Niềm tin và dòng chảy cuộc sống!

Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường gia tăng - Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2018 với các nội dung quan trọng: Thảo luận tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch tài chính - ngân sách quốc gia 3 năm 2019-2021; tình hình ban hành văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Niềm tin đó, ở góc độ hẹp nhưng vô cùng quan trọng - niềm tin thị trường và ở bình diện chung - niềm tin xã hội đến từ những căn cứ cụ thể, sinh động và thiết thực: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh, xu hướng tăng tốt hơn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng...

Ở từng ngành, từng lĩnh vực là những chỉ số, thống kê rất đáng lưu ý: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng nhẹ, khoảng 0,45% so với tháng trước và CPI bình quân 8 tháng tăng 3,52% so với cùng kỳ, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra từ đầu năm. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý ở mức 8,18%. Tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp nối xu thế tăng trưởng tích cực từ đầu năm trong cả 3 khu vực; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, 8 tháng duy trì xuất siêu với khoảng 2,8 tỷ USD. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng…

Niềm tin đó cũng đến từ những dự báo, triển vọng đầy hứa hẹn, như Thủ tướng Chính phủ cho biết: Điều đáng mừng là 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%.

Trong bối cảnh chung thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; trong bối cảnh cụ thể tháng 8, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, những kết quả nêu trên có ý nghĩa to lớn. Niềm tin thị trường gia tăng là hệ quả tất yếu của tổng thể chính sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng hướng. Nhờ đó, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cải cách hành chính hướng mạnh tới hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ở chiều ngược lại, niềm tin thị trường gia tăng dẫn tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá; số doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký thành lập mới hoặc bổ sung vốn tăng nhanh. Với riêng Hà Nội - một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, niềm tin thị trường thể hiện ở việc tính đến ngày 20-8-2018, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 16.467 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 180.000 tỷ đồng; thu hút được 6,26 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2017).

Niềm tin thị trường gia tăng cùng với những khía cạnh khác như các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện… đã cộng hưởng, gia tăng, vun đắp niềm tin xã hội. Đó đều là những nguồn lực vô giá trong quá trình phát triển. Bởi chính niềm tin là nhân tố khơi dậy và phát huy những tiềm năng ở người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài cho việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm bản lề 2018 cũng như chặng đường phía trước.

Có thể thấy, khẳng định của người đứng đầu Chính phủ - Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường gia tăng - còn là thông điệp hàm chứa nhiều ý nghĩa, nội hàm sâu sắc. Thực tế quá trình phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề, dù đã được tháo gỡ, khắc phục song còn đó không ít tồn tại: Quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước tiến triển chậm, hiệu quả sản xuất - kinh doanh chưa cải thiện nhiều. Mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước còn chậm được đổi mới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công tác cải cách thủ tục hành chính dù có nhiều bước tiến song nhiều doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản. Hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, "trên trải thảm, dưới rải đinh" còn diễn ra ở nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị… Nói cách khác, nhìn về tổng thể, chất lượng tăng trưởng có nhiều mặt chưa như kỳ vọng và không được duy trì trong thời gian dài.

Cho nên ý nghĩa, nội hàm từ thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, như đã được khẳng định tại phiên họp tháng 8 vừa qua là: Không chủ quan, lơ là trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời với tinh thần chỉ đạo nhất quán là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng chính là mệnh lệnh từ cuộc sống. Những việc cần làm phía trước khi dư địa cải cách thủ tục hành chính còn nhiều; sự phong phú về nguồn lực và cả những nguồn lực tiềm ẩn ở không ít lĩnh vực đang chờ được “giải phóng” bằng cơ chế, chính sách phù hợp…

Đặc biệt, trong bối cảnh những khó khăn khách quan như nguy cơ về “quả bom” thương mại giữa các nền kinh tế lớn diễn biến khó lường, thiên tai ngày càng khốc liệt… những bất cập nội tại càng cần có biện pháp xử lý hiệu quả, triệt để mà các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là yếu tố thể chế kinh tế, chính sách, pháp luật; kinh tế tư nhân; Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm phát triển, đầu tàu kinh tế của đất nước… đóng vai trò rất quan trọng.

Niềm tin củng cố, vun đắp niềm tin. Những đòi hỏi nêu trên cũng chính là sự thôi thúc nỗ lực cải cách, tăng hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của mỗi bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp. Và ở góc độ nào đó là sự chia sẻ của người dân, doanh nghiệp với tư cách vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể tham gia quá trình phát triển.

Đất nước vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Niềm tin về những chỉ tiêu đặt ra trong năm 2018 đều đạt và vượt là hoàn toàn có cơ sở. Quá trình củng cố, vun đắp niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội cũng chính là quá trình bảo đảm cho con đường phát triển thêm bằng phẳng, thuận lợi. Đó chính là dòng chảy cuộc sống, là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.

Thế Nguyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/912389/niem-tin-va-dong-chay-cuoc-song