Niềm đam mê nhiếp ảnh của cựu giáo viên Toán học

Dù đã bước sang tuổi 84, thế nhưng nhiều năm qua, cựu giáo viên Toán học Trường THPT Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẫn rong ruổi khắp dọc miền tổ quốc để thực hiện niềm đam mê với nhiếp ảnh. Những bức ảnh không quá thiên về nghệ thuật nhưng lại thể hiện được sự đam mê khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.

Tới thăm ngôi nhà của thầy giáo Hoàng Bảo Chính tại Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội vào chiều tháng 3 với những cơn gió se lạnh. Nhâm nhi li trà nóng, ông tự hào giới thiệu cho chúng tôi những tấm ảnh do chính ông chụp trong những chuyến tham quan cùng người thân, bạn bè và có khi là độc hành.

Đam mê nhiếp ảnh

Nói về cái duyên đến với nhiếp ảnh, thầy giáo Hoàng Bảo Chính cho biết, niềm đam mê nhiếp ảnh trong ông đã có từ khi còn trẻ. Thời đó còn là sinh viên, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thế nhưng vì đam mê chụp ảnh nên thầy đã mua một chiếc máy ảnh phim để tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi chụp cho bạn bè, từ đó phát hiện ra những góc máy đẹp.

Thầy Hoàng Bảo Chính chinh phục đèo Mã Pí Lèng huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.

Thầy Hoàng Bảo Chính chinh phục đèo Mã Pí Lèng huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.

Sau khi ra trường và nhận công tác giảng dạy tại Trường THPT Hoàn Kiếm, thầy dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy, nuôi dưỡng các mầm xanh cho đất nước. Những tiết học kéo dài cùng với những trăn trở trong nghề dường như đã lấy đi phần lớn thời gian của thầy. Thế nhưng, không vì bận rộn với công việc của trường mà thầy bỏ quên niềm đam mê với nhiếp ảnh, những ngày cuối tuần được nghỉ, thầy lại tranh thủ mang máy ảnh đi chụp cho các đồng nghiệp, học sinh, thậm chí là quang cảnh của trường để thỏa niềm đam mê.

Kết thúc quá trình công tác, thầy giáo Hoàng Bảo Chính quyết định sẽ dành thời gian nghỉ hưu để đi du lịch cho thỏa đam mê nhiếp ảnh. Dọc theo chiều dài Tổ quốc, từ Bắc vào Nam, dường như nơi nào cũng có dấu chân của ông để lại, càng đi nhiều thầy lại càng thêm mê đắm vẻ đẹp của quê hương, đất nước.

Không ngại khó, không ngại khổ, cũng chẳng sợ tuổi cao, cứ nghe ai mách chỗ này, chỗ kia đẹp vào lúc bình minh hay hoàng hôn thì thầy sẵn sàng thức dậy thật sớm để “săn” được những tấm hình đẹp.“Thông thường thì sẽ có 2 thời khắc tuyệt vời để chụp cảnh tò vò Lý Sơn đó là bình minh và hoàng hôn. Chụp hoàng hôn thì sẽ nhàn hơn rất nhiều vì mọi người sẽ đến đây chơi từ chiều và chờ hoàng hôn buông xuống. Để có bức hình ưng ý, mình đã phải thức dậy từ 4h sáng di chuyển từ chỗ nghỉ để tới cổng tò vò chờ bình minh khi mọi người còn đang say giấc.”- thầy Hoàng Bảo Chính chia sẻ.

Say đắm vẻ đẹp Tây Bắc

Dù đã khám phá mọi miền của đất nước, thế nhưng có lẽ đối với thầy Chính, Tây Bắc vẫn là nơi là ông yêu thích, là nơi ông gửi gắm nhiều nỗi ưu tư nhất. Theo thầy Chính, quang cảnh của miền núi không giống như các vùng miền khác mà ông từng đi qua. Khung cảnh miền núi thay đổi theo ngày, chỉ cần quan sát từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau là cũng có nhiều điểm khác biệt, ví dụ trời hôm trước hơi âm u và nhiều sương, tới sáng hôm sau trời hửng nắng, có thêm mây thì cảnh sắc lại thay đổi hoàn toàn.

Tình cảm đặc biệt thầy dành cho Tây Bắc được gửi gắm qua từng bức ảnh.

Những ngày mới về hưu, khi đi đến các tỉnh vùng cao, ông thường chọn xe máy làm phương tiện di chuyển chủ yếu. Thầy Chính cho biết: “Ban đầu di chuyển bằng xe máy qua những cung đường khó đi thì có đôi chút sợ, thế nhưng lâu dần rồi thành quen, nỗi sợ dường như tan biến chỉ còn lại niềm đam mê, càng đi nhiều lại càng thấy thiên nhiên đất trời còn nhiều điều mà mình chưa thể khám phá được hết.”

Trong các chuyến đi Điện Biên, Sơn La, thầy đều tự đi đến các bản bằng xe máy, những cung đường nhấp nhô, uốn lượn vòng cung ngày nắng thì khói bụi, ngày mưa thì trơn trượt không làm nhụt chí người thầy đam mê vẻ đẹp giản dị đi tìm “cái đẹp”. Và rồi, những cố gắng của thầy cũng được đền đáp bằng những bộ ảnh thiên nhiên hùng vĩ, những bộ ảnh sinh hoạt đời thường giản dị của đồng bào dân tộc vùng cao mà không phải nhiếp ảnh nào cũng có được, những bức ảnh vô giá đó chỉ có khi người chụp thực sự đam mê, dám nghĩ, dám làm.

Khi đã lớn tuổi, người ta mơ ước có một cuộc sống bình yên, thế nhưng với thầy Chính thì lại khác, bình yên của thầy là được tiếp xúc với những người dân ở nơi vùng sâu biên giới, thấu hiểu nỗi vất vả mà họ phải trải qua. Bình yên là được tự tay chụp lại những khoảnh khắc kỳ diệu của đất trời và cùng chia sẻ những kỷ niệm sau mỗi chuyến đi cho người thân, bạn bè.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng thầy Chính không khi nào bỏ lỡ cảnh đẹp thiên nhiên của vùng cao, đi tới đâu thầy cũng xin số của các chủ homestay để nắm được tình hình thời tiết, và từ đó, những chuyến đi không hẹn trước lại bắt đầu.

Một số hình ảnh về vùng cao của thầy giáo Hoàng Bảo Chính:

Ruộng bậc thang ngập nắng tại Hoàng Su Phì.

Săn mây ở Y Tý (Lào Cai) và Tà Xùa (Sơn La).

Mộc Châu với mùa hoa mận trắng rừng và hoa cải nở rộ.

Vẻ đẹp trong lao động của thiếu nữ vùng cao.

Lương Hằng - Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/niem-dam-me-nhiep-anh-cua-cuu-giao-vien-toan-hoc-88818.html