Niềm vui được xuống án tù của người đàn ông mang án tử hình

Khi bị kết án tử hình do mua bán 9 bánh ma túy, Mã Văn Báo, SN 1969, trú tại khu Chộc Vàng, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) từng có thời gian nghĩ rằng cuộc đời mình từ nay chấm dứt nên nhiều lúc tìm đến cái chết. Nhưng rồi được quản giáo động viên, khích lệ nên Báo đã lấy hết can đảm viết thư gửi Chủ tịch nước xin ân xá và cơ hội được sống đã đến khi lá thư của tử tù này được chấp thuận...

Những ngày thi hành án tù chung thân, Báo luôn tâm niệm rằng đây là một đặc ân để sửa chữa lỗi lầm nên rất chăm chỉ lao động và chấp hành tốt mọi nội qui, qui định nơi cải tạo. Kết quả là sau hơn chục năm nỗ lực, phấn đấu cải tạo, được xếp loại khá, Báo được giảm án từ chung thân xuống án có thời hạn. Dù rằng bản án có thời hạn là 30 năm nhưng với Báo, con đường trở về đoàn tụ với gia đình đã hiện ra trước mắt chứ không mù mịt như bản án chung thân nữa.

Tâm sự với chúng tôi, Báo hồ hởi khoe rằng anh ta nằm trong số 13 phạm nhân có mức án cao nhất trại giam Vĩnh Quang được giảm xuống án có thời hạn trong đợt xét giảm án vừa qua. Nam phạm nhân này bảo rằng vì tiền mà suýt mất mạng nên những ngày sống trong trại cải tạo đã rất thấm thía về sự trả giá của mình. Báo bảo không mong gì hơn ngoài tâm niệm có sức khỏe hoàn thành tốt công việc được giao để sớm trở về với gia đình.

Suýt mất mạng vì buôn ma túy

“Tôi không bị bắt quả tang mà từ lời khai của một người khác”, Báo tâm sự. Anh ta cho biết mặc dù không bị bắt quả tang nhưng khi được cơ quan chức năng gọi lên làm việc, Báo nhận hết lỗi về mình. Anh ta thừa nhận đã nhiều lần giao dịch mua bán ma túy với một người ở bên kia biên giới, tổng số lượng ma túy mà anh ta đã mua bán trót lọt là 9 bánh heroin.

Theo bản án, ngày 1-1-2007, tổ công tác phòng an ninh biên giới công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện và bắt quả tang Phạm Văn Cường, SN 1975 ở Pò Lợi, Tú Đoạn, Lộc Bình (Lạng Sơn) đang có dấu hiệu vượt biên trái phép tại tại khu vực Khuất Xá, Lộc Bình nên tiến hành tạm giữ để lấy lời khai. Qua khai thác, đối tượng Cường khai nhận đang cùng đồng bọn tiến hành giao dịch mua bán 1 bánh heroin với một người đàn ông Trung Quốc. Tuy nhiên, do phát hiện có lực lượng chức năng nên cả nhóm đã bỏ chạy, còn lại mình Cường vì sợ mất bánh ma túy đã không bỏ chạy nên bị bắt.

Tổ công tác đã cho Cường quay lại khu vực trên và lấy được chiếc túi bên trong có đựng 1 gói bột trắng qua giám định cho thấy đó là heroin có trọng lượng 329,2 gam.

Theo lời khai của Cường thì trong một lần đi chợ đầu năm, Cường gặp một người đàn ông Trung Quốc tên là Quyền và được ông ta đặt vấn đề mua ma túy với giá 130 triệu đồng/bánh. Cường đã nói chuyện này với nhóm bạn và được mọi người đồng ý đi tìm nguồn hàng. Theo đó cả nhóm đã 1 lần bán trót lọt 1 bánh ma túy cho người đàn ông kể trên và hưởng lợi số tiền 27 triệu đồng. Số tiền này, theo lời Cường là mỗi người được chia 2 triệu đồng còn lại để tiêu xài chung.

Cũng theo lời Cường thì ngoài việc cùng nhóm bạn mua bán ma túy với người đàn ông tên Quyền thì anh ta còn nhiều lần được Mã Văn Báo thuê vận chuyển ma túy qua biên giới với tiền công là 2 triệu đồng/ bánh heroin. Báo được triệu tập lên làm việc và thừa nhận hành vi của mình. Theo lời khai của Báo thì anh ta đã 8 lần giao dịch mua bán trót lọt tổng cộng là 9 bánh heroin.

Nói về cái “duyên định mệnh” dính dáng tới ma túy, Báo kể: “Tôi nhớ rõ ngày tháng vì lần ấy đúng vào dịp lễ hội ở thị trấn, tôi lại đang chuẩn bị làm nhà nữa”.

Theo lời Báo thì đó là ngày 26-3-2005, tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) có diễn ra một lễ hội, thu hút nhiều người dân ở các nơi tới tham dự. Trong số đó có Báo Mả Mình là người làng Nà Ủ, Ninh Minh, Quảng Tây (Trung Quốc) có quan hệ thân tộc với gia đình Báo cũng về dự. Vì cùng là người dân tộc Nùng lại thân thích họ hàng nên khi Mả Mình tới nhà Báo chơi, vợ chồng Báo đã giữ ở lại trong những ngày lễ hội. Tại đây, trong quá trình nói chuyện, Mả Mình đặt vấn đề mua heroin với Báo, hứa sẽ mua với giá 6,8 vạn NDT/bánh. Thời điểm đó gia đình Báo đang bận mua vật liệu chuẩn bị làm nhà mới nên anh ta chỉ nghe chứ không dám nhận lời.

Các phạm nhân trại giam Vĩnh Quang cải tạo ở đội làm đậu phụ

Các phạm nhân trại giam Vĩnh Quang cải tạo ở đội làm đậu phụ

Đầu tháng 4-2005, Báo khởi công xây nhà nhưng mới xong được phần móng thì nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ nhà với chủ thầu xây dựng nên nhóm thợ bỏ đi, không tiếp tục xây nhà cho Báo nữa. Thấy nhà em vật liệu ngổn ngang mà thợ thì chưa tìm được, người anh rể của Báo là Đặng Văn Vinh đã giới thiệu một người tên là Trường ở Hiệp Hòa, Bắc Giang đến xây dựng tiếp công trình đang dang dở.

Trong thời gian xây nhà cho Báo, Trường nói với gia chủ rằng anh ta có nguồn heroin, nếu ai mua sẽ bán với giá 130 triệu đồng/bánh, lấy hàng bán xong mới phải thanh toán. Chợt nhớ tới lời đề nghị của người họ hàng bên kia biên giới, Báo liền bảo người em họ của mình là Hoàng Văn Sáng, SN 1977, ở xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, vượt biên sang gặp Mình, hỏi xem còn cần mua heroin nữa không. Sáng nghe theo lời anh họ, lén vượt biên sang gặp Mình và được người này cho biết có ma túy cứ đưa ra biên giới, bao nhiêu anh ta cũng mua hết. Sáng nói lại cho Báo biết rằng Mình đồng ý mua heroin với giá 170 triệu VND/bánh.

Thấy việc mua bán này chẳng cần bỏ vốn cũng lãi được 40 triệu đồng trong khi đoạn đường từ nhà sang bên kia biên giới chưa đầy cây số nên Báo quyết định dấn thân vào mạo hiểm. Anh ta đặt hàng của Trường, mua heroin rồi đưa cho Sáng mang sang Trung Quốc bán lại cho Báo Mả Mình. Vì sợ bị cướp hàng nên Sáng rủ thêm một số thanh niên nữa trong đó có Phạm Văn Cường.

Mỗi chuyến hàng trót lọt, nhóm của Sáng được Báo trả công 15 triệu đồng chia nhau. Việc làm của Báo và Sáng sẽ chẳng ai hay biết nếu như Cường không bị bắt trong một vụ án khác và khai ra vụ việc.

Sau một năm tạm giam và qua 2 cấp tòa xét xử, Mã Văn Báo nhận mức án cao nhất là tử hình. Những ngày sống trong buồng biệt giam chờ ngày thi hành án, Báo hụt hẫng và sợ hãi nên đã mấy lần tìm cách tự sát nhưng không thành. Được quản giáo động viên, an ủi, Báo đã tĩnh tâm hơn nên sau nhiều đêm suy nghĩ đã xin giấy viết đơn gửi Chủ tịch nước với mong muốn được tha tôi chết. Một năm sống trong hy vọng và đợi chờ, Báo vỡ òa sung sướng khi biết lá đơn của mình được chấp thuận. Ngày được nghe cán bộ trại giam đọc quyết định tha tội chết của Chủ tịch nước, Báo đã khóc òa vì không ngờ còn có cơ hội được sống và sửa chữa lỗi lầm. Đầu tháng 7-2009, Báo về trại giam Vĩnh Quang thi hành bản án tù chung thân.

Cảm ơn cuộc đời vì còn được cơ hội sống

“Dân lao động chúng tôi thấy có tiền là ham, hiểu biết pháp luật lại hạn chế nên có biết sợ là gì đâu, đến lúc nhận bản án tử hình mới thấy sợ thì cũng muộn rồi”, Báo giãi bày.

Tâm sự về gia đình, anh ta kể rằng thời gian đầu mới bị bắt, thời kỳ ở trại giam công an tỉnh Lạng Sơn, thi thoảng Báo còn được người thân tới thăm nhưng khi lên trại cải tạo có thể vì đường xa, gia đình lại không có điều kiện đi thăm nên việc thăm gặp cứ thưa dần, gần chục năm nay thì không ai lên thăm nữa. Báo kể có viết thư về cho gia đình nhưng vì không nhận được hồi âm nên cũng chán không viết nữa, lâu dần thành quen và không còn cảm thấy khó chịu, bực bội trong lòng khi thấy bạn tù cùng buồng được người nhà quan tâm, chu cấp như thời gian đầu nữa. Dường như sau những biến cố xảy ra đến với mình đã khiến nam phạm nhân này có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân nên không còn nghĩ tới chuyện hờn giận, trách móc người thân nữa. Báo tâm sự rằng với anh ta bây giờ, còn được sống là còn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và làm những gì mà trước đây chưa làm được.

Nét mặt xương xương, người đàn ông này cho hay mặc dù không béo lên được cân nào nhưng may mắn là từ ngày vào trại cải tạo tới nay không hề ốm đau hay bệnh tật gì. Tay vẫn thoăn thoắt gấp những chiếc túi làm bằng bao xác rắn do các phạm nhân cùng đội may xong, xếp gọn gàng thành từng chồng, Báo vừa chậm rãi kể về những người thân trong gia đình, nhắc tên từng người một như thể không phải để cho chúng tôi biết mà như đang ngược dòng thời gian trở về quá khứ với những mường tượng về người thân, ruột thịt.

“Tôi là con út trong gia đình, trên tôi có 7 anh chị, cả nhà ai cũng chỉ học hết tiểu học là nghỉ ở nhà đi làm thuê, làm mướn”, Báo kể.

Theo lời Báo thì nhà ở sát đường biên nên đa số là vượt biên sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu là trồng rau, trồng chuối và làm gạch…vất vả nhưng lúc nào cũng có việc. Nhờ chăm chỉ làm thuê cho các chủ điền bên Trung Quốc mà vợ chồng Báo tích cóp được ít tiền nên năm 2005 mới quyết định xây nhà thì xảy ra chuyện thợ thuyền không làm nữa. Cuộc đời của Báo nếu không gặp biến cố kể trên thì với cái tuổi 35 mà hai con đã lớn thì cũng có thể nói là bắt đầu được an nhàn. Nhưng rồi cuộc viếng thăm của người trong thân tộc sinh sống ở bên kia biên giới đã làm thay đổi hoàn toàn số phận những con người trong gia đình Báo, khiến Báo suýt nữa thì mất mạng.

Hỏi Báo có trách giận gia đình không khi mà đã lâu lắm rồi không nhận được thông tin gì từ người thân, anh ta đáp: “Tôi chẳng trách giận gì các con tôi cả, kể cả cha mẹ hay các anh chị. Lỗi là do tôi gây ra thì phải gánh chịu. Cũng vì tôi mà người thân phải liên lụy nên không có quyền trách móc. Tôi đã đi được một nửa quãng đường phục thiện rồi nên nhiệm vụ của tôi lúc này là tiếp tục làm tốt công việc được giao để sớm được ra trại, trở về đoàn tụ với gia đình".

Báo bảo điều mà anh ta ân hận nhất là để 2 đứa con cũng học hành dở dang như mình và không biết cuộc sống hiện giờ thế nào, có vất vả lắm không. “Không biết 2 đứa con tôi ở nhà thế nào, chúng mà làm sao thì tôi có ân hận cũng không thể nào tha thứ hết được”, Báo thở dài tâm sự nhưng sự tư lự ấy nhanh chóng qua đi khi nghe nhắc đến việc được giảm xuống án có thời hạn. Nam phạm nhân này bảo cuộc đời vẫn còn ưu ái anh ta nên sẽ quyết tâm không để vuột mất cơ hội ấy.

Nhìn gương mặt rắn rỏi của Báo và sự miệt mài chăm chú của anh ta vào công việc, chúng tôi tin anh ta đang nói thật suy nghĩ của mình như một sự tự an ủi vỗ về và tự động viên bản thân cố gắng.

Nguyễn Vũ – Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/niem-vui-duoc-xuong-an-tu-cua-nguoi-dan-ong-mang-an-tu-hinh-237314.html