Niềm tin Pao Mã Phìn

Hai chữ 'khủng khiếp' là chưa đủ để nói hết cảm giác của tôi khi đi vào Pao Mã Phìn, thôn giáp biên của xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, Hà Giang trong tình cảnh trời lúc nắng, lúc mưa. Con đường ngút ngàn, đoạn nhão nhoẹt, đoạn lởm chởm đá dăm, đá hộc với vô số 'ổ voi', mặt đường xẻ rãnh chằng chịt khiến cho thân thể tôi đau nhừ, mỏi rã rời. Bù đắp cho nỗi mệt nhọc ấy là niềm tin về những con người mà chúng tôi đã gặp.

Giây phút thư giãn của anh Vàng Mí Phồng và cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài. Ảnh: Bích Nguyên

Trung úy Lò Ngọc Quý, cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài, người đồng hành với tôi trong chuyến đi này bảo rằng, Pao Mã Phìn là thôn người Mông giáp biên heo hút và khó khăn bậc nhất của xã Tả Ván. Theo tính toán của Quý, khi trời mưa , đường vào Pao Mã Phìn rất vất vả, có thể mất trọn một ngày. Dù đã được lên “dây cót tinh thần” trước khi xuất phát, ấy vậy mà vừa chớm vào đoạn đường đất nhão nhoét, tôi đã choáng váng bởi tấm biển: “Cảnh báo nguy hiểm! Phía trước 50m là khu vực sạt lở cao...”. Với sự khởi đầu đó, chuyến đi vào Pao Mã Phìn đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên.

Trên đường đi, chúng tôi ghé vào Tổ công tác Biên phòng Ma Ngán Sán. Ngôi nhà của Tổ công tác Biên phòng hết sức đơn sơ, nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Phía đối diện là điểm trường Tiểu học với lối vào lầy lội, sũng bùn. 3 giáo viên đang buộc đồ để về nhà nghỉ cuối tuần. Ở nơi heo hút này, lính Biên phòng là điểm tựa của dân và cả giáo viên cắm bản. Cô giáo Xuân chia sẻ: “Nơi này xa xôi cách trở, cái gì cũng thiếu, bù lại tình người thì mênh mông. Có Tổ công tác Biên phòng ở đây, tôi và các đồng nghiệp vững tâm hơn”.

Chúng tôi có thêm bạn đồng hành là 10 cô cậu học trò tiểu học. Nhóm trẻ không mũ nón cứ thế đội nắng, đội mưa cuốc bộ về nhà với cái bụng rỗng. Ngày nào chúng cũng đi bộ 3-4km tới trường rồi lại theo con đường ngoằn ngoèo, nhầy nhụa bùn, đá về nhà. Tôi thấy mừng vì ít ra, ở chốn thâm sơn, cùng cốc này, sự học đã được coi trọng.

Tôi không nhớ ngược dốc bao nhiêu lần mới tới được Pao Mã Phìn. Đón chúng tôi là anh Vàng Mí Phồng, Bí thư Chi bộ thôn, cũng là Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, cột mốc. Pao Mã Phìn có 65 hộ dân thì 2/3 số đó tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bắt đầu từ mốc 276 cho tới mốc 282. “Bà con làm nương ở gần đường biên nên chúng tôi “thăm mốc” thường xuyên. Mùa không làm nương, chúng tôi thay phiên nhau đi kiểm tra mốc từ 1 đến 2 lần mỗi tháng” – Anh Phồng cho biết.

Anh Phồng năm nay 45 tuổi, nguyên là chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Anh nói với chúng tôi với giọng điệu hết sức mộc mạc, tự nhiên: “Nhà tôi nhiều mốc lắm”. Hỏi ra mới biết, nương nhà anh ở gần mốc 278, 279, 280. Từ trái tim mình, anh luôn coi những cột mốc này là tài sản quý của gia đình, tự nguyện trông coi nhiều năm nay. Chất lính Biên phòng thấm sâu vào từng mạch máu khiến cho anh Phồng chưa bao giờ phai nhạt trách nhiệm với đường biên Tổ quốc. “Ngày hay đêm tôi đều đi mốc được” - Anh Phồng chia sẻ.

Theo những người lính Biên phòng Tùng Vài, anh Phồng là người có nhiều đóng góp trong quá trình phân giới cắm mốc ở tuyến biên giới này. “Ngày đó, không có đường mòn như bây giờ. Biên giới toàn rừng già và núi đá, đi lại khó khăn, vất vả lắm. Lúc nào đi lên biên giới cũng phải cầm theo dao để phát cây. Có những đoạn toàn vách đá cheo leo, chúng tôi phải bám dây leo đu lên. Cho tới tận bây giờ, đường đi từ mốc 283 sang mốc 284 vẫn rất khó. Từ mốc 278 sang 279 và từ mốc 279 sang 280 còn 2 đoạn chưa có đường đi” - Anh Phồng kể.

Khi đàm phán xác định vị trí cắm mốc trên thực địa, anh Phồng không nề hà vất vả theo sát đoàn phân giới cắm mốc ăn ngủ trên biên giới. “Lúc đàm phán xác định vị trí mốc 280 và 281, phía Trung Quốc chọn đúng ngày sương mù dày đặc để lên thực địa, đàm phán từ sáng đến 4 giờ chiều vẫn chưa thống nhất được vị trí cắm mốc. Một tuần sau, ta và phía bạn lên biên giới đàm phán tiếp. Lần này, thì thành công” – Anh Phồng cười tươi khi nhớ lại điều này.

Sau này, trong một lần đi kiểm tra rừng biên giới, anh Phồng không may vướng mìn phải cưa mất một cẳng chân. Cứ tưởng sau tai họa đó, người đàn ông này không còn lên thăm mốc được nữa. Vậy mà anh vẫn đi “thăm” mốc đều đều. Dĩ nhiên, với chiếc chân giả, anh không đi hết được cả đoạn đường biên mà chỉ tới được những mốc dễ đi. Anh tâm sự: “Tôi đi vì trách nhiệm của mình. BĐBP với dân là một. Việc của BĐBP cũng là việc của dân”. Lời chia sẻ chân thành của anh Phồng cũng là tâm tư của người dân Pao Mã Phìn.

Ngôi nhà đơn sơ của Tổ công tác Ma Ngán Sán. Ảnh: Bích Nguyên

Cho tới tận bây giờ, Pao Mã Phìn vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường giao thông đúng nghĩa. Tỉ lệ hộ nghèo ở đây lên tới 90%. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Dẫu vậy, bà con vẫn luôn đoàn kết, bền bỉ góp sức giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc. Anh Phồng cho hay: “Từ ngày phân giới cắm mốc xong, dân bản tôi càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Bà con đi nương luôn để ý xem đường biên, cột mốc có gì bất thường về báo ngay cho đồn Biên phòng”.

Đề cập tới chuyện đời sống, anh Phồng bảo, dân bản chí thú làm ăn, ngặt nỗi đường sá hiểm trở, đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển nông sản tiêu thụ nhiều khi còn cao hơn cả giá trị của hàng hóa, thành ra dân vẫn cứ nghèo. Bây giờ, người dân Pao Mã Phìn bắt đầu tính tới việc chăn nuôi gia súc với quy mô lớn hơn để làm giàu, bởi nếu các nông sản khác phải mất nhiều công sức đưa xuống chợ trung tâm xã mới tiêu thụ được thì trâu, bò thịt, thương lái thường tới tận thôn thu mua. Vừa đúng thời điểm tỉnh Hà Giang triển khai Nghị quyết 209 hỗ trợ các cá nhân có phương án chăn nuôi từ 3 con bò trở lên được vay vốn không lãi suất trong vòng 3-5 năm. Chớp thời cơ này, một số hộ dân thôn Pao Mã Phìn đã tự tin vay vốn khởi nghiệp.

Mặt trời đã khuất sau núi, chúng tôi tạm biệt anh Phồng ra về mang theo khát khao có một con đường bằng phẳng và cả tấm lòng luôn hướng về biên cương Tổ quốc của người dân Pao Mã Phìn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/niem-tin-pao-ma-phin/