'Niềm tự hào' JH-7A Trung Quốc rơi tại Hải Nam?

Xian JH-7 là loại tiêm kích bom xương sống của Không quân và Hải quân Trung Quốc, có vai trò tương tự Su-22 của Không quân Việt Nam.

 Một số nguồn tin không chính thức cho biết chiếc máy bay gặp nạn ở đảo Hải Nam có thể là loại tiêm kích bom JH-7A 2 người lái (1 phi công và 1 sĩ quan điều khiển vũ khí) do Trung Quốc tự chế tạo.

Một số nguồn tin không chính thức cho biết chiếc máy bay gặp nạn ở đảo Hải Nam có thể là loại tiêm kích bom JH-7A 2 người lái (1 phi công và 1 sĩ quan điều khiển vũ khí) do Trung Quốc tự chế tạo.

Cả 2 phi công trên chiếc chiến đấu cơ này đều được xác nhận là đã thiệt mạng sau khi máy bay của họ đâm xuống đất trong khi thực hiện một chuyến bay huấn luyện thường kỳ.

Rất may là không có dân thường nào dưới đất bị thương vong do sự cố này gây ra.

Địa điểm xảy ra vụ tai nạn là khu vực thành phố Ledong (Lạc Đông) nằm về phía Tây Nam đảo Hải Nam.

Chiếc máy bay tiêm kích kể trên nhiều khả năng đã cất cánh từ căn cứ không quân hải quân Lạc Đông nằm chếch về phía Tây Nam thành phố Lạc Đông chừng 5km.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ loại máy bay đã gặp nạn.

Tuy nhiên tại đơn vị không quân hải quân đóng tại căn cứ sân bay Lạc Đông được trang bị chủ yếu bằng 3 loại tiêm kích hiện đại là Su-30MKK do Nga chế tạo và tiêm kích J-11 và JH-7A do Trung Quốc chế tạo,

JH-7 Flying Leopard (Báo bay) là loại tiêm kích - bom 2 chỗ ngồi do Trung Quốc chế tạo nhằm thay thế cho chiếc H-5 và Q-5 đã quá lạc hậu, nó đang là xương sống của lực lượng tấn công trong cả Không quân lẫn Không quân Hải quân Trung Quốc.

JH-7 mặc dù tính năng có kém hơn khi đứng cạnh J-11 hay J-16, nhưng nhờ lợi thế của tỷ lệ nội địa hóa cao, giá thành chế tạo rẻ, đơn giản trong vận hành cũng như bảo dưỡng mà nó vẫn lấy được niềm tin từ cả Không quân lẫn Không quân Hải quân Trung Quốc.

Hiện hai lực lượng này hiện đang vận hành tổng cộng 240 chiếc.

Thông số kỹ thuật cơ bản của JH-7: chiều dài 22,32 m; sải cánh 12,8 m; chiều cao 6,22 m.

Trọng lượng rỗng 14.500 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 28.475 kg; kíp lái 2 người gồm 1 phi công chính và 1 phi công hoa tiêu chuyên điều khiển vũ khí.

Hiện tại đa phần phi đội JH-7 của Trung Quốc đã được lắp động cơ phản lực nội địa WoShan-9 (WS-9) - phiên bản chế tạo theo giấy phép từ mẫu Rolls-Royce Spey Mk.202, có lực đẩy khô 54,29 kN mỗi chiếc và lên tới 91,26 kN khi đốt nhiên liệu lần 2.

Máy bay cho tốc độ tối đa 1.808 km/h; bán kính chiến đấu 1.759 km; tầm bay 3.700 km; trần bay 16.000 m.

Ban đầu JH-7 được trang bị radar Type 243H có khả năng phát hiện mục tiêu là tàu chiến từ cự ly 175 km hoặc 75 km đối với tiêm kích cỡ nhỏ như MiG-21.

Đến phiên bản JH-7A thì máy bay được lắp radar JL-10A hoạt động trên băng tần X, tầm phát hiện tối đa chỉ là 104 km nhưng chính xác hơn, tầm theo dõi khoảng 80 km, theo dõi được 15 mục tiêu và bám sát 6 trong số đó.

JH-7 mang được tải trọng vũ khí tối đa 6.500 kg, phân bổ trên 9 giá treo bao gồm: tên lửa đối không; tên lửa đối hạm; các loại bom, rocket có hoặc không điều khiển.

Sự xuất hiện của JH-7 với tên lửa hành trình đối đất tầm xa chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải tăng cường biện pháp đối phó lại chiếc chiến đấu cơ nguy hiểm này của Trung Quốc.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-niem-tu-hao-jh7a-trung-quoc-roi-tai-hai-nam/802586.antd