Nín thở theo dõi diễn biến ở đập Tam Hiệp

Lũ lụt đang là thách thức lớn cho đập Tam Hiệp, một trong những siêu dự án lớn nhất thế giới. Diễn biến ở đây có thể ảnh hưởng uy tín của Trung Quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng tốt.

Theo dõi những gì đang xảy ra ở Trung Quốc là cách hay để hiểu quốc gia này. Hiện nay, các cuộc thảo luận của quốc tế về Trung Quốc chủ yếu tập trung vào kế hoạch mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài - cả ở châu Á và xa hơn thế - của quốc gia này. Nhưng chính trị gia huyền thoại Tip O’Neill, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ, từng nói “tất cả vấn đề chính trị đều có liên quan đến tình hình trong nước”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn đang có rất nhiều điều trong nước phải lo lắng. Nghèo đói vẫn là vấn đề lớn ở Trung Quốc. Các vấn đề môi trường đã trở nên tồi tệ hơn. Tác động kinh tế và xã hội từ cuộc khủng hoảng Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến Trung Quốc.

 Đập Tam Hiệp xả lũ vào ngày 18/7 để giảm áp lực cho hồ chứa. Ảnh: Getty.

Đập Tam Hiệp xả lũ vào ngày 18/7 để giảm áp lực cho hồ chứa. Ảnh: Getty.

Và giờ đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Lũ lụt dọc sông Dương Tử đang thử thách sức chịu đựng và thiết kế của đập Tam Hiệp. Hoàn thành vào năm 2006, con đập này là một trong những siêu dự án lớn nhất thế giới.

Con đập nằm cách Vũ Hán, đô thị có dân số gần 20 triệu người và là nơi đầu tiên phát hiện ra virus corona, khoảng 300 km về phía tây. Nguy cơ thảm họa từ lũ lụt đã dẫn đến việc sơ tán khoảng 40 triệu người Trung Quốc.

Tranh cãi về xây dựng đập

Các vấn đề an toàn liên quan đến đập Tam Hiệp là một phần trong các cuộc tranh luận từ lâu về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đập ở các nước đang phát triển. Các dự án đập lớn hầu như luôn gây tranh cãi.

Một mặt, một số nhóm - đặc biệt là ở các nước giàu và cả ở các nước đang phát triển - cho rằng hậu quả môi trường và xã hội của các dự án đập lớn như đập Tam Hiệp vượt xa lợi ích nó mang lại.

Mặt khác, các tổ chức ủng hộ việc phát triển cơ sở hạ tầng ở nước thu nhập thấp chỉ ra những lợi ích mà đập mang lại cho nông dân và cho quốc gia qua việc mở rộng tưới tiêu và tăng nguồn cung cấp điện.

Đập Tam Hiệp tiếp tục mở cửa xả lũ vào ngày 19/7. Ảnh: AFP.

Ủy ban Đập Thế giới được thành lập năm 1997 như một nỗ lực để giải quyết cuộc tranh luận này. Năm 2000, Ủy ban kết luận rằng trên khắp thế giới, những con đập lớn đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của con người.

Tuy nhiên, kết luận cũng nêu rõ “trong nhiều trường hợp, con người phải trả cái giá không thể chấp nhận và thường không cần thiết để có được những lợi ích đó”.

Những vấn đề khó khăn này cũng đã được tranh luận ở Trung Quốc khi đập Tam Hiệp được xây dựng. Nhiều nhóm địa phương phản đối việc xây dựng đập.

Việc xây dựng đã bắt đầu vào cuối năm 1994 và được hoàn thành 12 năm sau đó. Hàng triệu người đã phải di tản khi một khu vực rộng khoảng 600 km bị nhấn chìm.

Ngày nay, sau nhiều lần nâng cấp, con đập này có 32 tuabin chính, với công suất phát điện hơn 22.000 megawatt, gấp hơn năm lần so với công suất phát điện của Đề án Snowy Mountains ở miền Nam New South Wales, Australia.

Gia tăng cung cấp năng lượng từ thủy điện chắc chắn là một điều cần thiết ở Trung Quốc. Năm 2014, mỗi người Trung Quốc chỉ tiêu thụ hơn 3900 kW/h mỗi năm, thấp hơn nhiều so với con số gần 13.000 kW/h ở Mỹ.

Trung Quốc vẫn đi sau hầu hết nước phương Tây trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện trên toàn quốc.

Cẩn thận quan sát tình hình đập Tam Hiệp

Những cơn mưa xối xả kéo dài gây ra lũ lụt lớn ở miền Trung Trung Quốc trong những tuần gần đây. Ký ức về cơn ác mộng vào năm 1998, khi lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc khiến hơn 4000 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế trên diện rộng, quay trở lại.

Hàng nghìn lính quân đội Trung Quốc đã được điều đến lưu vực sông Trường Giang để thực hiện các hoạt động khẩn cấp như xây dựng đê, đắp kè và đào kênh để xả nước.

Để đối phó với việc tích nước lũ ở thượng nguồn, chính quyền phải mở cửa xả lũ để giảm áp lực cho hồ chứa. Lượng nước tăng lên ở thượng nguồn đạt 55.000 m3/giây vào cuối tuần trước, vượt quá mức cảnh báo 50.000 m3/giây.

Việc xả lũ khẩn cấp chắc chắn đã làm lũ lụt trầm trọng hơn ở các khu vực hạ lưu của con đập.

Quân đội Trung Quốc gia cố một con đê gần sông Trường Giang ở Đồng Lăng, tỉnh An Huy. Ảnh: AFP.

Lũ lụt trên sông Trường Giang không phải là điều mới lạ ở Trung Quốc. Năm 1931, một trận lụt lớn khiến hơn 3 triệu người chết.

Đó là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra là thách thức lớn đầu tiên của đập Tam Hiệp kể từ khi con đập được xây dựng.

Không có lý do gì để nghĩ rằng đập Tam Hiệp đang gặp nguy hiểm. Thật vậy, con đập được thiết kế để đối phó với lũ lụt trên sông Trường Giang. Tuy nhiên, cũng có lý khi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc đang theo dõi tình hình một cách lo lắng và hy vọng rằng tình trạng khẩn cấp này sẽ sớm qua đi.

Đập Tam Hiệp là dự án trọng điểm thể hiện khả năng của Trung Quốc. Và trong khi tính an toàn của đập Tam Hiệp đang bị thử thách, danh tiếng nhà xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao toàn cầu của Trung Quốc cũng bị đe dọa.

Vì sao lũ lụt ở Trung Quốc năm nay lại đặc biệt nghiêm trọng? Tính từ đầu tháng 6 đến nay, mưa lớn đã trút xuống 27/31 tỉnh thành ở Trung Quốc, làm chết hoặc mất tích 140 người và ảnh hưởng tới hơn 37 triệu người ở nước này.

Như Trần
Theo: Interpreter

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nin-tho-theo-doi-dien-bien-o-dap-tam-hiep-post1110007.html