Niềm tin mong manh trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines

Tháng 4-2017, nhiếp ảnh gia người Australia Daniel Berehulak đoạt giải Pulitzer Ảnh Tin Thời sự (Breaking News Photography) với phóng sự ảnh về chiến dịch chống ma túy ở Philippines đăng trên The New York Times.

Loạt phóng sự ảnh đó có nhan đề "They Are Slaughtering Us Like Animals" (Họ đang tàn sát chúng tôi như súc vật) phần nào nói lên sự đẫm máu của chiến dịch này cũng như niềm tin mong manh của người dân Philippines vào lực lượng cảnh sát của họ.

Tháng 6-2016, Tổng thống Duterte của Philippines nhậm chức với cam kết sắt đá về việc diệt trừ tận gốc tội phạm ma túy. Trong thế kỷ XXI này, thật khó để tìm thấy ở đâu trên thế giới văn minh một chiến dịch như thế. Không cần pháp luật, không cần tòa án, không cần xét xử, chỉ cần nổ súng. Kế hoạch đơn giản là: Bắn chết hết tội phạm ma túy, đất nước sẽ trở nên trong sạch. Pháp luật được đặt lên cò súng của cảnh sát, hoặc thậm chí là cả những lực lượng ẩn danh đi xe gắn máy.

Xác một nghi can ma túy bị giết vứt trên phố trong cơn mưa. Ảnh do The New York Times đăng tải nằm trong phóng sự ảnh của Daniel Berehulak.

Xác một nghi can ma túy bị giết vứt trên phố trong cơn mưa. Ảnh do The New York Times đăng tải nằm trong phóng sự ảnh của Daniel Berehulak.

Nhưng chính chiến dịch có vẻ sắt đá đó đã châm ngòi cho việc các cảnh sát phạm tội, cũng như khiến hình ảnh người cảnh sát trong lòng dân chúng Philippines hoen ố đi.

Khi cảnh sát không giữ nghiêm kỷ luật

Tháng 1-2017, một đoạn video được chiếu tại phiên điều trần của Thượng viện Philippines. Đoạn video mô tả một cuộc đột kích vào năm 2016 tại Manila. Một nhóm người xông vào trụ sở một doanh nghiệp và đuổi toàn bộ nhân viên khỏi chỗ ngồi làm việc của họ. Một kẻ đột nhập mặc áo khoác trùm đầu màu xanh và đội mũ bóng chày tát vào mặt một nhân viên đang ngồi, khiến anh này ngã xuống sàn.

Sau khi tát vài nhân viên khác, những kẻ đột nhập dồn nhân viên vào một căn phòng nhỏ và khóa cửa. Khuất khỏi tầm nhìn của đám đông, kẻ đột nhập đeo mặt nạ mở khóa chiếc ba lô đeo ngang ngực và bày thứ bên trong lên những chiếc bàn trống. Đó chính là ma túy và nhóm đột nhập là những cảnh sát chống ma túy.

Không biết đang bị camera an ninh ghi hình, họ không chỉ ngụy tạo bằng chứng trong lúc vờ lục soát nơi làm việc mà còn cướp phá văn phòng, lấy đi số tài sản trị giá khoảng 350.000 USD. Nhóm người này sau đó còn yêu cầu chủ doanh nghiệp đưa thêm 100.000 USD.

Khi sự việc bị phanh phui, Ronald dela Rosa, khi đó là Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), cho biết các sĩ quan sẽ bị điều tra và đơn vị chống ma túy này "có thể bị giải tán".

Nhưng hơn hai năm sau, không có thêm tin mới nào về vụ án, PNP thậm chí không công bố tên của những người liên quan. Dela Rosa đã nghỉ hưu và giờ là Thượng nghị sĩ. Trong khi đó, danh sách những cảnh sát Philippines vi phạm ngày càng tăng lên khi nhuệ khí, chuẩn mực và kỷ luật của lực lượng thực thi pháp luật này bị xói mòn dưới thời chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.

Một trong những vụ án kinh hoàng nhất mà cảnh sát Philippines gây ra có lẽ là vụ giết doanh nhân Hàn Quốc, Jee Ick-joo tháng 10-2016. Jee bị bắt ở thành phố Angeles, phía Bắc Manila, bị đưa đến trụ sở PNP ở Manila và gần như bị siết cổ đến chết ngay lập tức.

Không nói với vợ Jee rằng ông đã chết, những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc là 8 triệu Peso (khoảng 160.000 USD). Sau khi nhận được một phần tiền là 3 triệu Peso (tương đương 60.000 USD), những kẻ bắt cóc đưa thi thể Jee đến nhà xác, thiêu hủy và đổ tro xuống nhà vệ sinh.

Tính hiệu quả của chiến dịch

Hiệu quả của chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy tại Philippines trong thời gian dài luôn bị đặt dấu hỏi lớn.

Nhiều người cho rằng hầu hết nạn nhân đều là những con nghiện và những kẻ buôn bán ma túy nhỏ lẻ, trong khi đó, những kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ma túy với lợi nhuận béo bở phần lớn vẫn chưa bị phát hiện và bắt giữ.

Nếu chiến lược chống ma túy của ông Duterte thành công thì theo quy luật kinh tế, giá của ma túy đá (tiếng Philippines gọi là shabu) phải tăng lên do nguồn cung bị co hẹp. Tuy nhiên, các số liệu của Cục Phòng chống ma túy Philippines (PDEA) lại cho thấy giá shabu thậm chí đang rẻ đi.

Người dân Philippines biểu tình sau cái chết của doanh nhân Hàn Quốc Jee Ick Joo. (Ảnh The Wall Street Journal).

Tháng 7-2016, giá mỗi gram shabu khoảng 1.200 - 11.000 peso (24 - 220 USD) nhưng sau một năm giá của chúng dao động từ 1.000 - 15.000 peso (20 - 300 USD).

Dao động giá rộng phản ánh những thay đổi về nguồn cung sẵn sàng đáp ứng và biến động giá khác nhau giữa các khu vực. Dù giá giảm chỉ vài USD nhưng nó chứng tỏ nguồn cung ma túy vẫn rất dồi dào.

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros từng gọi cuộc chiến ma túy là "đẫm máu, lạm dụng và dễ dẫn tới tham nhũng". Ông nhấn mạnh rằng cuộc chiến của ông Duterte đã giết chết hàng nghìn người, phần lớn là người nghèo.

Cũng theo một báo cáo từ Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 2-2017, hầu hết các vụ giết người trong chiến dịch truy quét ma túy đều được thực hiện tại những khu dân cư nghèo khó, nạn nhân thường là nam giới đóng vai trò trụ cột trong gia đình.

"Cái chết của họ khiến gia đình rơi vào tình cảnh ngày càng bấp bênh về kinh tế. Nhiều người thân bất bình vì cảm thấy chính quyền dường như đang nhắm tới người nghèo", báo cáo từ Tổ chức Ân xá Quốc tế có đoạn.

Chẳng hạn, ở cảng Navotas, một khu vực với nhiều ngôi nhà tồi tàn gần bến cảng của Manila, số người chết trong cuộc chiến chống ma túy quá cao. Theo báo chí địa phương, vào đầu tháng 6-2017, chỉ trong một đêm, có 9 vụ giết chóc xảy ra ở Navotas.

Niềm tin mong manh

Tháng 6-2019, Kateleen Myca Ulpina, ba tuổi, con gái của một nghi phạm ma túy, đã trở thành nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong chiến dịch. Vụ việc gây phẫn nộ cộng đồng, khiến 20 cảnh sát Philippines bị đình chỉ công tác để điều tra.

Trước đó, vào tháng 8-2017, Kian Delos Santos, một thiếu niên 17 tuổi bị hai người cảnh sát lôi khỏi nhà ở Caloocan, ngoại ô Manila trong cuộc đột kích nhằm vào những kẻ buôn ma túy của cảnh sát. Camera an ninh sau đó ghi lại hình ảnh cậu bị cảnh sát bắn chết dù không có kháng cự gì.

Hay vào năm 2016, cảnh sát thành phố Quezon báo cáo họ đã bắn chết 5 nghi phạm ma túy chống trả khi bị bắt. Không may cho những sĩ quan này, một nạn nhân là Afren Morillo đã sống sót và tố cáo những gì thực sự xảy ra. Theo Morillo, cảnh sát vây bắt, chế nhạo, tra tấn và bắn chết các nạn nhân. Morillo sống sót nhờ giả chết và sau đó tìm trợ giúp y tế.

Tình trạng bạo lực leo thang này khiến cho tháng 7-2019. Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhất trí đồng thuận với Nghị quyết do Iceland khởi xướng về việc điều tra chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của Philippines có vi phạm nhân quyền, phạm phải tội ác chống lại loài người hay không.

Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết hơn 6.600 người thiệt mạng trong các hoạt động truy quét tội phạm ma túy, nhưng các giám sát viên độc lập Liên hợp quốc tin rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều. Nhiều nhóm đấu tranh vì nhân quyền tin rằng số người chết trong chiến dịch của ông Duterte phải lên tới 27.000 người.

Nhà phân tích chính trị Ramon Casiple, giám đốc điều hành Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử, cho biết vấn đề ở chỗ ông Duterte không quy định giới hạn nào cho cảnh sát về việc tiến hành cuộc chiến chống ma túy. "Vấn đề nằm ở cách tiếp cận vì nó dẫn đến lạm dụng", Casiple nói. Ông cũng chỉ ra rằng cảnh sát đang cảm thấy áp lực vì bị Tổng thống kiểm tra thường xuyên và áp lực cũng dẫn đến sai phạm.

Nhà báo Magato đồng tình với quan điểm này, nói rằng ông Duterte muốn có thành tựu trong cuộc chiến chống ma túy, vì vậy cảnh sát phải mang đến kết quả cụ thể. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có nhiều cảnh sát tốt không ủng hộ cuộc chiến chống ma túy này. "Hình ảnh của cảnh sát đã bị hủy hoại, thay vì kéo công chúng lại gần hơn, điều này đang đẩy họ xa hơn".

Mogato dẫn các nguồn tin riêng của mình nói rằng cảnh sát thường tìm cách sắp đặt để những vụ nổ súng giết nghi phạm trông thuyết phục hơn. Một số cảnh sát chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả các đèn trong khu phố đều tắt trước khi họ hành động để ngăn camera an ninh ghi lại bất cứ điều gì liên quan. Thay vì tiêu diệt tội phạm hay bảo vệ người dân, cảnh sát hành động không khác gì những kẻ giết thuê.

Ông kết luận: "Sau cuộc khủng hoảng này, cảnh sát Philippines sẽ phải mất nhiều năm để lấy lại uy tín và sự liêm chính".

Đỗ Tiến

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-ma-tuy/niem-tin-mong-manh-trong-cuoc-chien-chong-ma-tuy-o-philippines-601732/