Niềm tự hào của 'bóng hồng mũ nồi xanh' gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Với những nữ sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình như Trung úy Sa Minh Ngọc, niềm tự hào đơn giản chỉ là khi các em nhỏ Nam Sudan hô to hai tiếng Việt Nam.

Trung úy Sa Minh Ngọc khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh nhật vật cung cấp)

Trung úy Sa Minh Ngọc khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh nhật vật cung cấp)

Giữ vững đam mê

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống bộ đội, cả bố và ông nội của Trung úy Sa Minh Ngọc đều là quân nhân. Cũng bởi vậy, việc được đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được nung nấu trong Minh Ngọc từ khi chỉ là một cô bé học cấp 1.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Malaysia về nước, Minh Ngọc đã viết đơn xin gia nhập quân đội và xin tuyển dụng vào Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam). Chị chính thức tham gia vào lực lượng GGHB Việt Nam năm 2015.

Chị nhớ lại khi ấy khái niệm về GGHB và các hoạt động GGHB Liên hợp quốc (LHQ) vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Nhiều người thân và bạn bè của chị đã hỏi chị rằng “Gìn giữ hòa bình là gì?” “Tại sao lại nhập ngũ, tại sao lại đi gìn giữ hòa bình?”. Thậm chí có người còn nói rằng “Là con gái tại sao không chọn một công việc ổn định, an toàn mà lại chọn nghề này, vừa nguy hiểm vừa khó khăn?”. Bất chấp những hoài nghi xung quanh, Minh Ngọc vẫn giữ vững niềm tin với lựa chọn của mình.

Tháng 10/2016, khi nhận Quyết định tham gia vào đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (đang tập kết tại Bệnh viện quân y 175, TP. HCM) cũng là cách ngày cưới của Minh Ngọc tròn 5 tháng. Ngay sau khi kết hôn, Minh Ngọc và chồng mỗi người một nơi. Trong khi chồng Minh Ngọc nhận Quyết định đi công tác tại Myanmar, thì chị cũng chuẩn bị lên đường đi Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. Đôi vợ chồng vì sự nghiệp của Tổ quốc mà đành hẹn sau hai năm sẽ quay về bên nhau.

Là quân nhân nhưng cũng là phụ nữ

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan cũng có nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt đối với một người phụ nữ như Minh Ngọc thì những khó khăn, vất vả này lại tăng lên gấp bội.

Minh Ngọc cùng với các chị em khác trong đơn vị, mỗi người một hoàn cảnh và nỗi niềm riêng. Người có con nhỏ, chồng cũng là bộ đội phải thực hiện nhiệm vụ không ở bên con thường xuyên; người thì nhà còn phải thuê, con phải gửi ông bà chăm; còn người thì bố mẹ già, ốm yếu nhưng cũng phải thu xếp để lên đường thực hiện nhiệm vụ,...

Những nữ sĩ quan một mặt là quân nhân, nhưng mặt khác cũng là phụ nữ. Khi lên đường thực hiện nhiệm vụ họ cũng chất chứa nỗi niềm, lo lắng riêng của bản thân. Nhưng cũng vì thế, trong quá trình ở Nam Sudan, mọi người thường xuyên động viên, an ủi nhau cùng phấn đấu vượt qua hoàn cảnh.

Bản thân Minh Ngọc tự rèn luyện cho mình lối suy nghĩ tích cực. Chị nhận thấy chị là một người phụ nữ may mắn khi luôn có sự ủng hộ, động viên của gia đình từ xa và cả những người đồng đội tuyệt vời ở bên cạnh. Minh Ngọc chia sẻ đây chính là động lực giúp những sĩ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ vượt qua những khó khăn, thử thách nơi tiền tuyến để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với Minh Ngọc, khoảnh khắc đáng tự hào nhất là khi các em nhỏ Nam Sudan thi nhau chạm tay vào lá cờ Tổ quốc mà họ mang theo trên đường hành quân. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tự hào hai tiếng Việt Nam

Theo Minh Ngọc, được đóng góp sức lực nhỏ bé của bản thân vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của riêng cá nhân chị mà còn của cả những người đồng đội của chị. Trước khi lên đường tới Nam Sudan, họ đã có lời thề danh dự trước lá cờ Tổ quốc, nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó.

Minh Ngọc và đồng đội của chị đã có 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Thời gian 14 tháng tuy không dài so với một đời người, nhưng một ngày ở một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, bởi những cuộc nội chiến thì đầy rẫy những khó khăn, gian khổ.

Nữ Trung úy chia sẻ rằng chị cũng có những lúc yếu đuối, nhớ nhà. Những lúc như vậy, chị và các đồng đội chỉ biết nhìn vào lá cờ Tổ quốc mà nhớ về lời thề danh dự trước khi lên đường của mình. Theo Minh Ngọc, bên cạnh sự ủng hộ, động viên của gia đình, đồng đội, thì niềm tự hào dân tộc chính là động lực lớn nhất giúp chị vượt qua những khó khăn, thử thách tại đất nước này.

Với Minh Ngọc khoảnh khắc đáng tự hào nhất là khi các em nhỏ Nam Sudan thi nhau chạm tay vào lá cờ Tổ quốc mà họ mang theo trên đường hành quân, là khi các em tập phát âm và hô to hai tiếng Việt Nam, hay là khi nhận được những lời động viên từ quê nhà của người dân Việt Nam.

Nữ Trung úy có thói quen khi rảnh rỗi thường vào các trang báo mạng Việt Nam để đọc tin tức. Chị thường đọc hết các bình luận ở dưới mỗi bài báo hay clip được đăng tải về lực lượng gìn giữ hòa binh Việt Nam. Nhớ lại cảm giác xúc động khi đọc được bình luận của một em nhỏ nói rằng “Khi con lớn lên cũng muốn được làm giống các cô, các chú, được phục vụ cho đất nước”, Minh Ngọc bày tỏ đó chính là niềm hạnh phúc vô giá, là niềm vinh dự và là sự tự hào dân tộc không phải ai cũng có được.

Từ tháng 10/2018, Trung úy Sa Minh Ngọc được điều động tham gia đội hình của Bệnh viện dã chiến của Việt Nam đến Nam Sudan với nhiệm kỳ 14 tháng. Trung úy Minh Ngọc được nhận Huân chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình của LHQ năm 2019 và được bình chọn là Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2019.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/niem-tu-hao-cua-bong-hong-mu-noi-xanh-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-133129.html