Niềm vui đến với người nghèo Trà Vinh

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở Trà Vinh đã có nhà ở kiên cố, có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Trồng chanh không hạt đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Lẹ (người ngoài cùng bên trái) ở ấp Ô Chích A (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) có thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở Trà Vinh đã có nhà ở kiên cố, có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, người dân đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng phương thức sản xuất phù hợp để từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hiệu quả chính sách giảm nghèo

Đánh giá về hiệu quả của các chương trình tín dụng mà NHCSXH tỉnh Trà Vinh đang thực hiện trên địa bàn, ông Thạch Chiên, Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Đại diện HĐQT huyện Châu Thành (Trà Vinh), cho biết: Những năm qua, nguồn vốn của NHCSXH đã mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo. Năm 2015, hộ nghèo của huyện chiếm hơn 29%, nay giảm chỉ còn khoảng 10%.

Ông Phan Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa (huyện Châu Thành) cho hay, trước đây, Lương Hòa là xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm 29%. Từ nguồn vốn của NHCSXH, người dân có vốn để tổ chức sản xuất, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Cuối năm 2016, Lương Hòa đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Theo ông Oanh, để có được kết quả nói trên, xã đã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khuyến khích bà con sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu để nâng cao năng suất, cải thiện đời sống. Nhờ trồng rau màu, thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 lần so với trồng lúa. Cùng với đó, xã phát triển mô hình trồng cây ăn quả, nuôi bò sinh sản, giúp các hộ vay vốn ưu đãi biết sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Quỳnh Minh Nhân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Đông (huyện Cầu Ngang), cho biết, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 10%, nay giảm xuống dưới 4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm. Đặc biệt, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Có được kết quả trên, NHCSXH đóng vai trò rất quan trọng; hiện dư nợ của xã khoảng 8,5 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.

“Sau khi tiếp cận nguồn vốn chính sách, xã hướng dẫn người dân cách thức đầu tư để mang lại hiệu quả cao nhất. Từ mô hình nuôi tôm, chăn nuôi bò, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu. Điển hình là hộ chị Thạch Thị Chính, nhờ đầu tư nuôi tôm hiệu quả, gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước”, ông Nhân nói.

Thu nhập ổn định

Hộ chị Thạch Thị Bích Som, ở ấp Bình La, xã Lương Hòa, là một trong nhiều hộ được vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Bằng sự cố gắng của bản thân và sự hướng dẫn của cán bộ ngân hàng, giờ đây gia đình chị có thu nhập khá ổn định.

Từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình chị Thạch Thị Bích Som (người đứng giữa) ở ấp Bình La, xã Lương Hòa (Châu Thành), có thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng.

Chị Som tâm sự: “Trước đây, gia đình không có vốn để đầu tư kinh doanh. Trong lúc khó khăn, tôi được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để mua đồ trang điểm về mở dịch vụ cho thuê, trang điểm cô dâu. Giờ đây, gia đình có thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng (vào mùa cưới cao điểm, thu nhập lên đến 8 - 9 triệu đồng/tháng - PV). Nếu không vay được vốn ưu đãi thì tôi không biết xoay xở ra sao vì vay ở ngoài lãi rất cao”.

Tại xã Lương Hòa, gia đình bà Từ Thị Diệu, ông Nguyễn Văn Lẹ ở ấp Ô Chích A cũng là hộ điển hình trong sử dụng nguồn vốn của NHCSXH. Năm 2009, gia đình ông Lẹ được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm để cải tạo vườn tạp, trồng chanh không hạt. Đến nay, gia đình ông có 10 công chanh (1 công = 1.000m2), cho thu nhập 100 triệu đồng/năm, trừ chi phí, thu lãi 5 triệu đồng/tháng.

Niềm vui lớn

Khác với hộ chị Som, ông Lẹ, gia đình anh Phan Văn Nhu, tại ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa, nhiều năm liền là hộ nghèo nhưng lại không có đất sản xuất, khiến cuộc sống đã khó càng khó hơn.

Từ nguồn vốn vay hộ nghèo và vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở, giờ đây gia đình anh Nhu đã có ngôi nhà kiên cố và 5 con bò sinh sản đang cho thu nhập khá và ổn định.

Năm 2013, được vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo cùng số tiền dành dụm được, anh Nhu mua bò sinh sản về nuôi. Bằng sự cần cù, chịu khó của gia đình, đàn bò cứ thế tăng lên theo từng năm. Năm 2017, gia đình anh được tiếp cận vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (theo Nghị định 33 thay cho Nghị định 167 trước đây), cộng với số tiền tích lũy, vay mượn họ hàng để xây nhà.

Anh Nhu tâm sự, nhờ có nguồn vốn của NHCSXH mà giờ đây gia đình tôi có ngôi nhà kiên cố, cuộc sống đỡ vất vả hơn, con cái có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Hiện, gia đình có 5 con bò sinh sản, thu nhập bình quân đạt 2 triệu đồng/tháng.

Gia đình anh Thạch Thành Trung, ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa (Cầu Ngang), vừa xây dựng được ngôi nhà kiên cố, trị giá hơn 100 triệu đồng. Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo, được vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo và 8 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để đầu tư trồng đậu phộng (lạc), đậu bắp và cấy lúa, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi 100 triệu đồng.

“Sau khi gia đình tích góp được ít tiền, tôi vay thêm 25 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xây dựng ngôi nhà rộng 100m2. Lúc trước khó khăn, áp lực rất lớn về kinh tế, giờ đây có nguồn thu ổn định, vợ chồng yên tâm đi làm. Đầu năm 2018, gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo”, anh Trung chia sẻ.

Cán bộ NHCSXH tỉnh Trà Vinh thường xuyên hướng dẫn, tư vấn cho gia đình anh Nhu cách thức sử dụng nguồn vốn, kỹ thuật chăm sóc bò.

Ông Lê Hoàng Phi, Phó giám đốc NHCSXH Trà Vinh, cho biết, tính đến ngày 31/3/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.122.190 triệu đồng, tăng 39.509 triệu đồng (tăng 1,90%) so với đầu năm, hoàn thành 93% kế hoạch năm, với 126.794 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tăng 33.479 triệu đồng so đầu năm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 13.277 triệu đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tăng 1.952 triệu đồng, cho vay giải quyết việc làm tăng 924 triệu đồng.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/niem-vui-den-voi-nguoi-ngheo-tra-vinh-post19238.html