Niềm hi vọng của một thầy lang từng sa đọa vì 'ma men'

Bình thường Vũ Thế Hợi là một thầy lang giỏi nhưng khi có rượu, anh ta chẳng khác nào kẻ điên, đập phá tài sản, kể cả bát hương thờ tổ tiên… Thậm chí Hợi còn xách dao đuổi bố vợ và vợ con đòi xin 'tí tiết'. Trong một lần say, Hợi cầm dao chạy vào UBND xã, dọa chém tất cả những người có mặt.

Được cha vợ truyền nghề bốc thuốc

Sau lần xách dao chạy vào nơi công sở, đòi giết những người có mặt, Vũ Thế Hợi, SN 1976, trú tại thôn Trang, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) bị đưa vào cơ sở giáo dục Thanh Hà cải tạo lao động. Công việc của Hợi là chăm sóc đàn lợn khoảng 20 con.

Kể về cuộc đời mình, Hợi bảo quê anh ta ở Thanh Hóa, nhà đông con nên cuộc sống khá chật vật. Việc học hành cũng chỉ hết cấp 2 là nghỉ. Hợi cũng đi lính nhưng chỉ là lính nghĩa vụ. Thời gian đóng quân ở biên giới, Hợi tình cờ lọt vào “mắt xanh” của một ông chủ hiệu thuốc bắc.

Được ông chủ hiệu thuốc đề nghị ở lại sẽ truyền nghề cho, Hợi đã cân nhắc rất lâu rồi mới quyết định ở lại.

Theo Hợi thì anh ta đã đặt lên bàn cân về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình với một tương lai đầy triển vọng khi về làm việc cho ông chủ hiệu thuốc bắc nổi tiếng trong vùng. Hợi bảo vì nghĩ tới cảnh về quê, phải vật lộn với công cuộc mưu sinh nên quyết định ở lại mảnh đất biên cương học nghề. Được khoảng 2 năm thì Hợi chính thức trở thành con rể của ông chủ tiệm thuốc bắc. Năm 2002, vợ chồng Hợi được bố vợ cho một cửa hàng thuốc đông y để lập nghiệp.

Được học từ nhỏ nên vợ Hợi rất giỏi trong việc phân loại các loại cây rừng. Chị thường đi chợ vùng cao, mua những mớ cây thuốc do đồng bào đi rừng hái, đem về, phơi phong, tẩm sấy rồi chia vào các ô đựng thuốc theo tên gọi để Hợi làm nốt phần việc kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, khi vợ Hợi sinh con nhỏ thì việc đi mua nguyên liệu do Hợi đảm nhiệm.

Từ một thầy lang suốt ngày chỉ quanh quẩn bên cạnh tủ thuốc lúc nào cũng đầy ắp nguyên liệu do vợ mua về, tẩm sấy, giờ phải tự mình làm đủ các công đoạn nên thời gian đầu Hợi không khỏi chới với. Đã rất nhiều lần Hợi mua về những bao cây rừng chỉ có tác dụng để tắm mát chứ không thể là vị trong thang thuốc bởi do chỉ tiếp xúc với cây, lá đã phơi khô. “Mấy lần thấy vợ không nói gì, chỉ lặng lặng dồn đống lá cây tôi mua về cho vào bao để góc bếp, thi thoảng nấu nước tắm cho con, tôi cay mũi lắm. Tôi quyết định phải vào sâu trong bản để tìm mua hàng thật”, Hợi kể.

Điều Hợi không ngờ là mặc dù lá cây thuốc không còn bị nhầm như trước song khả năng uống rượu của anh ta cũng ngày càng nhiều hơn. Theo lời thanh minh của Hợi là do dân bản quý mến, lần nào vào mua nguyên liệu cũng được họ mời uống rượu, lâu dần thành quen miệng.

Là thầy thuốc, Hợi hiểu tác hại của rượu nhưng lại không đủ lý trí để từ bỏ. Mỗi khi về nhà, nhớ rượu, anh ta lại ra quán, làm vài chén. Rồi trong nhà bắt đầu xuất hiện những bình rượu thuốc và Hợi bắt đầu khề khà hơn trong bữa ăn. Đang là một cửa hàng thuốc có uy tín, lúc nào cũng nườm nượp người tới thăm bệnh, lấy thuốc, từ ngày sa đà vào rượu, cửa hàng của Hợi vắng khách dần. Hợi không quan tâm vì càng có nhiều thời gian để nhậu nhẹt. Chẳng biết có phải vì uống nhiều rượu quá hay chán vì sự sa sút trong công việc mà Hợi trở nên bi quan, tiêu cực.

Theo hồ sơ lưu tại đội giáo dục, cơ sở giáo dục Thanh Hà, Hợi nhiều lần uống rượu say đập phá bàn ghế, cầm dao đuổi vợ con, đòi giết. Điển hình nhất là lần Hợi say rượu quá, gọi mãi không thấy vợ con đâu vì họ đã sang hàng xóm lánh nạn từ lúc nhìn thấy Hợi khật khưỡng lôi bình rượu ra uống. Điên tiết vì cho rằng vợ coi thường mình không làm ra tiền, Hợi xách dao đến nhà bố vợ, đòi xử vợ tội dám hỗn với mình và xử luôn cả mẹ vợ vì chính bà là người đẻ ra vợ.

Lúc Hợi còn chưa tìm được ngõ vào nhà, miệng không ngớt lè nhè chửi vợ, mẹ vợ thì ông bố vợ, do ốm yếu, nằm nghỉ ở nhà, nghe tiếng ầm ĩ liền chống gậy đi ra. Thấy Hợi vẻ mặt tã tượi, áo quần xộc xệch, ông không nói được câu nào, quay vào nhà. Có lẽ quá thất vọng vì người con rể tưởng giữ được nghề thuốc cho gia đình, không để thất truyền, ai ngờ rước thêm tiếng xấu. Còn Hợi, vốn rất sợ bố vợ nên khi thấy bóng dáng ông đi ra, Hợi như tỉnh hẳn rượu, lủi nhanh về nhà nhưng khi vừa bước chân về, anh ta nổi điên, đập phá tài sản, bát hương thờ tổ tiên rồi xách dao chạy sang UBND xã Trung Thành, đòi giết ai dám không cho mình nói.

Không muốn mất nghề bao công người bố đã gây dựng, vợ Hợi chuyển cửa hàng về nhà bố mẹ, tiếp tục kê đơn bốc thuốc cho người bệnh và truyền nghề cho hai con trai. Thế nhưng cuộc sống của ba mẹ con với người bà ngoại đơn chiếc nào có được yên. Cứ vài ba bữa, Hợi lại mò tới, quậy phá, biến những nong thuốc ngăn ngắn đang phơi thành mớ hỗn lộn, tung tóe. Không thể nhịn hơn được nữa, sau rất nhiều lần nộp phạt hành chính, viết cam kết, bảo lãnh cho chồng để khuyên bảo nhưng Hợi vẫn chứng nào tật nấy, vợ anh ta đã làm đơn xin chính quyền cho chồng đi cơ sở giáo dục.

Vũ Thế Hợi đang chăm đàn lợn tại cơ sở giáo dục Thanh Hà.

Những ngày cải tạo

Từ ngày vào cơ sở giáo dục Thanh Hà, phải lao động chân tay, mỗi khi đêm về ôm cánh tay đau nhức vì chưa quen với công việc nặng nhọc, Hợi lại cảm thấy hận vợ vì cho rằng mình say mới quậy nhưng chưa gây tổn hại đến ai, chưa đến mức phải đi “trại”. Anh ta bảo hận vợ vì dám làm đơn đưa chồng vào trại, giờ phải lao động ở trại chăn nuôi trong khi sức khỏe không cho phép.

Từ một người khỏe mạnh, ma men đã biến anh ta trở thành người khác hẳn. Thân hình mỏng manh nhưng có lẽ đặc trưng nổi bật nhất của kẻ nát rượu là một khuôn mặt bủng với đôi mắt sụp mí và hai khóe miệng chảy xệ.

Hợi bảo ngày mới vào đi đứng còn run lẩy bẩy, giờ sức khỏe đã khá hơn nhiều rồi. Thời gian đầu, Hợi vẫn còn giận vợ nên khi người nhà lên thăm, không ra gặp nhưng mấy tháng gần đây nhận thức đã có nhiều biến chuyển, anh ta đã cởi mở hơn rất nhiều.

Rút lá thư có lẽ đã được đem ra đọc rất nhiều, từ trong túi áo, Hợi tươi tắn khoe vợ thông báo cuối năm đợi Hợi đủ thời gian được về, cả nhà sẽ cưới vợ cho con trai. Hỏi về nhà có uống rượu nữa không, Hợi cười đáp “có chứ nhưng mà không say như trước đâu, mình phải về đỡ vợ bốc thuốc thôi”. Chắc hẳn những ngày phải gánh đôi thùng cám nặng cho lợn ăn, Hợi đã thấm thía nỗi vất vả của việc lao động tay chân. Nhưng cứ nghĩ tới cái miệng còn vài cái răng liêu xiêu của Hợi, tôi không chắc anh ta sẽ đoạt tuyệt hẳn được với rượu.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/niem-hi-vong-cua-mot-thay-lang-tung-sa-doa-vi-ma-men-129546.html