Niềm vui từ U-Invent

Cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức, dành cho học sinh các trường THPT ở Đà Nẵng tham gia nhằm khuyến khích sự nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong học sinh.

Những người trẻ rất khác

Hội trường lớn của Học viện Việt - Anh đông kín người, đông hơn tưởng tượng của tôi. Không khí có vẻ chộn rộn, háo hức và có phần căng thẳng khi 5 đội dự thi vừa chăm chút bàn giới thiệu sản phẩm, vừa lo quần áo, lại lẩm nhẩm học bài thuyết trình. Tôi tự thấy có chút xấu hổ, vì mình chưa kịp đọc các tài liệu giới thiệu đầy đủ về chương trình mà đã hào hứng nhận lời tham gia làm giám khảo.

Sáp lại gần tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương, trưởng ban tổ chức, thì chị cười nhẹ: “Giám khảo thì cần kinh nghiệm, và trực giác thị trường mới là quan trọng. Người đang mới tinh, thì dễ đưa ra cái nhìn phù hợp hơn”. Xong chị trao đổi vài mong mỏi của cuộc thi: “Rủ rê các bạn học sinh đến với makerspace - không gian thực hành sáng tạo, với đủ mọi máy móc công nghệ mới nhất để biến suy nghĩ trên bản vẽ thành một vật thể có thể cầm nắm được, như một sự khích lệ sáng tạo. Đưa thêm một bo mạch của Intel để học sinh tự lập trình, sao cho ra được một giải pháp mới lạ nào đó… Cuối cùng, là truyền đủ cảm hứng để hội trường ngồi kín chỗ ngồi, gieo thêm lòng yêu khoa học cho các bạn trẻ…”.

Tôi mở ipad, tìm thử thông tin về U-invent trên thế giới, thấy có hai mô hình cơ bản: những bạn học sinh chuyên đi “săn” giải thưởng, và một dạng khác thì say mê thật sự nên theo đuổi sản phẩm của mình suốt nhiều năm trời. Tôi bắt đầu có vài suy nghĩ trong đầu về cách chấm thi của mình, cộng thêm các mô tả sơ lược về năm nhóm giải pháp đã vượt qua các vòng loại, chương trình huấn luyện để xuất hiện tại vòng chung kết để hình dung cái nào có thể đầu tư, cái nào coi cho vui rồi thôi.

Các thí sinh trong cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo.

Bắt đầu chương trình, là một thí sinh đơn độc, vì qua hai tháng vất vả, đội thi 4 người chỉ còn lại một chàng học sinh lớp 11. Anh lên bảo vệ đề tài “áo tự làm ấm cơ thể, định hướng phát triển có thể làm lạnh và tự massage”. Chàng trai trẻ mặc cái áo gi-lê có một sợi dây điện đính vào túi quần, bắt đầu kể về hành trình của mình.

“Thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Bà em hay bị lạnh, nên em muốn làm cái áo giúp bà đỡ lạnh. Lúc đầu, em làm cái áo kèm theo quạt sưởi, to tới mức phải đeo theo cái ba lô khi mặc áo. Nhưng rồi cải tiến dần, giờ chỉ còn là một cái áo gi-lê mỏng mà em đang mặc. Bên trong là những ống nước nhỏ, nối liền với một hệ thống phát nhiệt theo công nghệ heat-tech và bo mạch điều khiển dòng nước tuần hoàn liên tục để tỏa nhiệt năng, làm ấm cơ thể. Chỉ cần 4 viên pin tiểu thôi, là áo có thể hoạt động được nhiều giờ liền…”. Vẫn là một cậu học sinh, nhưng có một chút tự hào, chủ động và nói rất nhiều về khái niệm “thành công”.

Và nguồn năng lượng khác

Được phát động từ ngày 18/12/2017, cuộc thi thu hút được 17 đề tài đến từ 14 đội thi của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, tất cả thí sinh đã cùng làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng của mình và đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Cậu học sinh lớp 11 Trần Đình Duy - trường Phan Châu Trinh, kể một câu chuyện thực của gia đình mình: Chú qua đời vì tai nạn giao thông ở một ngã tư giao nhau mà bị chắn tầm nhìn. Duy tự hỏi, mình có thể làm gì để đừng ai phải rơi vào nỗi buồn như mình nữa. Cậu trai bắt đầu suy nghĩ về việc gắn các cảm biến sóng âm để phát tín hiệu báo động đối với xe di chuyển trong các con hẻm, các ngã tư chưa có đèn tín hiệu để mọi người có thể tự cảnh giác. Xong, cậu lại nghĩ đến những ngã tư có đèn giao thông, thì liệu có phải là nơi an toàn nhất hay không?

Duy cùng đồng đội của mình ra ngã tư đứng xem, và thấy nhiều người khiếm thị phải chờ rất lâu mới có người dắt qua đường. Hai cậu trai quyết định đi đến trường khiếm thị, trao đổi với học sinh, thầy cô khiếm thị, và chọn việc phải làm là xây dựng một hệ thống giao thông thông minh ở ngã tư giúp người khiếm thị có thể biết khi nào thì di chuyển qua ngã tư được.

Sẵn đà làm tới, họ bắt đầu mơ về giấc mơ tạo ra hệ thống đánh giá chất lượng mặt đường, hệ thống phát hiện ổ gà và nghĩ luôn việc tìm kiếm đối tác kinh doanh để chuyển giao công nghệ.

Tôi nghĩ: “Hay đây là một đội chuyên đi săn giải thưởng?” - bèn hỏi: “Em mong muốn tương lai mình sẽ làm gì? Nhà khoa học hay doanh nhân?”. Duy trả lời, nhẹ như không: “Thần tượng của em là Thomas Edison, vừa làm phát minh vừa bán kiếm tiền. Em muốn giống thần tượng của mình”. Một giám khảo khác, là bà Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, vội mời sang sở, để giúp các việc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Giám khảo còn lại, từ ông ty Global Cyber Soft đặt lịch mời Duy đến công ty để trình diễn giải pháp và bàn thêm về tiềm năng hợp tác. Hội trường bắt đầu nóng lên, nhanh hơn hẳn so với tốc độ của áo sưởi ấm.

Thí sinh tiếp theo là nhóm học sinh của bốn trường phổ thông khác nhau ở cùng quận Sơn Trà, Đà Nẵng, trình diễn giải pháp “Cánh tay thứ ba cho người khuyết tật”. Họ dành hẳn một nửa thời gian thuyết trình để nói về nỗi đau, và các hệ lụy xã hội của những người khuyết tật bị mất chi. Vậy nên, các chàng trai gần 17 tuổi này chọn hướng đi của mình là “Thêm cánh tay mới, thêm hi vọng mới, thêm niềm vui và thêm ý nghĩa cuộc sống”.

Họ trình diễn một cánh tay robot, làm bằng ống nhựa PVC thông thường, cột bằng dây giày và biết nhận các lệnh gắp đồ vật, vẫy cờ… Cả hội trường ồ lên tán tưởng.

Các chàng trai trẻ thật thà: Tụi em làm xong cánh tay này, định bán giá 1.250.000 đồng. Nhưng cũng muốn nhiều hơn, là có thể làm được bàn tay năm ngón với các khớp linh hoạt, có thể điều khiển bằng giọng nói hoặc dài hạn hơn là điều khiển bằng sóng não.

Hội trường lại hoan hô nhiều hơn. Năng lượng hùng hậu của những người trẻ gần như lấn át vai trò của ban giám khảo.

Những bài học ngoài giảng đường

Tôi thấy hạnh phúc nhất khi nghe những chàng trai làm cánh tay robot này nói về việc họ học được nhiều nhất, là tinh thần đồng đội, và cách giải quyết những bất đồng khi làm việc. Họ chiếu một video ngắn về mình, những người trẻ măng, cởi trần, ngồi cùng nhau trong phòng ngủ suốt nhiều ngày liền, với đủ việc: Lập trình trên máy tính, vẽ các sơ đồ, mài giũa các chi tiết, lắp ghép quá chừng dây điện và ôm chầm lấy nhau khi lần đầu tiên cánh tay nhận lệnh và thực hiện thành công việc nhặt một món đồ nhỏ xíu lên. Đó là một hình dáng khác của những người trẻ, say mê sáng tạo, say mê khoa học và bắt đầu muốn làm chủ công nghệ.

Ý tưởng còn lại là thùng rác thông minh và mô hình trạm tự động phân phối và báo cáo. Ý tưởng nhằm giảm thiểu các vấn đề về nhân công cũng như lượng chất thải mà xe rác rải ra ngoài môi trường. Thùng rác sẽ sử dụng công nghệ để chiếc thùng tự động di chuyển với lộ trình vạch kẻ sẵn và di chuyển về trạm đúng giờ. Thùng rác sẽ được gắn hệ thống có các cảm biến thông minh (tự động báo rác đầy, đóng mở nắp khi có người bỏ rác, định vị trí bằng GPS...). Trong lúc đó, trạm sẽ tự động thu gom, giám sát lộ trình các thùng rác di chuyển và tự động phân phối về vị trí cũ, có thể điều khiển thùng rác qua máy tính và sạc nguồn chính pin bằng năng lượng mặt trời.

Điều hấp dẫn duy nhất là thủ lĩnh của đội này là một cô gái. Cô đứng đó, vừa rụt rè, vừa hiên ngang, đưa mắt ra lệnh cho các đồng đội nam của mình thực hiện các nhiệm vụ, trong khi vẫn nở nụ cười...

Đội cuối cùng là nhóm siêu nhân. 6 chàng trai lớp 12, chuyên nghiệp, vững vàng về đội hình, phân công nhiệm vụ và có phần trình bày lẫn demo suýt chút nữa là hoàn hảo về mô hình hệ thống cống thông minh của mình. Họ tính toán đầy đủ cách thức để ống cống tự nhận diện rác, tự xử lý và biết “kêu cứu” khi quá tải, để giảm thiểu tình trạng cống tắc làm ngập úng đường phố. Họ thậm chí còn biết rõ giải pháp của mình có thể bán cho ai, xuất khẩu đến những quốc gia có độ cao thấp hơn mặt biển như thế nào...

Kết quả không phải là điều cần nhắc đến ở đây. Tôi gần như quên mất tên đội chiến thắng, chỉ mang về niềm vui rất nhẹ, về một buổi sáng cuối tuần, có cả ngàn người trẻ đi dự một sự kiện công nghệ. Tôi tin rằng, lần đầu tiên U-invent tổ chức ở Việt Nam đã có nhiều hạt giống tốt lành được gieo xuống...

Cuộc thi “Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent” do chương trình kết nối Mekong “MekongSkills2Work” tài trợ dựa trên sáng kiến của trường Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ. Cuộc thi đang được tổ chức ở nhiều nước trong khu vực Mekong như Lào, Campuchia.

Dựa trên nền tảng bo mạch Galileo do Intel cung cấp, các đội dự thi chọn đề tài độc lập để phát triển một sản phẩm ứng dụng với chủ đề liên quan đến “Thành phố thông minh”.

Cuộc thi được chia làm 4 giai đoạn: Khởi động - Thiết kế - Thực hiện và Trình bày. Trong đó, thí sinh sẽ được thực hành tại Không gian sáng chế Maker Innovation Space thuộc ĐH Đà Nẵng để triển khai ý tưởng trên các bảng mạch điện tử, chế tạo các mẫu thử nghiệm. Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ được các huấn luyện viên hướng dẫn kỹ năng thuyết trình, hỗ trợ kiểm tra, phát triển các mẫu thử. Sau khi hoàn chỉnh ý tưởng, thí sinh sẽ tham gia thuyết trình vòng 2 để chọn lại 8 đội vào vòng chung kết.

Trần Vũ Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/niem-vui-tu-uinvent/20180315053423713p1c859.htm