Niềm khao khát một bữa cơm gia đình đúng nghĩa của ông lão 73 tuổi

Dù luôn khao khát có một bữa cơm gia đình đúng nghĩa, tiếng cười nói ê a của trẻ nhỏ nhưng trên môi ông lão 73 tuổi - ông chủ 'căn nhà nhỏ nhất Việt Nam' luôn thường trực nụ cười. Ông luôn tin rằng, chỉ có nụ cười mới là điểm tựa cho chính mình và con trai.

Ông Chu Văn Cao trong ngôi nhà 3m2 của mình. Ảnh: Bảo Loan

Ông Chu Văn Cao trong ngôi nhà 3m2 của mình. Ảnh: Bảo Loan

Người đàn ông lạc quan trong "biệt thự" 3m2

Trong không gian sống động, nhộn nhịp của Hà Nội, phố Thuốc Bắc (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) hiện lên như một bức tranh đầy hoài niệm thời gian với những căn nhà được thiết kế độc đáo theo lối kiến trúc xưa cổ. Chúng tôi hỏi thăm đến ông Chu Văn Cao, người dân sinh sống trong khu phố này ai cũng tỏ tường về ông lão 73 tuổi, đang sống trong nhà được mệnh danh nhỏ nhất Việt Nam.

Ngồi trong "căn biệt thự" chẳng khác gì một bao diêm của mình, ông Cao kể về cuộc sống của hai bố con. Gần 30 năm trong cảnh "gà trống nuôi con", ông Cao vừa là cha, vừa là mẹ lo chọn cho con từ miếng ăn, giấc ngủ. Cho đến bây giờ, khi những tổn thương đã trở nên chai lì theo dòng thời gian, điều mà ông khao khát nhất lại không phải là cuộc sống sang giàu, cũng không phải bạc vàng đầy ắp, mà một bữa cơm gia đình đúng nghĩa, có nhiều thành viên xôm tụ và đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.

Ông Cao cũng không hình dung được đã bao nhiêu năm mình chưa được ăn một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Ông chỉ biết rằng, bữa cơm tự tay ông nấu cách đây cũng đã gần 40 năm. "Những ngày thằng bé còn nhỏ, cơm hàng cháo chợ cũng phải hối hả, vội vàng để có thời gian đi làm thuê, làm mướn. Con lớn hơn tí nữa thì đăng ký suất ăn ở trường, cho đến khi lớn lên thì chúng tôi giống nhau, quanh năm ăn cơm bụi", ông Cao nghẹn ngào.

Cầu thang lên nhà ông Cao chật hẹp.

Ông Cao bảo, cũng chính bởi tư gia chật hẹp mà vợ ông đã rời đi từ khi con còn rất nhỏ, nên những bát cơm nóng hổi bên những thành viên trong gia đình chỉ là niềm khao khát. "Những ngày đi làm thêm ở quán nước gần nhà, thỉnh thoảng tôi cũng dùng bữa với gia đình chủ quán. Nhìn cảnh họ vội vàng, hối hả để làm được bữa cơm cho các con, tôi thấy ấm lòng thay. Tôi cũng thèm khát những khoảnh khắc hối hả để làm ra bữa cơm, rồi những thành viên trong gia đình ríu rít gọi nhau cùng xôm tụ, quây quần để vừa ăn cơm, vừa nói chuyện. Ngày xưa, khi con trai còn nhỏ, vợ tôi ở cữ, tôi không chỉ lo toan việc kiếm tiền, mà cáng đáng luôn cả việc cơm nước ở nhà", nói đến đây, ông Cao mắt sáng ngời, kể tiếp: "Tài nấu cơm của tôi cũng ổn lắm nhé, một bữa cơm ngon làm trong vòng khoảng 30 phút là chuyện hết sức bình thường".

Điểm tựa cho con trai là tinh thần vui vẻ!

Những ước muốn nhỏ nhoi và rất đỗi dung dị của ông Cao về những bữa cơm gia đình, những tiếng cười, những giọng nói ngây ngô của con trẻ… cũng chỉ còn cách là gửi gắm người con trai đã trưởng thành của mình. Bởi với ông: "Đến bây giờ, tài sản lớn nhất của tôi duy nhất chỉ có cậu con trai. Nó đi làm công ty, lúc ở chỗ này, lúc đi tỉnh khác. Thỉnh thoáng nó mới về thăm tôi và đưa tôi ít tiền trang trải cuộc sống. Nhớ nó lắm. Tôi mong chờ ngày con trai có cơ ngơi đàng hoàng thì tôi mới hy vọng có một bữa cơm gia đình".

Chính bởi niềm khao khát rất đỗi dung dị ấy mà ông Cao mặc định bản thân mình phải giữ tinh thần vui vẻ. "Ưu tư để làm gì khi càng ưu tư, con cái càng thêm lo lắng. Con trai vẫn thường an ủi tôi rằng: ‘Bố ạ, bố có vui vẻ, tinh thần có lạc quan thì con mới yên tâm đi làm được’. Vậy nên, với tôi bây giờ, bóng đá và đọc báo để theo dõi dòng thời sự không chỉ là niềm vui tinh thần, mà tinh thần vui vẻ còn là điểm tựa cho cậu con trai của tôi", ông Cao nhoẻn miệng cười.

Trên khuôn mặt hằn vết thời gian của ông Chu Văn Cao luôn là nụ cười nồng hậu thường trực trên môi.

Căn nhà được mệnh danh là nhỏ nhất phổ cổ Hà Nội, hoặc thậm chí là nhỏ nhất Việt Nam cũng không khiến ông Cao tự ti. Vừa nói, ông Cao vừa chỉ tay lên hai mảng xi măng phía trần nhà được chát mới, ríu rít khoe: "Cái mới của nhà tôi đó. Họ có điều kiện sắm sửa nhà mới, đồ mới để chuẩn bị đón Tết, đón năm mới thì tôi có hai mảng xi măng chát mới trần nhà. Tôi già rồi, cuộc sống không ưu ái mình thì phải tự làm hài lòng để an ủi mình thôi".

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng nhắc đến người đàn ông trong cảnh "gà trống nuôi con", gần 30 năm qua, người dân trong khu ngõ 63 phố Thuốc Bắc chỉ thấy trên khuôn mặt hằn vết thời gian ấy là nụ cười nồng hậu thường trực trên môi.

Là hàng xóm của ông Cao, bà Nguyễn Thị Lan (68 tuổi) cho biết, ông Cao là thành viên của hội những người lớn tuổi thường xuyên tăng cường thể chất của khu phố. "Sau thời gian đi thể dục vài vòng ở khu phố, ông Cao sẽ dành thời gian đọc báo giấy. Đó là thói quen khó bỏ nhiều năm của ông Cao. Cả khu phố chúng tôi đều lưu tâm đến hoàn cảnh của ông, đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần nhưng ông Cao là người luôn giữ cho mình tinh thần rất lạc quan. Chính vì tinh thần lạc quan ấy mà những người cao tuổi của khu phố luôn yên tâm về ông".

Sở dĩ, có mệnh danh ngôi nhà của ông Cao nhỏ nhất Việt Nam là bởi chiều dài của ngôi nhà chỉ 2,5m, chiều rộng 1m và chiều cao 1,4m. Ông Cao kể, đây là một phần của ngôi nhà có diện tích hơn 10m2 mà cả gia đình 3 người đã từng sinh sống. Năm 1993, do làm ăn thua lỗ, ông Cao đã bán toàn bộ tầng 1 để trả nợ và chỉ xin chừa lại gác xép tầng 2 để có nơi “chui ra chui vào”. Do căn nhà có diện tích hạn chế nên những vật dụng đặt trong nhà cũng rất đơn sơ. Chỉ có vài chiếc quần áo mỏng được ông gấp gọn đặt trên “đầu giường”. Còn lại một số chai nước, thức ăn hay nải chuối, thuốc thang, ông Cao tận dụng khoảng trống trên tường để treo móc. Để di chuyển trong nhà, ông Cao phải bò hoặc đi bằng đầu gối, tối ngủ phải nằm nghiêng.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/niem-khao-khat-mot-bua-com-gia-dinh-dung-nghia-cua-ong-lao-73-tuoi-20200114161247067.htm