Trên thực tế, nhóm chế phẩm sinh học này còn là “khắc tinh” của nhiều loài dịch hại trên rau màu, cây ăn quả. Những ngày giáp Tết Tân Mão, chúng tôi đã tìm về với người nông dân để hiểu rõ thực hư chuyện này… Xin mời các bác cứ ra ruộng nhà em! Vừa đến UBND xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chúng tôi đã nghe thấy một nông dân cất tiếng gọi: - Anh Mẫn ơi! Hôm nay có mang thuốc về cho chúng tôi không đấy? - Các bác yên tâm, đâu sẽ có đó! Người đàn ông vừa trả lời có dáng cao to, mái tóc xoăn bay tơi trong gió lạnh chính là ông Nghiêm Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thiên Đức. Hôm nay, Hội Nông dân xã Đông Xuân tổ chức buổi hội thảo “đầu bờ” về ứng dụng công nghệ sinh học trên cây khoai tây. 28 hộ nông dân, những người tiên phong ứng dụng nhóm chế phẩm sinh học Exin 4.5 HP đã có dịp trao đổi với nhau về loại thuốc bảo vệ thực vật không gây hại cho môi trường. Ông Nguyễn Văn Chính, nông dân ở thôn Phú Thọ, xã Đông Xuân là người được chọn lên phát biểu đầu tiên. “Tôi chỉ xin nói vắn tắt thế này. Những năm trước, khi trồng khoai tây vụ đông, năm nào cây cũng chết xanh, chết héo mà không rõ nguyên nhân. Năm nay, được Hội Nông dân xã quan tâm, đặc biệt là anh Nghiêm Mẫn hỗ trợ thuốc miễn phí, tôi đã làm theo hướng dẫn, phun vài lần với phân bón Komic. Kết quả, hiện tượng cây chết cơ bản được khắc phục. Cây phát triển tốt, lá xanh, thân khỏe. Lát nữa mời mọi người ra thăm ruộng nhà tôi” - Ông Chính nói giọng phấn khích. Những người phát biểu tiếp theo là bà Lê Thị La, Nguyễn Thị Thảo ở xã Đông Xuân đều khen loại chế phẩm sinh học và “chốt” câu: “Xin mời các bác cứ ra thăm ruộng nhà em”. Trong khi mọi người đang lục tục kéo nhau ra đồng, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Đông Xuân tranh thủ cho tôi biết: “Khoai tây là một trong những cây vụ đông chủ lực của xã. Hiện chúng tôi đang khuyến khích bà con nông dân sản xuất những loại rau an toàn. Những năm trước, tình trạng sâu bệnh vẫn diễn ra trên cây rau màu vụ đông. Riêng bệnh vàng xanh xuất hiện rất nhiều trên cây khoai tây, nhưng bà con cũng không hiểu tại sao. Được sự quan tâm của trên trong việc ứng dụng các mô hình, qua thực tế thấy hiệu quả rõ rệt”. Cũng như một số nông dân, vị Phó chủ tịch xã tiếp tục mời chúng tôi… ra đồng! Hiệu quả thiết thực trên cánh đồng Giữa cánh đồng khoai tây xanh mướt, rung rinh trong gió đông, chúng tôi để ý thấy nhiều luống cây to, thân bụ bẫm, lá dầy và to hơn. Đó là ruộng khoai tây của gia đình bà Nguyễn Thị Thảo, ở thôn Phú Thọ, xã Đông Xuân, người đã may mắn được Công ty Thiên Đức hỗ trợ chế phẩm Exin 4.5 HP dùng cho cây rau màu. “Thửa ruộng này của nhà tôi năm ngoái bị bệnh héo xanh nhiều lắm. Năm nay thì tươi tốt thế này!” - Bà Thảo khoe. Ngay bên cạnh luống “khoai mẫu” nhà bà Thảo, bà Nguyễn Thị Tập, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Xuân phấn khởi nói với chúng tôi: - Hội Nông dân xã thực hiện thí điểm mô hình dùng chế phẩm sinh học cho 28 hộ nông dân. So với những ruộng không phun thuốc thì ruộng này khác hoàn toàn. Bệnh héo xanh trên cây hoa màu do vi khuẩn tấn công gây chết hàng loạt, có hộ những năm trước cây chết tới 50% diện tích. Nhiều người không dám trồng vì sợ rủi ro. Phun hóa chất nhiều thì sợ bị nhiễm độc. Cũng có mặt trên cánh đồng Đông Xuân, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Trung tâm Du lịch - Dịch vụ (thuộc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân Việt Nam) bày tỏ: - Thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân, chúng tôi đang phối hợp với Công ty Thiên Đức thí điểm một số mô hình sử dụng công nghệ sinh học như mô hình cam, cà chua, khoai tây. Mô hình trồng cà chua ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã thu hoạch, hiệu quả tốt. Còn mô hình trồng cây khoai tây ở xã Đông Xuân thì như anh đã thấy trên thực tế cánh đồng. Ngoài khắc chế được dịch bệnh, hiệu quả cao, những loại cây dùng công nghệ sinh học còn giúp người tiêu dùng có những nông sản sạch. Chúng tôi được biết, trong năm 2010, với tư cách là nhà phân phối nhóm chế phẩm Exin 4.5 HP tại miền Bắc, Công ty Thiên Đức đã hỗ trợ miễn phí hơn 300 triệu đồng tiền thuốc cho nông dân các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định để khống chế và ngăn chặn thành công bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lụi, đốm sọc vi khuẩn. Theo một cán bộ ở Viện Bảo vệ thực vật, đến nay trên thế giới, những bệnh do vi-rút gây hại vẫn chưa có thuốc chữa đặc hiệu! Thế nhưng, một nhà khoa học Việt Nam - kỹ sư Hứa Quyết Chiến - công tác tại Viện Sinh học Nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu ra nhóm chế phẩm Exin có thể ngăn ngừa, khắc chế, thậm chí cứu chữa được (nếu phát hiện sớm) các bệnh gây hại cho cây trồng có nguyên nhân từ vi-rút, vi khuẩn. Theo ông Chiến, nhóm chế phẩm Exin 4.5 HP gồm 3 chủng loại: Loại Exin R dùng cho lúa, loại Phytoxin VS để trừ các loại sâu bệnh cho rau, và loại AIM có tác dụng xua đuổi rầy trên lúa. Phương thức phòng trừ cơ bản của nhóm chế phẩm Exin 4.5 HP là không trực tiếp tiêu diệt các loại vi-rút, vi khuẩn, sâu bệnh gây hại mà tác động vào cây trồng để cây có khả năng tự bảo vệ. Khi chuẩn bị kết thúc bài viết này, chúng tôi nhận được tin vui: Do được giá, lại giảm sâu bệnh, diện tích khoai tây của 28 hộ ở xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) đều cho năng suất cao, giá trị kinh tế đạt từ 4,5 triệu đến 5 triệu đồng/sào, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt khoảng 3 triệu đồng/sào. Nhờ vậy, nhiều gia đình trồng cây vụ đông có thêm thu nhập, nhân thêm niềm vui khi Tết đến Xuân về. Bài và ảnh: Lê Thiết Hùng
Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/137026/Default.aspx