Niên độ 2016/2017, DN mía đường về đích thành công nhưng nhiều thách thức đang chờ phía trước

Đa phần các DN mía đường đều đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất cho năm tài chính 2016/2017. Tuy nhiên, vụ mía mới 2017/2018 được dự đoán rất khó khăn, buộc các doanh nghiệp cần phải giải quyết được vấn đề gốc rễ là giá thành để cạnh tranh hiệu quả.

Một năm thành công đối với các công ty mía đường

Trong lĩnh vực mía đường, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã áp dụng kỳ kế toán năm theo dương lịch bắt đầu từ ngày 01/07 và kết thúc vào ngày 30/06 năm sau. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến ngày 30/6/2017, toàn bộ các nhà máy đường đã kết thúc vụ sản xuất. Do đó, tính đến nửa năm 2017, nhiều công ty mía đường đã tổng kết và báo cáo kết quả kinh doanh cho niên độ tài chính 2016-2017.

Kết thúc niên độ tài chính 2016-2017, CTCP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (HoSE: SBT) công bố doanh thu gần 4.516 tỷ, tăng trưởng 12% so với niên độ tài chính trước; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 365 tỷ và 338 tỷ đồng, tương ứng tăng 18% và 15%. Do vậy, Công ty đã hoàn thành vượt hơn 16% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) cũng đã kết thúc niên độ tài chính 2016-2017. Theo đó, SLS ghi nhận doanh thu thuần đạt 537,6 tỷ giảm nhẹ so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 163 tỷ, cao gấp đôi so với năm trước. Công ty cũng vượt đến 169% so với kế hoạch mà ĐHĐCĐ đã đề ra.

Còn CTCP Mía Đường Lam Sơn (HoSE: LSS) trong niên độ 2016-2017 đạt doanh thu thuần 2.395,5 tỷ và lợi nhuận sau thuế 137,3 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 19% và 35% so với năm trước, trong khi lãi ròng cổ đông công ty mẹ lại tăng 29%, đạt 127 tỷ đồng, đều vượt xa kế hoạch đã đề ra.

Tính chung cả năm tài chính 2016-2017, CTCP Đường Biên Hòa BHS đạt mức 5.355 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22,7% so với năm trước; biên lãi gộp giảm còn 11,8% so với mức 13,8% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 303 tỷ đồng, tăng 22,2%, vượt xa kế hoạch.

Còn CTCP Mía Đường Cao Bằng (CBS) đã đề ra kế hoạch tài chính năm 2016-2017 với doanh thu thuần đạt 198 tỷ và lãi ròng là 4,7 tỷ đồng. Tính đến cuối 2016, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh CBS đạt 9,5 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 9,6 tỷ. Thời điểm quý I/2017, Công ty đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, khả năng cao CBS sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Ngành mía đường đối mặt với nạnbuôn lậu và hàng tồn kho cao kỷ lục

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tính đến ngày 30/6/2017, các nhà máy đường đã ép được 13.112.227 tấn mía, sản xuất 1.236.131 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 182.227 tấn, lượng đường giảm 1.169 tấn.

Ở vụ mía 2015-2016, giá đường trên thị trường có biến động phức tạp. Đầu vụ giá đường trắng loại một đã có thuế giá trị gia tăng (VAT) tại kho nhà máy hầu hết dao động trong khoảng 13.600-14.500 đồng/kg, giữa vụ là 14.500-15.500 đồng/kg, cuối vụ 15.500-16.500 đồng/kg, tức là tăng dần vào cuối vụ. Còn giá đường trong niên vụ 2016-2017, thống kê từ các báo cáo hàng tháng của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, giá đường dù có thời gian biến động nhưng vẫn ở mức ổn định trên dưới 16.000 đồng/kg.

Giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy trong tháng 7 giảm nhẹ so với tháng trước, giá trung bình trên toàn quốc đang ở mức giá 14.500 – 16.000 đồng/kg.

Vào đầu vụ mía 2016-2017, sau khi tính toán cân đối cung cầu, Bộ NN&PTNT dự báo lượng đường còn trong kho của các nhà máy, công ty thương mại sau khi kết thúc vụ mía 2016-2017 khoảng 231.000 tấn. Tuy nhiên, báo cáo của VSSA cho thấy, lượng đường tồn kho tại các nhà máy, công ty thương mại đến ngày 11/7 khoảng 681.000 tấn, tức là cao gần 3 lần so với tính toán ban đầu.

Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tồn kho đường cao kỷ lục là tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại năm nay có diễn biến phức tạp hơn so với mọi năm. Hơn nữa, tạm nhập tái xuất và nhập không chính thức cũng chiếm một lượng khá lớn vào nước ta.

Hồi tháng 7 năm ngoái, thông tin về việc trùm buôn lậu Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ đường) cùng đồng phạm ra hầu tòa và lãnh án đã làm nức lòng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường chân chính.

Đối tượng "Tỷ đường" Vi Ngươn Thạnh tại tòa

Trước khi xộ khám, Tỷ đường thao túng đến 35% tổng số đường lậu nhập vào Việt Nam. Và theo số liệu được Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham khảo từ Tổ chức Đường quốc tế thì hàng năm có khoảng 400.000 - 500.000 tấn đường nhập lậu vào nước ta.

Theo thông tin trên báo Hải Quan, năm 2016 hàng ngàn tấn đường lậu đã bị bắt giữ. Nguyên nhân là do khi đường dây "khủng" của Tỷ đường bị chặt đứt cũng là lúc các đường dây nhỏ hơn bắt đầu “trỗi dậy” vì nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao và khan hiếm hàng.

Giá đường lậu hiện thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước. Theo khảo sát của VSSA ngày 3/5, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội từ 15.600 - 16.300 đồng/kg, miền Trung từ 15.000 - 15.400 đồng/kg, TP.HCM từ 15.600 - 16.400 đồng/kg. Thế nhưng, giá đường Thái Lan nhập lậu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) trong ngày 3/5 thì chỉ có 14.000 đồng/kg, ở Đông Hà 14.500 đồng/kg, ở biên giới Tây Nam 14.500 đồng/kg và ở TP.HCM là 15.000 đồng/kg.

Một hành trình mới với nhiều thách thức và đổi mới

Về dự báo cho vụ mía 2017/2018, theo VSSA do thời tiết thuận lợi, sản lượng của Ấn Độ và Thái Lan sẽ tăng mạnh. Theo đó, sản lượng của Ấn Độ trong vụ này ước đạt 25 triệu tấn, sản lượng của Thái Lan đạt kỷ lục 12 triệu tấn. Trong khi dự báo diện tích mía Trung Quốc tăng đáng kể trong niên vụ 2017/2018 do giá mía và giá đường cao trong vụ 2016/2017.

Theo Sucden, dự báo dư thừa đường toàn cầu là 3,5 triệu tấn trong vụ 2017/2018. Còn FO Licht dự báo niên vụ 2017/2018 (tháng 10/tháng 9) sản lượng đường toàn cầu là 191 triệu tấn, dư thừa 4,9 triệu tấn. bên cạnh đó, ABARES dự báo giá trung bình của đường thô trong niên vụ 2017/2018 (tháng 10/tháng 9) là 15 cents/lb (dự báo hồi tháng 4/2017 là 22 cents/lb).; trong khi Commerzbank cho rằng giá đường thô trong quý IV/2017 chỉ ở mức 14 cents/lb.

Theo Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN (AFTA), năm 2018 ngành đường Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn cho đường của các nước ASEAN vào. Điều này đồng nghĩa đường nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ ở mức thuế 5% (so với mức 80%-100% như hiện nay) và không phải chịu hạn ngạch thuế quan. Khi đó đường Thái Lan có thể chính thức vào Việt Nam với số lượng không bị hạn chế ở mức thuế suất thấp.

Do vậy, để có thể cạnh tranh và san bằng chênh lệch giá đường với các nước, đặc biệt là đường Thái Lan cũng như chấm dứt làn sóng đường gian lận thương mại và nhập lậu lên đến 400.000 - 500.000 tấn mỗi năm, các doanh nghiệp mía đường trong mùa vụ tới phải giải quyết được vấn đề gốc rễ là giá thành, việc sản xuất kinh doanh phải đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, quy hoạch vùng nguyên liệu theo cánh đồng mẫu lớn, tăng công suất nhà máy,..

Đào hộc bằng máy cơ giới hóa tại rẫy mía của hộ dân

Mới đây, HĐQT Mía đường Sơn La đã thông qua kế hoạch vay 177 tỷ đồng, nhằm đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến đường ổn định công suất 5.000 TMN, giai đoạn 2017-2018. Số vốn trên được SLS vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Sơn La với thời hạn vay 81 tháng.

Còn HĐQT CTCP Mía Đường Lam Sơn đã thống nhất thành lập Công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn với vốn điều lệ 139 tỷ đồng do LSS đầu tư bằng tài sản dài hạn 100%.

CTCP Mía Đường Cần Thơ (CASUCO) đã mạnh dạn đầu tư máy cơ giới hóa từ năm 2007. Theo ông Huỳnh Văn Măng – Giám đốc Bộ phận Khuyến Nông CASUCO nhấn mạnh: "CASUCO sẽ phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, các công ty sản xuất máy móc nông nghiệp để hoàn thiện và đa dạng hơn hệ thống máy cơ giới hóa hiện có. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng cần thiết kế lại đồng ruộng và mạnh dạn đầu tư đổi mới kỹ thuật".

Hiện nhà máy đường An Khê của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) đang có công suất 12.000 TNM (tấn mía/ngày) và đã có kế hoạch tăng công suất lên 18.000 TNM trong thời gian tới.

Đáng chú ý nhất khi hai đầu mối trong ngành mía đường của Tập đoàn TTC là SBT và BHS đã được hợp nhất thành một. Sau khi sáp nhập, SBT sẽ trở thành công ty lớn nhất nắm trong tay 30% thị phần ngành đường trong nước với vùng nguyên liệu lên đến 40.000 ha, chiếm 16% diện tích cả nước; sản lượng mía 3,4 triệu tấn, chiếm 22% sản lượng của cả nước.

Lợi ích sau khi sáp nhập đó chính là khi quy mô tăng gấp đôi, Công ty có thể thương lượng với các nhà cung cấp để giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, SBT có thể sử dụng chung kênh bán lẻ với BHS để giảm chi phí bán hàng, tăng hiệu quả lợi nhuận, từ đó tăng tính cạnh tranh trong thời gian tới.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nien-do-2016-2017-dn-mia-duong-ve-dich-thanh-cong-nhung-nhieu-thach-thuc-dang-cho-phia-truoc-20170809042654126p4c146.news