Niềm tự hào JF-17 của Trung Quốc nứt vỏ: Tiền nào của nấy?

Máy bay chiến đấu JF-17 (Kiêu Long 1) - loại máy bay chiến đấu có giá thành rẻ nhất thế giới, nhưng giá rẻ thường đi kèm chất lượng kém, khi truyền thông Ấn Độ cho rằng, 40% máy bay chiến đấu Kiêu Long của Quân đội Pakistan có vết nứt nguy hiểm.

Theo tin từ trang web Eurasia Times, vì nhiều lý do khác nhau, khoảng 40% máy bay chiến đấu JF-17 tại hai căn cứ không quân của Pakistan đã phải "nằm đất". Tuy nhiên phía Pakistan đã phủ nhận các thông tin liên quan từ các phương tiện truyền thông Ấn Độ.

Theo tin từ trang web Eurasia Times, vì nhiều lý do khác nhau, khoảng 40% máy bay chiến đấu JF-17 tại hai căn cứ không quân của Pakistan đã phải "nằm đất". Tuy nhiên phía Pakistan đã phủ nhận các thông tin liên quan từ các phương tiện truyền thông Ấn Độ.

Theo thông tin của tờ The Times of India, trích dẫn một nguồn tin "từ chính phủ" cho biết, máy bay JF-17 có vấn đề với phần thân của nó. Các vết nứt được tìm thấy ở vỏ dưới của máy bay, phần cánh chính, thân máy bay; đây là những phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các áp lực, do trọng lực trong quá trình bay.

Kiêu Long luôn là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Pakistan và Trung Quốc; theo dự kiến, sẽ có nhiều quốc gia mua loại máy bay chiến đấu này. Nhưng theo The Times of India, không chỉ phần thân mà hệ thống điện trên vòm kính che buồng lái của JF-17 cũng bị trục trặc. Đây là lỗi có thể khiến phi công khó phóng thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

Chuyên gia quân sự Pakistan Shahid Raza bác bỏ những thông tin này và cho rằng, truyền thông Ấn Độ đã đăng tải tin tức giả mạo và khẳng định: "Hiện tại Không quân Pakistan (PAF) vẫn duy trì trạng thái "Cảnh báo đỏ" 365 ngày trong năm. Điều đó có nghĩa PAF luôn tự đặt mình trong tâm thế thời chiến".

Raza cho biết thêm, tỷ lệ sử dụng máy bay chiến đấu của Pakistan là cực cao, vì Không quân Pakistan duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao hơn Không quân Ấn Độ và thời gian bay của phi công và máy bay nhiều hơn. Nếu không có tỷ lệ sử dụng cao, thì không thể đạt được trạng thái sẵn sàng chiến đấu như vậy.

JF-17 là máy bay chiến đấu do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất, thực chất đây là một phiên bản cải tiến từ MiG-21 của Liên Xô, được phát triển bởi Công ty Chengdu vào đầu những năm 1990 và được đặt tên là FC-1 Kiêu Long. Pakistan sau đó đã tham gia dự án với tư cách là đối tác chính thức và đặt tên là FC-17 Thần Sấm.

Công ty Chengdu đảm nhiệm cung cấp hệ thống điện tử hàng không và radar của máy bay chiến đấu, cũng như nhiều công nghệ quan trọng khác. Pakistan chịu trách nhiệm sản xuất 58% thân máy bay và các hệ thống phụ, bao gồm cánh, đuôi và thân trước. Công việc lắp ráp cũng được hoàn thành tại Pakistan.

Ông Raza cho rằng, việc sản xuất máy bay chiến đấu độc lập có nhiều lợi thế quan trọng, đó là không phải dựa vào linh kiện của nước ngoài; cũng như không cần dựa vào nước ngoài để nâng cấp máy bay chiến đấu. Đây là lý do tại sao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Không quân Pakistan tốt hơn so với Ấn Độ, khi Ấn Độ chủ yếu dựa vào mua máy bay chiến đấu của nước ngoài.

Ông Raza cho biết thêm: "Một lý do quan trọng khác cần nắm, đó là PAF đã thiết lập các nhà máy nhằm cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu (MRO) cho mỗi chiếc máy bay trong biên chế, kể cả UAV. Thậm chí, các chiến đấu cơ F-16 của Pakistan cũng hiếm khi phải gửi ra nước ngoài bảo dưỡng".

Cho đến nay, máy bay chiến đấu JF-17 mới bán được cho Nigeria và Myanmar (theo dạng dùng thử); trong những năm qua, Pakistan cũng đã đàm phán với Sri Lanka, Sudan, Malaysia và Zimbabwe để quảng bá Kiêu Long. Nhưng cho đến nay, Không quân Pakistan vẫn là khách hàng lớn nhất của loại máy bay "nhà trồng được", với khoảng 150 chiếc đang được biên chế. Ảnh: JF-17 của Không quân Myanmar - Nguồn: Sina

JF-17 sử dụng động cơ RD-93 của Nga, nhưng theo thông tin mới nhất, Pakistan có thể sẽ thay thế RD-93 bằng phiên bản cải tiến RD-93MA, do Nga phát triển riêng do JF-17. Lực đẩy tối đa của động cơ RD-93MA có thể đạt 9.300 kg, trong khi lực đẩy tối đa của động cơ RD-93 hiện tại chỉ 8.300 kg. Ảnh: Động cơ RD-93MA giành cho máy bay JF-17 - Nguồn: Topwar

Pakistan và Trung Quốc hiện đang sản xuất một phiên bản mới của JF-17, được đặt tên là Block3; phiên bản này sẽ nâng cấp khả năng chiến đấu và hệ thống vũ khí sẽ được thông tin hóa. JF-17 Block3 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2019. Năm nay, số lượng máy bay Kiêu Long được sản xuất ở mức kỷ lục.

Phiên bản mới nhất JF-17 Block3 sẽ sử dụng một số công nghệ tiên tiến của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc, đó là sử dụng radar mảng pha điện tử chủ động, việc này sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả chiến đấu của Kiêu Long.

Tuy có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 giá bán của F-16 (khoảng 25 triệu USD/chiếc), tính năng được cho là tương đương (theo giới thiệu của nhà sản xuất), nhưng hiện JF-17 vẫn chưa có nhiều khách hàng để ý. Qua việc nứt khung, thân máy bay, chắc chắn những quốc gia có ý định mua loại máy bay này phải xem xét lại.

Video JF-17 "Sấm Sét" nhào lộn mừng Quốc khánh Pakistan - Nguồn: New China

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/niem-tu-hao-jf-17-cua-trung-quoc-nut-vo-tien-nao-cua-nay-1458058.html