Niềm tin cứu trợ

Dự báo thời tiết cho thấy, miền Trung có thể sẽ phải gánh 1 cơn bão nữa. Như vậy, chỉ có hơn 2 ngày để chính quyền và cơ quan chức năng lo liệu cho dân tránh cơn bão này giữa cơn thịnh nộ của thiên tai vẫn chưa dứt ở miền Trung. Một cuộc đua giải cứu dân trên đỉnh lũ, trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Đó mới là điều khẩn thiết nhất lúc này, bên cạnh công tác nhường cơm sẻ áo.

Sân bay Vinh (Nghệ An), Huế, Quảng Bình và các tuyến đường bộ hối hả những chuyến hàng cứu trợ vào vùng lũ. Nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp tiền, hàng trên mạng xã hội và lên đường. Tình đồng bào đùm bọc nhau mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh lớn đến mức cá nhân ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng, thay mặt các mạnh thường quân đi trợ giúp người hoạn nạn. Không ai hoài nghi lòng tốt của đồng loại những lúc này nhưng có nhiều vấn đề cần được tổ chức lại.

Những người có trách nhiệm cần phân luồng: Cứu mạng sống và giúp nhu yếu phẩm. Lúc này, tổ chức nào có đủ kỹ năng, phương tiện đi cứu dân trên nóc nhà thoát hiểm; đơn vị nào chịu trách nhiệm tiếp tế. Không nên để tình trạng, 1 câu lạc bộ xuồng nào đó mang xuồng tự công bố số điện thoại; người mang mì tôm, lương khô, quần áo cũ và bắt đầu hiện tượng nhiều tỉnh thành lẫn nhóm thiện nguyện tổ chức gói bánh chưng tỏa vào một cách tự phát.

Cứu trợ thiên tai, dịch bệnh cũng cần vai trò tổng chỉ huy. Các kênh thông tin chính thống cần công bố tổng chỉ huy các trọng điểm để thấy nhu cầu bức thiết lúc này của từng nơi là gì? Hà Tĩnh cần bao nhiêu thuyền cứu sinh; Quảng Bình nhu cầu bao nhiêu bánh chưng; Quảng Trị thiếu nước sạch ra sao… Từ những thực tiễn đó, tổng chỉ huy phân luồng hàng cứu trợ tới trúng đích. Đội xuồng cứu hộ của câu lạc bộ nào đó sẽ tập trung dưới 1 đơn vị chỉ huy có đủ kỹ năng điều phối.

Bánh chưng cho vùng lụt gói thông thường hay bọc ni lông hút chân không, nếu đã đủ rồi thì vùng lụt xin nhu yếu phẩm khác để khỏi lãng phí. Hơn nữa, nơi cần thì chưa thấy (và không đủ phương tiện tới), nơi vùng ven được tiếp nhận quá nhiều. Không nên để lòng tốt, tình cảm của người dân cứu trợ tùy hứng, thậm chí lãng phí và cá nhân đi lại mất an toàn.

Một trong các kỹ năng căn bản nằm lòng của chính quyền địa phương là phương án “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Lực lượng tại chỗ hiểu rõ thực trạng và nhu cầu. Trường hợp quá khả năng “tại chỗ”, người đứng đầu chính quyền sẽ xin cứu trợ nhà nước và nhân dân. Cứu trợ nhà nước có đủ trang thiết bị và lực lượng; cứu trợ nhân dân sẽ được 2 tổ chức lớn là mặt trận tổ quốc và hội chữ thập đỏ tiếp nhận và thực hiện.

Thực sự, “cứu trợ nhà nước” rất cần tập hợp được những cá nhân như ca sỹ Thủy Tiên để tạo nhiều nguồn lực. Chắc chắn cá nhân Thủy Tiên không thể đi phát tận tay như livestream (trực tiếp trên mạng xã hội) mấy ngày qua để hết hơn 100 tỷ đồng. Người dân cũng như Thủy Tiên đều mong muốn tấm lòng của mình đến được tận tay bà con cần. Đây là vấn đề niềm tin. Tất nhiên như ca sỹ Thủy Tiên thông báo, chị có chiến lược làm cầu, xây nhà hậu bão lũ.

Đình Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/niem-tin-cuu-tro-1738953.tpo