Niềm tự hào của người nông dân Thủ đô

GD&TĐ - Hà Nội đất chật người đông, nông sản khắp nơi đổ về chứ có mấy khi người Hà Nội tự sản xuất được đặc sản cung cấp cho các tỉnh thành khác?!

Ấy vậy mà, người Đông Anh làm được và họ tự hào rằng, gạo nếp cái hoa vàng nơi đây nổi bật hơn bất cứ địa phương nào khác trên toàn quốc.

Đặc trưng của vùng ngoại thành

Gạo nếp cái hoa vàng có khi còn gọi là nếp ả hay nếp hoa vàng, là giống lúa nếp truyền thống nổi tiếng tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Đặc điểm nổi bật của giống lúa này là cho hạt gạo tròn, dẻo thơm đặc biệt nên thường dùng đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp làm tương hoặc ủ rượu. Sở dĩ được gọi là nếp cái hoa vàng do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác.

Không phải chân ruộng nào cũng có thể cắm xuống cây nếp cái hoa vàng. Nhiều vùng đất mênh mông, thuộc diện “bờ xôi ruộng mật” mà đành chết thèm chết nhạt chứ không thể trồng được loại lúa vào hàng vương giả của họ nhà gạo này.

So với những địa phương khác cũng đang trồng lúa nếp cái hoa vàng, sản phẩm của vùng Đông Anh nổi bật hơn cả. Chỉ được trồng vào vụ mùa, khoảng từ tháng 5 - 10 âm lịch, nếp cái hoa vàng Đông Anh là kết tinh của những giọt mồ hôi hai sương một nắng của người nông dân, là nguồn cung cấp quan trọng cho dịp Tết Nguyên Đán của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực Hà Nội và lân cận.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng nếp cái hoa vàng trên địa bàn huyện Đông Anh khoảng 800ha và vẫn đang mở rộng, sản lượng hàng năm đạt 32.000 - 40.000 tấn, hiệu quả kinh tế chạm mốc 70 triệu/ha. Trong đó, chất lượng gạo nếp cái hoa vàng ở các xã Dục Tú, Thụy Lâm và gần đây là Liên Hà được đánh giá xuất sắc hơn cả.

Nổi bật nhờ chất lượng

Yếu tố tiên quyết, quan trọng hơn tất thảy để nếp cái hoa vàng Đông Anh ngày càng được ưa chuộng nằm ở chất lượng gạo. So với những loại nếp được trồng ở các địa phương khác, nếp cái hoa vàng Đông Anh chẳng những không kém về chất lượng, mà thậm chí còn được đánh giá nổi trội hơn với các đặc trưng: Hạt gạo nếp đầy tròn, không vỡ và có mùi thơm. Khi nấu lên hạt trong và ráo, mềm nhưng không nát, ăn vừa thơm lại đậm đà, hạt dẻo và bóng. Đặc biệt, hàm lượng protein và axit amin trong nếp cái hoa vàng Đông Anh rất cao.

Bí quyết làm nên thương hiệu của đặc sản này là do người nông dân có những kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc cây lúa tích lũy nhiều năm. Trong khi đó, giống lúa lại cho thấy sự phù hợp rất đặc trưng với thổ nhưỡng, khí hậu vùng Đông Anh.

Nếp cái hoa vàng có thể chế biến thành nhiều món như xôi, bánh chưng, nấu rượu. Bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng thường để được lâu mà không bị cứng hay thiu, mốc như một số loại giống lúa nếp khác. Cùng với bánh chưng, vào dịp Tết, nhà nào ở Đông Anh cũng nấu rượu bằng gạo nếp cái hoa vàng để thưởng thức, đãi khách và biếu người thân. Rượu nấu từ gạo nếp rất thịnh hành nhưng rượu nếp cái hoa vàng vẫn được coi là rượu đặc sản: Êm, ngọt và có mùi thơm đặc trưng.

Tiếng lành đồn xa, gạo nếp cái hoa vàng được người trong và ngoài huyện biết đến như một loại đặc sản của Đông Anh. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế cho đến nay vẫn chưa đáp ứng hết so với tiềm năng mà sản phẩm này mang lại cho người nông dân trực tiếp sản xuất. Thị trường hiện vẫn đang bị bó hẹp ở Hà Nội, trong khi chất lượng gạo hoàn toàn có thể chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, EU hay Nhật Bản. Do vậy, xây dựng thương hiệu là điều kiện bắt buộc để nếp cái hoa vàng Đông Anh ngày càng đến được với các thị trường tiềm năng khác.

Đông Anh là một huyện ngoại thành phía Bắc Hà Nội. Ở vùng đất này, nông nghiệp đóng vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, nổi bật là sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/niem-tu-hao-cua-nguoi-nong-dan-thu-do-1877724-b.html