Niềm háo hức của một phạm nhân khi học chữ vào tuổi lục tuần

Sồng Khuổi Dụ, SN 1958 ở xã Chiềng Khôn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, bảo, nhận lời hứa sẽ cho tiền uống rượu của một người đàn ông mới quen ở chợ, mà mang chiếc túi người ấy đưa mang về nhà cất để rồi phải nhận án tử hình… 3 năm sau may mắn được ân xá xuống chung thân.

Là một trong số những phạm nhân cao tuổi nhất trong lớp xóa mù chữ trại giam Hồng Ca, Sồng Khuổi Dụ còn thuộc diện học sinh lâu năm nhất, thuộc thành phần cá biệt của lớp học. Người khác chậm lắm thì sau 2 khóa học là đọc thông viết thạo còn Dụ theo học dễ đến 3 khóa rồi nhưng đến cái tên của chính mình viết vẫn còn sai chính tả. Thế nhưng ngược lại, Dụ rất thích học, lần nào biết trại mở lớp cũng nằn nì xin cho đi học bằng được.

Khuôn mặt nhăn nhúm, chốc chốc Dụ lại đứng lên, ngó ra ngoài như chờ đợi một điều gì đó có vẻ căng thẳng lắm.

Quê Dụ ở tít đầu nguồn con sông Mã, đã heo hút lại thưa người qua lại nên người dân ở đây nghèo đủ mọi thứ, từ cái ăn, cái mặc đến thông tin. Nhà Dụ đã nghèo lại đông anh em, thành ra chẳng ai biết cái chữ nó tròn méo thế nào. Miếng ăn, cái mặc là điều quan trọng nhất nên Dụ bằng lòng với việc chẳng biết chữ của mình và đến đời con Dụ cũng vậy. 6 đứa con lít nhít thì lấy đâu ra điều kiện để cho con cái đi học. Bọn trẻ cứ đứa nọ dắt díu đứa kia, lớn lên, đi rẫy, làm nương. Con đông, nhà nghèo nên nhiều lúc Dụ chỉ mong được một bữa rượu thật say mà hiếm khi có bởi trong nhà chẳng có nhiều ngô mà mang đi đổi rượu. 40 tuổi Dụ đã lên chức ông nhưng vẫn phải đi nương vì nhà đông thêm miệng ăn. Trong đám con ấy, đứa nào cũng khiến Dụ không vừa lòng bởi chúng cứ lấy vợ, lấy chồng xong là đẻ con sòn sòn, nhiều khi bọn trẻ còn kéo về nhà Dụ quấy phá.

“Nhà chỉ có ngô với sắn mà nhiều lúc cũng chẳng còn để ăn. Bọn trẻ ở gần hay chạy sang, đói là chúng lục nồi, lục tủ tìm ăn rồi về. Biết là cháu mình đấy nhưng đi làm về, kiến bò bụng rồi mà mở nồi nào cũng thấy sạch trơn trong khi vung còn nóng. Thế thì không tức sao được”, Dụ kể.

Phạm nhân Sồng Khuổi Dụ tại lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Nguyễn Vũ

Phạm nhân Sồng Khuổi Dụ tại lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Nguyễn Vũ

Theo lời người đàn ông này, trong một lần đi chợ bán củi, Dụ được một người đàn ông nhờ xách hộ chiếc túi vải. Người đó nói tiếng Kinh nên Dụ không hiểu gì, chỉ biết thấy người đó ra hiệu ám chỉ xách hộ về nhà cất thì sẽ cho tiền mua rượu uống. “Tôi mù chữ, tiếng Kinh cũng không biết, chỉ thấy ông ta chỉ trỏ đại ý cầm hộ về rồi cho tiền uống rượu. Người ấy tỏ thái độ cứ mang về sẽ có người tới lấy và cũng không nói là cho tôi bao nhiêu tiền cả”, Sồng Khuổi Dụ nhớ lại.

Vì chưa bao giờ nghe đài, xem tivi nên cũng chẳng biết cái việc cầm hộ ma túy sẽ bị bắt, sẽ phải ngồi tù. Trong thâm tâm của người đàn ông này thì ma túy của ai thì là của người đó thôi, mình đâu có tiền mua mà sợ. Dụ đâu ngờ trên đường ôm gói đồ của vị khách lạ về nhà thì bị công an bắt giữ. Với 2 bánh heroin trong người, Dụ bị kết án chung thân về tội vận chuyển ma túy. Dụ trở thành kẻ vi phạm pháp luật, khoác áo phạm nhân khi xấp xỉ tuổi sáu mươi.

Không biết chữ nên khi về trại giam Hồng Ca cải tạo, Dụ được đi học. Ngày đầu tiên được phát quyển vở với những hình vẽ minh họa bên trong, Dụ tò mò lắm, cả đêm háo hức chờ trời sáng để đi học. Thế nhưng khi cầm tập vở đến lớp, Dụ lại thấy run trong lòng vì từ thuở bé đến giờ đã biết trường lớp như thế nào đâu. Cũng may là ngoài thầy giáo là cán bộ giáo dục còn có một phạm nhân là người giúp việc nên Dụ thấy cũng dễ gần nhưng cứ nghĩ tuổi mình lớn quá rồi mới tập đọc thì ngượng quá, chỉ khe khẽ trong cổ họng thành ra đến lúc thầy giáo bắt đọc, chữ cái nào Dụ cũng đọc là “ờ” để nếu có ai nhắc mới dám đọc to lên.

Không thuộc mặt chữ nhưng vì mặc cảm nên Dụ chẳng dám hỏi ai vì sợ mọi người kích bác, cười chê. Rồi những nghĩ suy vơ vẩn về gia đình, vợ con và nhất là những tháng ngày sống tự do, chẳng bị ai nhắc nhở đã khiến lão nông này chẳng còn đầu óc nào để mà học hành. Dụ bảo ngày ở nhà, thích ăn ngủ lúc nào là tùy bụng mình. Vợ con đi nương, Dụ thích thì cũng đi nương, chán, mệt thì về trước. Nhà không có cái ăn thì Dụ ra vườn nhổ tạm vài cây rau vào nấu canh không húp tạm. Hoặc cũng có thể là miếng thịt để quên trên gác bếp từ mấy hôm trước mà bọn trẻ không tì̀m thấy…

Về trại giam cải tạo được hơn 2 năm nay thì Dụ mới có tên trong danh sách những người theo học lớp xóa mù. Thường thì các phạm nhân sau khi nhập trại sẽ được học nội quy rồi viết bản tự khai, trong đó nói rõ những ưu, khuyết, nghề nghiệp, sở thích của mình để cán bộ phân công việc làm phù hợp. Dụ được về đội khâu bóng song vì mắt kém, lại mắc bệnh gai cột sống nên ông ta được giao nhiệm vụ đi thu bóng sản phẩm về đóng gói.

Vì không biết chữ nên những ngày nghỉ, Dụ được theo học ở lớp xóa mù. Ông ta là thành phần chậm tiến nhất trong lớp mặc dù rất chăm học, hầu như không vắng mặt buổi nào. Dụ đến lớp cho đủ mặt chứ nói đến chuyện học thì buồn hết chỗ nói bởi cứ ngồi dưới lớp thì không sao chứ hễ thầy giáo bảo đứng lên đọc bài là ông tai vò đầu bứt tai, xin được “về đi làm còn sướng hơn phải nghĩ cái chữ”. Chữ nhớ, chữ quên, Dụ bảo tại mình già rồi, trong đầu chỉ nghĩ tới rượu, tới con cháu ở nhà đang đói khổ trong khi bản thân trong này lại có cơm trắng để ăn nên “không còn chỗ để cất con chữ, làm chúng cứ vào tai này, lại chạy ra ngoài bằng tai kia” như lời Dụ thanh minh.

Hỏi Dụ 3 lần theo lớp học xóa mù, giờ đã viết được chữ nào chưa, ông ta cười cười rồi bảo có viết được thư gửi về nhà cũng chả có ai biết đọc. “Cán bộ khuyên thì biết thế thôi chứ mình già rồi, cái chữ nó chạy ra ngoài còn nhanh hơn vào tai, chẳng chịu ở yên trong đầu đâu”, Dụ thành thật.

Từ ngày vào trại đến giờ, Dụ chưa một lần nhận được tin gia đình nên trò chuyện với chúng tôi, ông ta bảo không biết ở nhà con cái sống thế nào nhưng chắc chắn một điều là cả 6 đứa đã lấy vợ lấy chồng hết cả rồi. Hỏi Dụ có mong gia đình xuống thăm không, ông ta im lặng một lúc rồi ngắc ngứ: “Ai chả muốn được gặp người thân nhưng mà nhà nghèo, không có ai xuống đâu. Thôi thì mình cứ ở đây cho đến khi nào cán bộ bảo về thì về thôi”...

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/niem-hao-huc-cua-mot-pham-nhan-khi-hoc-chu-vao-tuoi-luc-tuan-157878.html