Ninh Bình: Khẩn trương hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch

Không ít doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hàng chục nghìn người lao động trong tỉnh bị mất việc làm hoặc ngưng việc tạm thời…

Nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Ninh Bình, tính đến ngày 9/4/2020, đã có 231 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong số các DN báo cáo, có 108 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. '

Cụ thể, huyện Nho Quan 8 DN, huyện Gia Viễn 13 DN, huyện Hoa Lư 11 DN, thành phố Ninh Bình 27 DN, thành phố Tam Điệp 12 DN, huyện Yên Khánh 15 DN, huyện Yên Mô 7 DN, huyện Kim Sơn 15 DN. Theo báo cáo của 108 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguyên nhân ảnh hưởng phần lớn là do gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài…

Mặt khác, do những khó khăn chưa được tháo gỡ, toàn tỉnh có 16 DN phải tạm ngừng hoặc ngừng sản xuất, 1 DN thiếu vật liệu, thiếu thị trường lao động và phải thay đổi sản xuất, kinh doanh và nhiều DN khác phải thu hẹp sản xuất. Hệ quả tất yếu, đã có trên 19.000 lao động bị ảnh hưởng bởi khó khăn khó gỡ của DN, trong đó có trên 4.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, trên 4.000 lao động phải ngừng việc, gần 11.000 lao động sản xuất cầm chừng, không đủ công…

Nhiều DN tại Ninh Bình phải cắt giảm lao động do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Nhiều DN tại Ninh Bình phải cắt giảm lao động do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá từ Sở LĐTB-XH, hầu hết các DN đều đã cố gắng duy trì sản xuất, thực hiện luân phiên bố trí cho người lao động nghỉ phép hưởng nguyên lương trong thời gian có dịch, bố trí cho người lao động sản xuất cầm chừng, cho người lao động ngừng việc và trả lương trong thời gian ngừng việc theo mức lương cơ bản hoặc trả từ 50-80% mức lương cơ bản… nhằm giữ chân người lao động, trước khi đi đến việc chấm dứt hợp đồng với người lao động.

Đơn cử, trên địa bàn huyện Yên Mô hiện có tổng số 7 DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó, Công ty TNHH Giày Athena (xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình) là đơn vị sử dụng nhiều lao động nhất, với trên 6.000 lao động. Nhưng do tình hình sản xuất trở nên khó khăn hơn mà đã có gần 2.000 lao động phải nghỉ việc, Công ty hỗ trợ 1 tháng lương theo hợp đồng lao động.

Đa số các DN đều cho rằng, việc phải “cắt giảm” bớt người lao động trong thời gian dịch Covid-19 sẽ khiến các DN phải đối mặt với “bài toán” thiếu lao động khi tình hình sản xuất ổn định trở lại và việc tìm, tuyển lao động ngày càng trở nên khó hơn. Trước tình hình này, các DN trên địa bàn tỉnh kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ bằng các hình thức như tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập DN và tiền thuê đất. Cùng với đó, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do phải chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Triển khai gói an sinh xã hội

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 29/4/2020 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công văn số 286 /UBND-VP6 về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh, để tiền hỗ trợ nhanh chóng được chuyển đến người thụ hưởng. Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thực sự là cứu cánh cho nhiều lao động bị mất việc. Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội này, Sở đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị, rà soát, lập danh sách cụ thể các đối tượng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19 được Chính phủ dự kiến hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh.

Tính đến ngày 16/5, 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc chi trả tiền đợt 1 từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng tới hơn hơn 94.000 đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Qua quá trình rà soát 4 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 100.209 đối tượng với tổng kinh phí hỗ trợ gần 104 tỷ đồng.

Bên cạnh việc chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp huyện, xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thông báo cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động thuộc diện được hỗ trợ khẩn trương làm thủ tục đề nghị hỗ trợ trên nguyên tắc đầy đủ, chính xác, bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng đối tượng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện rà soát một số nhóm đối tượng này trên địa bàn tỉnh cũng đang vấp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng, xác định tài chính của doanh nghiệp, thời gian quy định các bước thực hiện của các nhóm đối tượng gấp nên khó khăn cho việc tổng hợp, lập danh sách. Việc chi trả được tiến hành khẩn trương, kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hiện, các địa phương đang tiếp tục rà soát danh sách người lao động tự do, hộ kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 để lập kế hoạch tổ chức chi trả trong đợt tiếp theo.

Trang Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ninh-binh-khan-truong-ho-tro-lao-dong-gap-kho-khan-do-dich-137571.html