Niềm tin du lịch bứt phá sau đại dịch

Diễn biến phức tạp và mức độ lây lan khủng khiếp của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã gây ra thiệt hại đáng kể đến nhiều lĩnh vực, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất. Du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ, song từ trong mùa dịch, có thể nhận ra nhiều tín hiệu dự báo sự bứt phá mạnh mẽ hơn của ngành công nghiệp không khói nước nhà thời gian tới.

Một đoàn khách du lịch quốc tế được chăm sóc chu đáo trong thời gian cách ly vì dịch Covid-19 tại Việt Nam. Ảnh: THÙY AN

Một đoàn khách du lịch quốc tế được chăm sóc chu đáo trong thời gian cách ly vì dịch Covid-19 tại Việt Nam. Ảnh: THÙY AN

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trước tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 sẽ giảm từ 20 đến 30%, đồng nghĩa với việc sụt giảm khoảng từ 300 đến 450 tỷ USD. Đây là mức tổn thất được đánh giá là rất nặng, khi mà trước đó, theo thống kê, khủng hoảng kinh tế năm 2009 cũng chỉ khiến lượng khách quốc tế giảm 4%, và trong dịch SARS năm 2003, con số này là 0,4%. Ở nước ta, trong giai đoạn đầu chống dịch, khi số lượng người dương tính với Covid-19 đều được chữa khỏi, chưa thấy xuất hiện thêm những ca nhiễm mới, nhiều người kỳ vọng ngành du lịch có thể sớm phục hồi. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp hơn sau đó, những người làm nghề sớm hiểu rằng du lịch sẽ mất nhiều thời gian “ngủ đông” hơn. Nhiều chiến dịch kích cầu, giải pháp ứng phó đã được lên kế hoạch thực hiện, song đã buộc phải dừng lại để bảo đảm an toàn. Tất cả các hoạt động đưa đón khách đều “đóng băng” với mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của du khách lên hàng đầu. Tình hình thực tế yêu cầu ngành du lịch phải có những kịch bản, bước đi mang tính dài hơi hơn. Và từ trong thực tế khó khăn này, càng thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, yếu tố mấu chốt để du lịch Việt Nam bứt phá sau đại dịch.

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với việc đề xuất thêm những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch như: hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch với hình thức phát hành “phiếu mua tua”; đề nghị có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ homestay, người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú do ảnh hưởng dịch… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đưa ra những kịch bản ứng phó theo diễn biến dịch. Theo đó, khi Việt Nam công bố hết dịch, ngành du lịch sẽ tập trung kích cầu nội địa với sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch; tập trung phân khúc khách du lịch kết hợp công việc, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo)... Theo dự đoán, các nước châu Á sẽ có khả năng hết dịch sớm hơn. Vì thế, đối với kịch bản khi Việt Nam và một số nước trong khu vực công bố hết dịch, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về một “Việt Nam an toàn và hấp dẫn”, khẳng định Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi dịch Covid-19 và tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại. Đây cũng là lúc giúp cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trên cơ sở kiến nghị Chính phủ xem xét các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực… Ở thời điểm thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới; đồng thời triển khai rộng rãi các gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa, quốc tế; kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay, miễn thị thực… Có thể thấy, những kịch bản đã được vạch ra khá rõ, chỉ còn đợi kết quả chống dịch.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch; ngày càng cho thấy vị thế của một quốc gia luôn đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu. Và đây chính là yếu tố để Việt Nam ghi thêm nhiều điểm cộng đối với du khách quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, nước nào khống chế được dịch sớm và có thể phục hồi nhanh sau dịch sẽ chứng minh là quốc gia có chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên trên hết. Và đó sẽ là những điểm đến an toàn hàng đầu được du khách quốc tế quan tâm lựa chọn sau khi cả thế giới vừa phải đương đầu với trận đại dịch với quá nhiều tổn thất cả về kinh tế và con người. Việc Việt Nam đang trở thành tấm gương điển hình về phòng, chống dịch trên thế giới sẽ tạo ra lợi thế so sánh tương đối lớn với những nước được đánh giá là khá tương đồng về tài nguyên trong khu vực, mang đến sức mạnh cạnh tranh cho thương hiệu du lịch Việt Nam để trở thành điểm đến thu hút khách khi dịch bệnh được đẩy lùi. Bên cạnh đó, việc những du khách nước ngoài chia sẻ cảm giác yên tâm khi ở lại Việt Nam ngay trong mùa dịch cũng là kênh lan tỏa, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách. Có thể phải mất tới hai năm hoặc dài hơn để du lịch Việt Nam hoàn toàn hồi phục, nhưng rõ ràng, có nhiều cơ sở để lạc quan tin tưởng vào những bước tiến ngoạn mục của ngành công nghiệp không khói nước nhà trong vài năm tới.

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/du-lich/tin-tuc/item/44281302-niem-tin-du-lich-but-pha-sau-dai-dich.html