Niềm tin mong manh về Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đã có hiệu lực từ cuối tuần trước nhưng đang mang đến nhiều cảm xúc lẫn lộn. Những người ủng hộ mong đợi phong trào ký Hiệp ước sẽ tăng tốc đến viễn cảnh không còn vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, trong khi những người phản đối giữ vững niềm tin rằng, các quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ ký Hiệp ước.

Bom nguyên tử của Mỹ phát nổ ở thành phố Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải), Nhật Bản vào tháng 8-1945, cướp đi sinh mạng khoảng 140.000 người ở Hiroshima và trên 70.000 người ở Nagasaki. Ảnh: Wikipedia

Bom nguyên tử của Mỹ phát nổ ở thành phố Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải), Nhật Bản vào tháng 8-1945, cướp đi sinh mạng khoảng 140.000 người ở Hiroshima và trên 70.000 người ở Nagasaki. Ảnh: Wikipedia

TPNW được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào tháng 7-2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia. Đến tháng 10-2020, đã có 50 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước, đạt số lượng quốc gia phê chuẩn tối thiểu để Hiệp ước có hiệu lực sau 90 ngày. Theo đó, Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ ngày 22-1 và trở thành Hiệp ước đầu tiên cấm việc phát triển, thử nghiệm, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây là công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên và là thắng lợi chung của toàn nhân loại để tiến tới mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân. TPNW lần đầu tiên biến vũ khí hạt nhân thành bất hợp pháp. Các quốc gia tham gia ký kết bị cấm phát triển, sở hữu và triển khai vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, giới học giả chính trị, quân sự thế giới nhìn nhận, TPNW hiện nay có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không sẵn sàng cấm vũ khí hạt nhân, điều này sẽ khiến niềm tin vào hiệu lực của TPNW trở nên rất mong manh. Bởi, các quốc gia khác sẽ không tin vào “lời hứa” về việc loại bỏ vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Điều đó không mang lại điềm báo tốt cho NPT - "nền tảng" của chế độ không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Thực tế trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã đe dọa hoặc có dấu hiệu đe dọa rời khỏi NPT như một giải pháp “đòn bẩy” gây áp lực trên chính trường quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia, Iran... Các quốc gia phi vũ khí hạt nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấm vũ khí hạt nhân của mình, trong khi các quốc gia có vũ khí hạt nhân thì không. Điều này tạo ra một nghịch lý và việc thực sự rút khỏi các hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đều không gây ra thiệt hại gì đáng kể.

Mối quan ngại trên hiện hữu khi tất cả 5 quốc gia thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ là các cường quốc hạt nhân nhưng đều phản đối TPNW. Cùng với đó, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên, Ấn Độ, Israel, Pakistan cũng không tham gia. Thậm chí, Nhật Bản - quốc gia duy nhất trên thế giới phải hứng chịu nỗi đau do vũ khí hạt nhân gây ra trong thế chiến thứ II cũng khẳng định sẽ không tham gia TPNW. Chính quyền Nhật Bản tuyên bố rằng, TPNW của LHQ có cách tiếp cận khác biệt với quan điểm của nước này.

Giới chuyên gia đánh giá, TPNW từng được xem là một động lực tạo nên niềm tin lớn trên cơ sở là sự đồng lòng của toàn thế giới. Song, những gì đang diễn ra lại cho thấy một mối lo ngại đe dọa đến nỗ lực chung. Bởi, một Hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí hạt nhân nhưng lại vắng bóng những cường quốc vũ khí hạt nhân. Song hành với đó, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không tham gia TPNW được nêu trên đều đang có những mối hiềm khích và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra xung đột, mà điển hình nhất là căng thẳng Pakistan - Ấn Độ. Mặt khác, dù chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có cách tiếp cận chủ nghĩa đa phương tích cực hơn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, song, thực tế vẫn đang cho thấy, Mỹ có xu hướng rút khỏi hàng loạt hiệp ước kiểm soát vũ khí trên thế giới.

Giới chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra rằng, thực tế việc TPNW có hiệu lực đã đưa cộng đồng quốc tế đứng trước “ngã ba đường” đối với tương lai của vũ khí hạt nhân. Vận mệnh của TPNW tới đây sẽ được định đoạt bởi các cường quốc hạt nhân cũng như các quốc gia sở hữu tiềm lực hạt nhân lớn. Nếu không có những bước tiến tích cực, một thế giới không có vũ khí hạt nhân thực sự sẽ trở thành mục tiêu xa vời và vũ khí hạt nhân sẽ ngày càng lan rộng. Nhất là khi nhiều quốc gia đang coi vũ khí hạt nhân là một phần chiến lược chiến tranh thay vì chỉ đơn thuần là giải pháp tự vệ hay răn đe.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/niem-tin-mong-manh-ve-hiep-uoc-cam-vu-khi-hat-nhan-post436959.html