Niềm vui đến từ những 'nhà thiên văn' trẻ

Một tin vui đến từ Bắc Kinh, đó là chàng trai Trần Xuân Tùng (học sinh lớp 12 Vật lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đoạt Huy chương vàng Olympic Thiên văn học và vật lý thiên văn quốc tế lần thứ 12.

Đoàn Việt Nam dự thi Olympic về Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018. Ảnh: TTXVN

Cùng với Tùng, còn có Hồ Phi Dũng, đoạt giải bạc và hai giải đồng thuộc về Lê Trần Đạo và Nguyễn Tô Vĩnh Huy, tất cả đều học trường Amsterdam.

Lần đầu tiên Việt Nam đoạt Huy chương vàng Olympic Thiên văn học và vật lý thiên văn quốc tế, không thể không tự hào và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Trần Xuân Tùng cùng với các bạn trong đoàn. Các bạn đều là những học sinh rất giỏi, sẽ là nhà khoa học về thiên văn tương lai của đất nước.

Nhưng để Trần Xuân Tùng và các bạn trở thành những nhà thiên văn thì cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Các bạn phải được đào tạo ở các trường đại học chuyên ngành thiên văn hàng đầu thế giới, tất nhiên các bạn phải có ước mơ và khát vọng đó.

Chúng ta có thể tự tin vào những nhà khoa học thiên văn tương lai có tầm vóc thế giới, bởi vì người Việt Nam đã có những nhân tài như GS Nguyễn Quang Riệu - Giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris và là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). Một tên tuổi khác là GS Trịnh Xuân Thuận - giảng dạy vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, viết nhiều sách có giá trị về vũ trụ học, có hơn 120 công trình đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng. GS Lưu Lệ Hằng - tiến sĩ vật lý thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT. GS Lưu Lệ Hằng trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli - được xem là giải Novel trong lĩnh vực vật lý thiên văn vào năm 2012 của Na Uy. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ tại Đại học Princeton và làm việc ở NASA.

Các hạt giống như Trần Xuân Tùng và các bạn vừa đoạt huy chương Olympic thiên văn học sẽ là tên tuổi lớn đóng góp cho ngành vật lý thiên văn của nhân loại trong tương lai như thế hệ trước, chúng ta có thể tin vào trí tuệ, tài năng của người Việt trong nước và trên khắp thế giới.

Hãy dẹp những loại học bổng du học lãng phí, vô bổ như đã xuất hiện ở không ít nơi như vừa qua, dành số tiền đó cho những hạt giống tài năng thực sự như Trần Xuân Tùng, Hồ Phi Dũng, Lê Trần Đạo và Nguyễn Tô Vĩnh Huy.

Khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ đỉnh cao mới thay đổi được đất nước. Muốn sở hữu được nó cần phải có người thực tài, và người thực tài phải có môi trường để trau dồi và thể hiện tài năng.

LÊ THANH PHONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/niem-vui-den-tu-nhung-nha-thien-van-tre-641065.ldo