Niềm tự hào của người M'nông ở Quảng Trực

Gia đình ông Điểu Vơn, SN 1955 và bà Thị Lế, SN 1956, tại bon Bu Gia, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được nhiều người biết đến, bởi ông bà có 5 người con đều học hành thành đạt. Hiện tại, 3 người con đầu đã có công ăn việc làm ổn định, còn 2 người con sau đang theo học đại học tại TP Hồ Chí Minh.

Gia đình ông Điểu Vơn luôn là tấm gương sáng cho người dân ở xã Quảng Trực noi theo.

"Chỉ có cái chữ mới thoát nghèo"

Trung tá Nông Văn Duy, Chính trị viên Đồn BP Đắk Dang (BĐBP Đắk Nông) cho biết: Đồn BP Đắc Dang quản lý địa bàn giáp ranh với Cam-pu-chia có chiều dài khoảng 15km, dân số 1.358 hộ/5.451 khẩu, với 17 dân tộc anh em sinh sống tại địa bàn biên giới, trong đó chủ yếu là đồng bào người M'nông.

Tình hình trên địa bàn nhìn chung ổn định, bà con các dân tộc đoàn kết một lòng vì sự bình yên khu vực biên giới. Trên địa bàn đồn quản lý có gia đình ông Điểu Vơn nổi trội hơn cả, vì có các con ăn học đến nơi đến chốn. 3 trong số 5 người con của ông Vơn nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Đó là tấm gương sáng cho nhiều gia đình trong xã học tập noi theo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, ông Điểu Vơn kể về những thành tích đáng nể của các con trong thời gian qua: "Năm 1984, hai vợ chồng tôi chuyển đến khu vực biên giới sinh sống. Cuộc sống của gia đình tôi khi đó rất vất vả, bởi nhà có 7 miệng ăn, chỉ dựa vào mấy sào rẫy trồng khoai sắn. Hai vợ chồng tôi đều là nông dân, thu nhập chẳng có gì hơn ngoài những đồng tiền làm thuê, khi vụ mùa kết thúc bán được dăm tấn nông sản để cho các con ăn học, nhưng cũng không đủ. Đã có nhiều người ở trong bon khuyên vợ chồng tôi, hoàn cảnh gia đình khó khăn cho chúng học làm gì, kiếm cho chúng vài sào rẫy để tự lo cuộc sống, lớn lên cưới vợ, gả chồng cho chúng coi như hết trách nhiệm".

"Hai vợ chồng tôi vất vả quanh năm, dù đã cố gắng hết sức, nhưng cũng chẳng thoát được cảnh đói nghèo. Tôi may mắn có dịp gặp gỡ một số gia đình có con học giỏi ở huyện, họ đầu tư cho con thi đậu vào các trường đại học, đi theo "nghề của Nhà nước", đến nay đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Cho nên, khi về nhà, hai vợ chồng tôi bàn bạc với nhau, dù có vất vả đến đâu đi chăng nữa cũng quyết tâm cho các con ăn học nên người. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có cái chữ mới thoát nghèo, chỉ có cái chữ mới làm cho cuộc sống của gia đình ổn định, ấm no hơn" - Ông Vơn tâm sự.

Những thành tích đáng nể

Nhờ có sự nỗ lực không biết mệt mỏi, các con của vợ chồng ông Vơn đã được đền đáp xứng đáng, khi cả 5 người con đều chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn và học rất giỏi. Trước hết, phải nói tấm gương của 2 người con trai đầu. Thương cha mẹ một nắng hai sương vất vả kiếm sống từ những đồng tiền lao động ít ỏi làm ra từ những hạt ngô, củ khoai, Điểu Nam (SN 1985) và Điểu Giang (SN 1987) vừa giúp bố mẹ công việc nương rẫy, vừa phải chăm lo học hành, cả 2 em được thầy cô đánh giá là những học sinh có học lực giỏi toàn diện.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, tháng 5-2014, Điểu Nam được phân công về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức. Còn Điểu Giang, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, hiện nay, anh là Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn BP Nậm Na (BĐBP Đắk Nông). Người em trai thứ 3 là Điểu Lực, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức. Cô em gái thứ 4, tên là Thị Tram đang học năm thứ 2, Học viện An ninh (ở TP Hồ Chí Minh). Cậu em út đang học năm thứ nhất tại Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.

Ông Điểu Vơn chỉ tay lên tờ lịch Tết năm 2010 và tự hào khoe: "Khi thằng Giang đang là học viên Học viện Biên phòng, nó vinh dự được chọn đứng trong hàng ngũ đội hình duyệt binh của lực lượng Biên phòng chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đấy. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, tất cả số tiền vợ chồng dành dụm được đều dùng để cung cấp cho các con ăn học. Vợ chồng tôi rất phấn khởi khi thấy các con đều chăm chỉ học hành, có cái chữ để phụng sự Tổ quốc, đó cũng là niềm động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình. Dù có phải vay mượn, bán nhà, bán rẫy, vợ chồng tôi cũng quyết tâm để các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, khi mấy đứa lớn ra trường có công ăn việc làm ổn định, chúng đã hỗ trợ phần nào giúp vợ chồng tôi nuôi các em ăn học".

Vũ Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/niem-tu-hao-cua-nguoi-mnong-o-quang-truc/