinh Văn Tác do nổ mìn khai thác đá của DNTN Vận tải Sơn Linh. Ảnh do ông Đinh Văn Tác cung cấp

Quan điểm của chuyên gia pháp luật

Qua thẩm định hồ sơ, Luật sư, Tạ Ngọc Sơn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình căn cứ vào khoản 2, điều 23, Nghị định 43 của Chính phủ để xác định 3.194,8 m2 đất của gia đình ông Đinh Văn Tác là đất cấp không đúng thẩm quyền, vi phạm quy hoạch và vì đất 2 lúa nên không đủ điều kiện cấp sổ đỏ là không đúng.

Theo luật sư Tạ Ngọc Sơn, tại các văn bản trả lời lần 1 và lần thứ 2 cho gia đình ông Tác của UBND thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, đều được thể hiện nguồn gốc đất của gia đình ông Đinh Văn Tác là đất khai hoang phục hóa từ những năm 1990 với diện tích là 3.194,8 m2 (trong đó có 360m2 đất ở), và có nhiều tài sản trên đất như nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, khu giết mổ, ao cá các loại... đã được UBND xã Yên Bình chấp nhận đưa vào bản đồ địa chính từ năm 2004, và thành lập Hội đồng đăng ký đất đai của xã, đề nghị UBND thành phố Tam Điệp cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình ông Đinh Văn Tác, theo đúng luật đất đai 2003 quy định.

Tuy nhiên đến khi phân tích và áp dụng các Điều luật đất đai 2013 và Nghị định 43 của Chính phủ thì UBND thành phố Tam Điệp và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh lại cho rằng 3194,8m2 đất của hộ gia đình ông Đinh Văn Tác là đất 2 lúa, là đất được cấp không đúng thẩm quyền và vi phạm đồ án quy hoạch của tỉnh Ninh Bình phê duyệt từ năm 2003 và 2014 nên đã căn cứ vào khoản 7, điều 20, Nghị định 43 của Chính phủ và khoản 2, điều 23, Nghị định 43 để xác định đất của hộ ông Tác không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ, mà chỉ được sử dụng tạm thời đến khi nhà nước thu hồi.

Sau khi nghiên cứu các căn cứ của UBND thành phố Tam Điệp và Sở tài nguyên môi trường tỉnh Ninh Bình, đối chiếu với Nghị định 43 của Chính phủ thấy rằng tại khoản 2, điều 23, Nghị định 43 của Chính phủ quy định như sau:

"Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này".

Như vậy, mặc dù đất cấp không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy hoạch, nhưng đất của gia đình ông Tác đã sử dụng ổn định và lâu dài, từ trước năm 1993, tức là trước thời điểm quy hoạch của tỉnh Ninh Bình phê duyệt, thì hộ gia đình ông Tác có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo Luật đất đai 2013 và Nghị định 43 của Chính phủ quy định.

Sự việc đã rất rõ nhưng vì sao các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình vẫn “đá bóng”, quanh quẩn, Sở Tài nguyên Môi trường viện dẫn những điều luật gây bất lợi cho người dân, báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/ban-doc/ninh-binh-kho-khan-trong-viec-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-cho-nguoi-dan-276748.html