Niềm tin và khát khao

Trong lần đầu tiên vào thăm Thanh Hóa năm 1947, nói chuyện với cán bộ, nhân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Bác đã căn dặn, giao nhiệm vụ: 'Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu'...

Dù trong khó khăn của thời kỳ kháng chiến hay dựng xây đất nước trong hòa bình, lời Người luôn luôn là kim chỉ nam, thôi thúc hành động của mỗi người dân Thanh Hóa. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03 và Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa càng thi đua học theo Người, làm việc tốt dâng lên Người.

Trong các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Thanh Hóa luôn đặt ra mục tiêu xây dựng các mô hình kiểu mẫu bằng cách làm sáng tạo, phù hợp. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh xác định xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 với những chương trình trọng tâm, khâu đột phá ấn tượng. Như vậy, chúng ta nên nhìn nhận, trở thành tỉnh khá của cả nước hay tỉnh công nghiệp cũng là hướng đến những tiêu chuẩn mang tính “kiểu mẫu”.

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới thấy hết sự khát khao từ những chương trình trọng tâm và khâu đột phá của tỉnh đã được cụ thể thành những con số đẹp đẽ như thế nào. Đó là có tới 26/28 chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 12,5%, vượt mục tiêu đại hội, gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 133.816 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015.

Phải khẳng định, Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế, nhưng hơn cả là có nguồn lực con người với tư duy dám nghĩ, dám chinh phục việc làm khó, việc chưa có tiền lệ. Đó là điều còn lớn hơn cả lợi thế và tiềm năng, bởi lợi thế quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Lợi thế không phải con đường phẳng phiu để đi đến thành công, mà cần có những con người biết biến lợi thế thành sản phẩm.

Tiếp đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa ra Hà Nội báo công với Bác nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Người vào năm 2019, thay mặt Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thêm lần nữa nhắc lại mong muốn của Bác là tỉnh Thanh Hóa phải “trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Đồng thời đề nghị, Thanh Hóa cần vận hành ổn định Khu Kinh tế Nghi Sơn, phát triển Sầm Sơn, Lam Sơn, Bỉm Sơn và các khu công nghiệp theo các cơ chế đặc biệt, chính sách năng động, sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và cả nước. Đó là yêu cầu từ Trung ương, cũng chính là khát khao của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa.

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, một lần nữa tỉnh đặt ra khát vọng xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, trước đó là nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước vào năm 2025.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là dịp để mỗi người dân Thanh Hóa càng thêm nhớ về Bác kính yêu, nhớ đến lời căn dặn của Người, từ đó thêm khát khao, quyết tâm sớm hiện thực lời Người căn dặn xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh “kiểu mẫu”.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/niem-tin-va-khat-khao/118911.htm