Niềm tôn kính 'người thầy của muôn đời'

Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An nhân dịp kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân (1370-2020).

Trong lễ trao giải, tiết mục văn nghệ của các học sinh Hệ thống Giáo dục Chu Văn An (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) để lại nhiều thích thú. Cậu bé đóng vai thầy giáo Chu Văn An được các bạn khán giả bên dưới vỗ tay nhiệt tình hưởng ứng. Cô giáo Phan Thị Thu Hà, Tổ trưởng tổ chuyên môn xã hội Hệ thống Giáo dục Chu Văn An cho biết, đây chỉ là một tiết mục văn nghệ về thầy giáo Chu Văn An của trường. Hệ thống giáo dục Chu Văn An tham gia cuộc thi ở đủ các thể loại bài viết, kể chuyện, sân khấu, tranh vẽ, truyện tranh và các sáng tác khác. Các tiết mục được các em học sinh chuẩn bị công phu, từ hỏi bố mẹ, thầy cô giáo, tìm tài liệu trên internet, tìm đọc ở các thư viện của trường, của tỉnh... Thời gian diễn ra cuộc thi, tỉnh Quảng Bình chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lũ, nhưng chính vì lý do này, các học sinh càng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để làm tốt nhất các bài thi của mình. Kể với chúng tôi về Cuộc thi Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An với giọng thán phục, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: "Sau khi ghép phách các bài thi, điều chúng tôi bất ngờ nhất chính là các bài thi từ tỉnh Quảng Bình. Đây là địa phương có nhiều bài dự thi, tham gia ở đủ các loại hình và có nhiều bài đạt chất lượng cao nhất".

 Tiết mục văn nghệ của Hệ thống giáo dục Chu Văn An (Quảng Bình) tại lễ trao giải.

Tiết mục văn nghệ của Hệ thống giáo dục Chu Văn An (Quảng Bình) tại lễ trao giải.

Với hơn 30 trường, câu lạc bộ trong cả nước, 472 tác phẩm vào dự thi chung khảo, cuộc thi đã cho thấy sức sáng tạo phong phú của học sinh. Nhiều sản phẩm được các em ứng dụng công nghệ như: Dựng phim hoạt hình, dựng clip bằng máy tính, smartphone... Nhiều sản phẩm lại hình thành từ những chất liệu giản dị, gần gũi với đời sống như: Hạt gạo, hạt đậu, mảnh gốm sứ, giấy vụn... Học sinh đã biến những vật liệu thân thuộc đó trở thành những sản phẩm dự thi độc đáo và sáng tạo. PGS,TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng phụ trách Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, nhiều tác phẩm thực sự gây xúc động đối với ông. Từ góc nhìn của các em học sinh, thầy Chu Văn An hiện ra thực sự sống động, đó là một nhà giáo tài cao, đức trọng nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi, yêu thương. Qua đó, thấy được sự công phu, tâm huyết của các trường và các em học sinh tham dự cuộc thi giàu ý nghĩa này.

Em Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 5A6, Trường Tiểu học Chu Văn An, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) là học sinh giành 1 trong 6 giải nhất cuộc thi với bức tranh "Truyền thuyết thầy Chu Văn An và học trò thủy thần". Diệp kể rằng, em thích nhất câu chuyện này nên cố gắng thể hiện thật tốt qua hai hình thức vẽ và kể chuyện (với hình thức kể chuyện, Diệp giành giải khuyến khích). Tự hào vì mình được học dưới mái trường mang tên “thầy giáo của muôn đời", nên Diệp luôn cố gắng học giỏi tất cả các môn. 5 lần em lên Hà Nội thì có 4 lần Ngọc Diệp được vào nhận giải ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Theo TS Lê Xuân Kiêu, cuộc thi đã vượt ra khỏi tính chất phong trào, trở thành một sân chơi sáng tạo, lành mạnh, khơi gợi niềm yêu thích môn lịch sử, tìm hiểu danh nhân. Qua đó khích lệ niềm tự hào về truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, thúc đẩy các em noi theo các bậc tiền nhân để càng thêm say mê, vươn lên trong học tập, rèn luyện. Điều đáng nói là các bài thi được thực hiện công phu, chứa đựng nhiều tình cảm, thể hiện tinh thần tri ân "người thầy của muôn đời" chứ không đơn thuần làm bài thi vì giải thưởng.

Bài và ảnh: TOÀN LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/niem-ton-kinh-nguoi-thay-cua-muon-doi-644244