Niềm tin ngày thắng lợi, thống nhất đất nước

Đọc sách 'Những lá thư thời chiến Công an nhân dân' do Nhà xuất bản Công an nhân dân' ấn hành giữa năm 2017 đã toát lên khí thế hào hùng, hình ảnh hàng vạn thanh niên hăng hái ra trận với lòng nhiệt huyết 'Tất cả vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước'… Trong đội ngũ nối tiếp nhau hành quân ra trận đó có hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ công an đã chi viện cho lực lượng an ninh Miền Nam những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, đáng chú ý có thư của AHLLVT Đào Trọng Hùng, cán bộ công an chi viện chiến trường Miền Nam gửi gia đình ngày 14/4/1975.

Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang Đào Trọng Hùng tại Cảnh sát quốc gia Sài Gòn tháng 5 năm 1975.

Lá thư tâm huyết gửi gia đình trước khi vào Nam chiến đấu của Thiếu tướng Đào Trọng Hùng đã được đưa vào phòng truyền thống Cục Ngoại tuyến Bộ Công An trưng bày bên cạnh những tư liệu, hình ảnh, kỉ vật về lịch sử, chiến công, thành tích của đơn vị Anh hùng LLVTND.

Đầu năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam diễn ra khẩn trương; sự nghiệp thống nhất đất nước đứng trước thời cơ quyết định. Đang công tác trong một đơn vị thuộc Bộ Công an, Đào Trọng Hùng khi đó mới 21 tuổi xung phong vào Nam.

Trước ngày lên đường, do không thể về thăm gia đình, Đào Trọng Hùng đã viết thư vào một cuốn sổ ghi chép, nhờ đơn vị gửi cha mẹ và các em ở quê nhà. Bức thư chan chứa tình yêu thương và lòng quyết tâm của một chàng trai thời khói lửa. Trong trái tim người chiến sĩ an ninh Đào Trọng Hùng có một niềm tin vững chắc ngày thắng lợi đã đến rất gần. Những dòng thư thấm đượm tình cảm, lòng biết ơn và nỗi niềm đau đáu của người con khi không ở bên để chăm sóc bậc sinh thành.

Từ phải qua trái Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai, Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Trọng Hùng tại hội thảo những lá thư thời chiến Việt Nam.

Trong thư Đào Trọng Hùng đã động viên các em trong nhà phải chăm chỉ học hành và giúp đỡ bố mẹ. Những lời chỉ bảo tâm huyết của người anh cả đã định hướng để các em suy nghĩ, hành động và họ đều trưởng thành, trong đó có người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trọng trách. Bức thư được viết tại Hà Nội đề ngày 14 tháng 4 năm 1975; từng câu, từng chữ đều thể hiện suy nghĩ, tình cảm, lý tưởng của một thế hệ hừng hực hào khí trước giờ ra trận. Thư của Đào Trọng Hùng viết:

"Đêm nay gần như là đêm cuối cùng của con còn sống ở Hà Nội trong những ngày chờ đợi. Nếu không có gì thay đổi đúng như lệnh ban đầu chỉ còn một ngày một đêm nữa thôi con sẽ rời xa nơi này để đi vào một mảnh đất xa xôi, nơi đấy chiến sự đang diễn ra ác liệt… Con bước chân ra đi không có một điều gì vướng mắc chỉ có điều là con chưa làm trọn vẹn được mong muốn của bố về con. Nhưng chính nơi đất mới, mới là nơi thử thách để chính con thấy rõ con hơn cũng như mọi người thấy rõ con hơn... Cuộc chiến đấu mới sẽ làm cho con trưởng thành hơn về mọi mặt, sẽ làm cho con vững vàng hơn trong cuộc sống...

Từ trái sang phải nhà văn Lưu Quốc Hòa, Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Trọng Hùng, Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai tại đền thờ 10 nữ liệt sức dân quân pháo phòng không Nam Hạ

Con biết và rất hiểu việc của con sẽ làm ngày mai không phải đơn giản mà vô cùng khó khăn, gian khổ, kể cả nguy hiểm đến tính mạng nhưng điều đó không làm cho con sợ hãi lùi bước mà chỉ làm tăng thêm nghị lực. Con tin ở con, bởi vì ở đời không ai hiểu mình bằng mình. Con dám nghĩ đến những điều bất hạnh, dám nghĩ đến sự hy sinh nhưng con rất hiểu sự cần thiết của sự hy sinh đó… Suốt đời con không quên công ơn của bố mẹ đã sinh ra và nuôi con thành người cho đến hôm nay con trở thành người của Đảng. Khi con đi rồi con chỉ mong rằng bố mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe. Bố mẹ đã yếu đi nhiều rồi, nhất là mẹ đừng nên tham công tiếc việc nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe"...

Trong dòng tâm sự gửi lại gia đình trước lúc lên đường chiến đấu, Đào Trọng Hùng đã thể hiện tình cảm và vị thế của người anh cả, luôn tôn kính mẹ cha, thể hiện rõ trách nhiệm của người con cả trong gia đình, luôn lo lắng, chỉ bảo, định hướng các em phấn đấu học hành, rèn luyện:

"Các em yêu quý! Nếu anh của các em không gặp được các em thì coi như những dòng chữ này sẽ là những dòng chữ cuối cùng của anh dành cho các em trước khi anh lên đường. Anh rất muốn được gặp các em lần cuối để rồi anh ra đi được trọn vẹn nhưng các em hiểu đó là nhiệm vụ, anh không làm khác được. Anh rất nhớ các em, nhất là Quyên - em gái út của anh. Có lẽ nếu có ngày trở về gặp em chắc khó nhận ra em trong đám trẻ con học sinh. Các em phải chịu khó học hành và giúp đỡ mẹ đừng để mẹ phải khổ nhiều nữa. Người nào cũng phải học tập và làm việc với hết khả năng của mình. Còn Dũng chắc rằng con đường của em sẽ là con đường dẫn đến "anh bộ đội" có điều anh muốn nói là em phải tập trung vào việc học tập đã, một ngày còn ở nhà là một ngày phải học còn khi nào đi hẵng hay, đừng có tấp tểnh chỉ tổ hỏng việc mà chẳng đâu vào đâu. Ở đâu cũng cần những người có kiến thức.

Chú ý chữa khỏi hẳn mắt đi, giữ gìn sạch sẽ, phải làm sao giữ đúng tư thế người đoàn viên thanh niên. Còn Dung (đồng chí Đào Ngọc Dung hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội), Dinh phải học và chỉ có học thôi,(đồng chí Đào Ngọc Đinh hiện là cục trưởng thư ký của đồng chí ủy viên bộ chính trị bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh- Nguyễn Thiện Nhân).

Nhờ bố mẹ gửi lời chào tất cả mọi người họ hàng, làng xóm. (Nếu con không được về). Chúc bố mẹ mạnh khỏe! Mong các em học giỏi và ngoan. Hẹn ngày con của bố mẹ, anh của các em sẽ trở về gặp lại một ngày không xa.

Con của bố mẹAnh của các em

ĐÀO TRỌNG HÙNG

(Bố hãy cất quyển sổ này đi, đợi đến khi con về)"

Ông cụ thân sinh Đào Trọng Hùng là Đào Trọng Hằng, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Nhân (Hà Nam), lúc sinh thời vẫn luôn tâm niệm về bức thư của người con cả Đào Trọng Hùng viết gửi về gia đình trước ngày vào Nam chiến đấu để dạy bảo con cháu nêu gương, chăm chỉ rèn luyện, học hành để phát huy truyền thống của gia đình và quê hương. Đúng như danh sĩ Lê Đại Cang đã đúc kết: “muốn tìm tôi trung, phải tìm trong nhà con hiếu”.

Ký ức về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối cách nay 44 năm không bao giờ phai nhạt trong lòng những người lính đã từng vượt Trường Sơn đi cứu nước như Thiếu tướng AHLLVTND Đào Trọng Hùng.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Trọng Hùng sinh năm 1954, quê quán xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 1971 ông vào ngành Công an, năm 1980 được kết nạp vào Đảng. Trải qua nhiều đơn vị, vị trí, nhiệm vụ công tác khác nhau. Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Trọng Hùng đã từng tham gia chi viện cho An ninh Miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tăng cường cho An ninh biên giới trong Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong quá trình công tác, do lập được nhiều chiến công thành tích, nên ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là Thiếu tướng Cục Trưởng cục Ngoại tuyến (Bộ Công An trước khi nghỉ hưu năm 2015). Từ khi nghỉ hưu cho đến nay, AHLLVTND Đào Trọng Hùng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, lĩnh vực khuyến học, thiện nguyện và hiện là Phó trưởng Ban liên lạc cán bộ CA chi viện chiến trường Miền Nam thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ Cứu nước (Bộ Công An); là thường vụ hội khuyến học Tỉnh Hà Nam quê hương.

Đặng Thị Ngọc Vân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/niem-tin-ngay-thang-loi-thong-nhat-dat-nuoc-68379