Niềm tin và sự trung thực

Cuộc đời học sinh gắn liền với các bài kiểm tra và điểm số. Nhưng thật lòng chưa mấy ai hiểu hết ý nghĩa sâu xa của những con số dù nhờ đó mà chúng ta trưởng thành, làm người. Chỉ nhà giáo, người đặt bút viết ra những điểm số đó mới đủ tư cách để nói về vai trò của những con số trong công việc giáo dục học sinh.

Hàng ngày, nhà giáo cùng học sinh góp nhặt từng chút tri thức để nuôi lớn tâm hồn các em. Nhà giáo ý thức công việc trồng người của mình. Đó là một công việc kiên trì, bền bỉ, thầm lặng, đòi hỏi phải có tình thương và trách nhiệm. Chung quanh việc trồng người đó, hàng ngày nhà giáo vui trào nước mắt khi các em mang về những con điểm 9, 10 vì nó đánh dấu sự tiến bộ của các em cũng như ghi nhận thành quả công lao của các thầy cô.

Nhà giáo dạy học sinh về sự trung thực bắt đầu bằng điểm số. Điểm số là thứ nhà giáo cho rất dè dặt. Vì nó là thước đo tri thức nên cần sự chính xác tuyệt đối. Mỗi lần trả bài kiểm tra, thầy và trò mừng như thế nào khi điểm số của bài kiểm tra của các em được nâng lên, dù chỉ nửa điểm, một điểm. Vì đó là thành quả của thầy và trò sau hàng tháng trời vật lộn với chương trình học.

Nếu “sờ” lên những điểm số ấy sẽ thấy có mồ hôi, vết thâm quầng đôi mắt mất ngủ, sự trăn trở và cả nước mắt của nhà giáo. Xem vậy điểm số với nhà giáo thiêng liêng đến dường nào. Điểm số không chỉ đánh giá sự trưởng thành của học sinh mà còn góp phần kiến tạo một nền giáo dục thực chất.

Điểm số trung thực xây dựng nên những con người trung thực. Trung thực là thứ đạo đức cao nhất của con người. Vì chỉ có sự trung thực thì con người mới không dám làm điều gì xấu xa đáng hổ thẹn với lương tâm.

Thế nên thật dễ hiểu khi dư luận tỏ ra phẫn nộ vì một ai đó đã đem điểm số ra làm trò đùa cợt. Và dư luận càng phẫn nộ hơn khi những sự thật về gian lận điểm số lần lượt được công bố đã gây nên những cú sốc.

Người sửa điểm không chỉ là nhà giáo mà hơn thế, họ còn là những cán bộ cốt cán, những nhà quản lý được trao nhiều quyền ở các địa phương. Họ vô tư thay điểm số thật của các bài thi bằng những điểm số giả cao chót vót mà không hề đắn đo, sợ hãi hay hỗ thẹn.

Họ làm công việc sai trái ấy mà cứ biện minh đang ra tay giúp đỡ học sinh của mình. Họ làm lem luốc đi bộ mặt nhà giáo mà cứ nghĩ đang hoàn thành trọng trách được giao. Họ xúc phạm đến đồng nghiệp mà cứ tự cho là mang về thành tích. Họ tập cho thế hệ trẻ sự giả dối mà nghĩ đang giúp chúng tiến thân.

Ngôi nhà giáo dục do rất nhiều thế hệ nhà giáo góp sức xây dựng đến ngày hôm nay thì chính họ - những người quyền cao chức trọng ấy - phải là những người đầu tiên đứng ra bảo vệ. Chìa khóa bảo vệ của ngôi nhà đang ở trong tay họ. Và ai cũng biết chìa khóa chỉ có tác dụng ngăn ngừa kẻ đột nhập từ bên ngoài, chứ làm sao ngăn được người bên trong.

Những kẻ đánh cắp các giá trị của ngôi nhà giáo dục ấy có thể gọi là những kẻ phản bội lại công cuộc đổi mới giáo dục mà cả nước đang ra sức xây dựng. Hậu quả mà họ gieo rắc có thể chưa nhiều vì được phát hiện kịp thời nhưng vết nhơ mà họ để lại thật khó phai một sớm một chiều.

Rồi đây họ sẽ bị pháp luật trừng trị đích đáng. Điều quan trọng là những nỗ lực cải tiến công tác thi cử những năm qua cần phải được tiếp tục đẩy mạnh để ngày một tiến gần với một kỳ thi tiết kiệm, an toàn và trung thực như kỳ vọng.

Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, sáng suốt để có thể thu hút, tuyển chọn xây dựng đội ngũ nhà giáo trong sạch, giỏi chuyên môn, có phẩm chất; mạnh dạn thanh lọc và loại ngay những phần tử biến chất ra khỏi đội ngũ.

Chúng ta tin, khi nhà giáo biết dùng điểm số để giáo dục học sinh về sự trung thực thì từ đây mỗi điểm số là một sự thật, là mỗi viên gạch xây dựng vững chắc nền giáo dục hiện đại của đất nước.

Quang Ân

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/niem-tin-va-su-trung-thuc-3944800-b.html