Niềm hy vọng mới của Cuba

Từ ngày 19-4-2018, Cuba có một Chủ tịch nhà nước mới, ông Miguel Diaz-Canel Bermúdez, một lãnh tụ đầu tiên không mang họ Castro.

Là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba, ông Miguel Diaz-Carnel lên thay cựu Chủ tịch Raul Castro là một sự kế nhiệm hợp lý, nhưng sự thăng tiến của ông cũng làm dấy lên niềm hy vọng về một giai đoạn mới của đất nước Cuba.

So với hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm Fidel và Raul Castro, ông Miguel Diaz Canel không chỉ khác về tên họ. Ông đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao của đất nước khi tuổi còn khá trẻ: ông tròn 58 tuổi vào thứ Sáu tuần trước (cựu Chủ tịch Fidel Castro cầm quyền tới năm 81 tuổi, cựu Chủ tịch Raul Castro cầm quyền từ năm 76 tới 86 tuổi); ông ra đời sau Cách mạng Cuba nên chưa từng tham gia cuộc đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ độc tài, thiết lập chế độ mới. Và ông Miguel cũng là chủ tịch nhà nước Cuba đầu tiên không kiêm nhiệm cương vị lãnh đạo đảng Cộng sản Cuba - chức vụ vẫn do ông Raul Castro nắm giữ.

Tuy không tham gia cuộc đấu tranh vũ trang, ông Miguel Diaz-Canel có quá trình thăng tiến khá suôn sẻ trong đảng và chính phủ: ông tham gia trung ương đảng năm 1991, khi mới 31 tuổi, vào Bộ Chính trị năm 2003, trở thành ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi nhất, và mười năm sau đã trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước khi mới 53 tuổi.

Theo nhận định của báo chí quốc tế, Miguel Diaz-Canel là một nhà chính trị có tài, được rèn luyện trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước Cuba, khi nguồn viện trợ từ Liên Xô đột ngột bị cắt đứt và Mỹ siết chặt cấm vận kinh tế. Ở tỉnh Villa Clara, nơi ông có thời kỳ làm bí thư, người dân thường gặp ông đi xe đạp đến nơi làm việc (dù ông có xe hơi do nhà nước cấp), gần gũi với các cộng đồng dân cư. “Ông ta không làm như vậy để được nổi tiếng mà vì bản tính của ông là như vậy. Ông ấy là một người trung thực”, một nhà báo quen biết ông từ thời đó nói với hãng tin Reuters. Nhiều người khác cho rằng, tuy là một chính trị gia dễ gần gũi nhưng ông Miguel cũng là người nguyên tắc và trung thành tuyệt đối với những lý tưởng của cuộc cách mạng Cuba.

Tuy vậy, con đường phía trước của ông, và của đất nước Cuba, vẫn còn rất nhiều trở ngại. Nền kinh tế, tuy có phần khởi sắc trong những năm cầm quyền cuối cùng của cựu Chủ tịch Raul Castro, song vẫn chưa thoát khỏi ngưỡng nghèo. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ được mọi người đồng thuận song trong giới lãnh đạo vẫn tồn tại nhiều quan điểm trái ngược nhau về tốc độ, bước đi và quy mô của công cuộc cải cách chính trị-kinh tế. Cựu Chủ tịch Raul Castro đã có vài quyết sách đột phá nhưng triển khai rất chậm chạp vì tình trạng phân hóa giàu nghèo nhanh chóng giãn rộng ra cùng với đà mở cửa kinh tế, gây bất mãn trong một bộ phận dân chúng vốn quen với lối sống thiếu thốn nhưng bình đẳng trước kia. Cuộc cấm vận kinh tế kéo dài sáu thập kỷ của Mỹ, được nới lỏng một chút dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, có khả năng sẽ bị siết chặt trở lại dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Cựu Chủ tịch Raul Castro lựa chọn ông Miguel Diaz-Canel làm người kế vị là để tiếp tục công cuộc cải cách kinh tế đã được ông Castro khởi xướng: Cuba cần đẩy mạnh đổi mới, xây dựng một chính phủ đáp ứng được lợi ích của người dân, mở rộng quyền tiếp cận thông tin, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội cho lớp trẻ; trước mắt Cuba cần cải cách chính sách tiền tệ, khuyến khích đầu tư nước ngoài và cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Thành tích điều hành kinh tế sẽ là cơ sở mang lại tính chính danh cho quyền lãnh đạo quốc gia của ông Miguel Diaz-Canel, một chính trị gia trẻ sinh trưởng sau thời kỳ chiến tranh cách mạng.

Báo The New York Times lo ngại tân Chủ tịch Cuba sẽ không đủ “đất dụng võ” vì ông chưa phải là lãnh tụ đảng và người của gia tộc Castro vẫn nắm giữ những cương vị quyết định trong quân đội, guồng máy an ninh và khu vực kinh tế nhà nước, tạo thành một thế lực “giám sát và kiểm soát” buộc tân chủ tịch phải đi theo đường lối định sẵn. Tuy vậy, ở góc nhìn lạc quan hơn, sự kiện ông Raul Castro vẫn tiếp tục làm Bí thư thứ Nhất đảng Cộng sản Cuba và sẽ trao cương vị này cho ông Miguel vào năm 2021 có thể là một chỉ dấu cho thấy ông Castro muốn làm một chỗ dựa chính trị vững chắc cho những năm đầu cầm quyền của tân Chủ tịch Miguel Diaz-Canel, giúp ông này vượt qua những lực cản trong nội bộ Cuba.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271809/niem-hy-vong-moi-cua-cuba-.html