Niềm vui của bệnh nhân khi được chạy thận gần nhà

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành (TT.Long Thành, H.Long Thành) mới đây đã chính thức triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ điều chỉnh các thông số máy chạy thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: H.Dung

Bác sĩ điều chỉnh các thông số máy chạy thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: H.Dung

Như vậy, đến nay ngoài 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã có thêm 3 bệnh viện đa khoa khu vực là: Định Quán, Long Khánh, Long Thành và 2 Trung tâm Y tế H.Trảng Bom, H.Xuân Lộc triển khai được kỹ thuật này, mang lại nhiều thuận tiện cho người bệnh tại địa phương.

* Đỡ tốn kém chi phí đi lại...

Là một trong những bệnh nhân được chạy thận đầu tiên trong ngày khai trương kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, ông T.V.T. (59 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) cho biết, cách đây hơn 2 năm, trong một lần đi làm thợ hồ, ông cảm thấy trong người mệt mỏi, chân phù, mặt phù nên vào bệnh viện thăm khám. Qua thăm khám, bác sĩ nói ông T. bị suy thận thời kỳ cuối, phải chạy thận mới đảm bảo sức khỏe.

Vậy là từ đó, mỗi tuần 3 lần, ông T. và vợ lại “tay xách nách mang” lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để chạy thận. Từ ngày ông T. bị bệnh, vợ ông cũng phải nghỉ làm công nhân để ở nhà chăm sóc ông, đưa ông đi bệnh viện theo định kỳ. Mặc dù được bảo hiểm y tế chi trả nhưng mỗi tháng, ông T. phải chi trả thêm khoảng 1 triệu đồng viện phí và các loại phí khác.

Theo các bác sĩ, 80% người bị bệnh thận không có triệu chứng. Đến khi bệnh nhân có các biểu hiện như sưng phù, tiểu buốt, tiểu gắt, da xanh xao, tiểu đêm thì bệnh đã bước sang giai đoạn muộn. Trong chế độ ăn uống hằng ngày, người dân không nên ăn quá mặn, không tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm có hại gây hại cho thận.

“Do nhà ở xa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nên mỗi lần đến hẹn chạy thận, vợ chồng tôi phải lục đục dậy từ 3, 4 giờ sáng, sửa soạn đồ đạc rồi ra bắt xe buýt. Lên đến TP.Biên Hòa, 2 vợ chồng ăn sáng, sau đó tôi vào bệnh viện chạy thận còn vợ ngồi ở ngoài chờ. Đến khi tôi chạy thận xong, 2 vợ chồng lại ra ngoài ăn trưa, xong lại bắt xe buýt về nhà. Chi phí ăn uống, đi lại cho mỗi lần lên bệnh viện cũng vài trăm ngàn đồng. Số tiền đó đối với người không có việc làm không phải nhỏ. Nay Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành triển khai chạy thận, vợ chồng tôi dậy sớm, ăn sáng ở nhà rồi chạy xe máy lên bệnh viện, chạy thận xong rồi về nhà ăn trưa, đỡ được nhiều chi phí, công sức” - ông T. bộc bạch.

Tâm sự của ông T. cũng là nỗi lòng của bà N.T.H. (54 tuổi, ngụ xã Long Phước, H.Long Thành). Bà H. bị thận đa nang (biểu hiện là huyết áp, tim mạch không ổn định, hay bị đau đầu, vàng da, mất vị giác...) từ năm 2015 nhưng do chủ quan, không điều trị kịp thời nên thận suy nhanh, sau khi mổ, đến đầu năm 2016, bà H. bắt đầu chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đến nay.

Do gia đình neo người, chồng mất sớm, con còn nhỏ nên mỗi lần đến bệnh viện chạy thận, bà H. chỉ thui thủi một mình. Để đến được bệnh viện, bà phải bắt 2 chặng xe buýt, việc di chuyển khá vất vả và mất nhiều thời gian.

“Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch rất mong chờ ngày Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành triển khai chạy thận nhân tạo. Nay, mong ước đó đã trở thành hiện thực, chúng tôi rất vui mừng” - bà H. chia sẻ.

* Góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

ThS-BS CKII Nguyễn Văn Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho hay, khu vực chạy thận nhân tạo được thiết kế bài bản, đáp ứng đúng yêu cầu của một khu chạy thận từ phòng tư vấn, tiếp nhận bệnh nhân đến khu phòng chờ, phòng bệnh nặng, dịch lọc, nước thô, rửa màng lọc, hệ thống RO.... Khu lọc thận hiện có 10 giường, 10 máy chạy thận do Sở Y tế cấp, có thể đáp ứng chạy thận cho 20 bệnh nhân/ngày. Về nhân lực, bệnh viện đã cử 2 ê kíp gồm 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng đi đào tạo tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM.

Khoảng 2 tháng đầu, TS-BS.Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - lọc máu cùng 2 kỹ thuật viên giỏi của Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM sẽ hỗ trợ bệnh viện trong việc triển khai thực hiện kỹ thuật này. Bệnh viện sẽ chạy 1 ca buổi sáng, sau khi ổn định sẽ chạy 2 ca/ngày từ thứ hai đến thứ sáu, sau đó sẽ cử thêm nhân lực đi đào tạo, tùy thuộc vào tình hình có thể đề xuất lãnh đạo Sở Y tế trang bị thêm máy để phục vụ nhu cầu khá cao của người bệnh.

Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, mặc dù mới triển khai nhưng đến nay, số bệnh nhân đến đăng ký chạy thận tại bệnh viện đã lên tới hơn 30 người.

TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM chia sẻ, đội ngũ nhân lực phục vụ cho Đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đã được đào tạo rất bài bản, đảm bảo đúng chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, bệnh viện được trang bị hệ thống máy móc, vật tư tiêu hao rất tốt. Chương trình thành công mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh viện. Trong quá trình triển khai, nếu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cần hỗ trợ gì, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM sẵn sàng đáp ứng.

TS-BS Nguyễn Bách cũng khuyến cáo người dân nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh thận. Việc đo huyết áp, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu sẽ giúp bác sĩ sớm phát hiện những bất thường và phát hiện sớm bệnh thận đối với bệnh nhân. Khi đã phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây suy thận và cho phác đồ điều trị. Bệnh thận nếu phát hiện sớm có thể kiểm soát được, không đến mức phải chạy thận.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202008/niem-vui-cua-benh-nhan-khi-duoc-chay-than-gan-nha-3017913/