Ni sư Hương Tràng và câu chuyện tình yêu, tình bang giao Chiêm - Việt

Gần 150 phút kiên trì trong không gian không rộng và kín đặc khán giả của Rạp Đại Nam (Hà Nội), cố nghển cổ từ hàng cuối cùng để có thể xem trọn buổi tổng duyệt của vở cải lương 'Ni sư Hương Tràng' của Nhà hát Cải lương Trung ương. Nhưng không một phút nào trong 150 phút ấy thấy lãng phí. Một đêm trọn vẹn cho sân khấu, một đêm trọn vẹn cho mối tình Chiêm - Việt giữa Chế Mân và Huyền Trân Công chúa, một đêm trọn vẹn cho những con người luôn biết hi sinh vì nghĩa lớn, vì quốc gia, dân tộc.

Đại sư và Vua Chế Mân đã trở thành những người bạn thân thiết, qua đó, mối bang giao Chiêm - Việt cũng được gắn kết, keo sơn.

Xuyên suốt câu chuyện là tình yêu, là mối bang giao Chiêm - Việt. Và cũng là cuộc đời hy sinh tới trọn vẹn, tới giây cuối của người con gái đất Đại Việt: Huyền Trân Công chúa.

Hy sinh vì nghĩa lớn

Ở đó, có vị Đại sư, vốn là Đức vua Trần Nhân Tông, vì nền độc lập, vì mối bang giao Chiêm - Việt, đã luôn canh cánh tìm cách để giữ “sợi dây ràng buộc” giữa hai nước. Ban đầu, đó là việc ông thân chinh sang xứ Chiêm Thành, dùng cái đức, cái nhân của mình để cảm hóa và biến vua Chiêm Thành là Chế Mân thành đồng minh.

Tiếp sau, là việc ông hy sinh người con gái vừa tuổi trăng tròn Huyền Trân, dù xót xa rằng con “tuổi đời thơ ngây cần vòng tay che chở của mẹ hiền”, lẽ ra chỉ đang vô tư “vờn hoa đuổi bướm”, “ngắm trăng ngà”… để gả con sang xứ xa, mịt mùng không biết ngày về “cố hương xa vời, ngày về ai biết ai hay”.

Dẫu hiểu rằng con đó là vì “làm thân con gái sinh ra giữa cảnh nước non nguy biến, vượt qua thường tình nữ nhi” để “vì chữ hiếu với cha, vì chữ trung với nước”… nhưng người làm cha nào nỡ để con mình rơi vào bể khổ. Nhưng, cũng như Huyền Trân đã xác định, và mang thân là Thái thượng hoàng, là Đại sư phải đặt quốc gia, dân tộc lên trên hết, nên Đại sư cuối cùng cũng đã gả con đi…

Thiết kế sân khấu công phu, trang phục đẹp, đầu tư... là những điều giúp vở diễn thêm thành công.

Còn nhớ cái chần chừ rất “con người” của ông trong giây phút Chế Mân thổ lộ muốn sau này kết nghĩa trăm năm với Huyền Trân trong cảnh đầu của vở diễn. Thế nên mới biết, người cha này cũng đã hy sinh biết bao vì quốc gia, dân tộc; vì nền độc lập lâu bền.

Với bản thân Huyền Trân, nàng cũng là một sự hy sinh trọn đời, một sự hy sinh có lẽ bao nhiêu sự ghi nhận, cũng là chưa đủ. Vừa tuổi trăng tròn, mang theo nỗi nhớ ngày đêm rưng rưng lệ với quê nhà, với cha mẹ; nhớ từ “thành Thăng Long”, nhớ từ cánh chim chiều về tổ, nhớ từ tiếng trống báo tin thắng trận của Vua Cha trở về… nhưng tấm thân mảnh mai ấy đã chấp nhận, đến bên Chế Mân, như một “đại sứ” để gìn giữ mối bang giao.

Mối tình đẹp như thơ

Nhưng cũng thật may mắn cho Huyền Trân, bởi trong mối tình “chính trị” ấy, nàng đã gặp được một quân vương đáng cho nàng hy sinh. Chế Mân trong vở diễn mới đẹp làm sao, đáng là minh quân, đáng được tôn vinh, đáng được trân trọng và đáng được yêu làm sao.

Rất sớm, Chế Mân đã tìm ra con đường để đảm bảo cho Chiêm Thành đời đời bền vững, đó là sự hòa hiếu, bang giao với quốc gia Đại Việt, cảnh giác với các thế lực ngoại xâm. Người cũng hiểu việc cần phải "mở rộng" dòng màu Chiêm Thành, tránh hôn nhân "nội tộc", nhằm có một thế hệ tương mai khỏe mạnh, thông minh hơn; đưa Chiêm Thành phát triển mạnh mẽ hơn; là một quốc gia nhỏ nhưng "sức mạnh" không nhỏ.

Làm quân vương một nước, hậu cung cả ngàn người, nhưng vị quân vương “rất người” này vẫn muốn tìm cho mình một tình yêu đích thực, một tri âm tri kỷ, để cho mình có thể buông bỏ tất cả, dành trọn con tim. Vì vậy nên, ngay từ giây phút đầu, ngắm bức tranh Đại sư vẽ con gái nhỏ của mình, Chế Mân đã đem lòng yêu, rồi mê mẩn quyết cưới làm vợ.

Chế Mân vượt qua luật lệ để phong Huyền Trân làm Chánh cung.

Khi Huyền Trân đến bên cạnh mình, Chế Mân không hề ngần ngại, bất chấp luật lệ cũ rằng một nước không thể có 2 chánh cung và không thể phong một nữ tử không mang dòng máu Chiêm Thành là Chánh cung; để phong nàng làm Chánh cung Hoàng hậu Paramecvari, dù đã có một Chánh cung Hoàng hậu là Salimah.

Luôn thương yêu, trân trọng, hiểu những phẩm chất tốt đẹp của Huyền Trân.

Cũng chính Người, luôn thương yêu, trân trọng, hiểu những phẩm chất tốt đẹp của Huyền Trân, biến người con gái xứ xa thành người phụ nữ gắn bó keo sơn bên cạnh mình, nâng niu, che chở nàng từng giây, từng phút. Đó là lời dặn với hai nữ tì phải suốt ngày đêm bảo vệ Chánh cung, đó là việc muốn khi cả hai ở bên cạnh nhau, chỉ là Chế Mân và Huyền Trân; không phải là Jaya Simhavarman III hay Chánh cung Hoàng hậu Paramecvari…

Giây phút gắn bó của hai người dưới gốc Chăm pa.

Trong một tình yêu bao bọc đến thế, trong sự tôn trọng và nâng niu đến thế, có lẽ sự cô đơn, nỗi xa vắng quê hương cũng sẽ vợi bớt trong lòng Huyền Trân. Đẹp biết bao hình ảnh hai người ngồi dưới gốc Chăm pa, Chế Mân gối đầu lên chân Huyền Trân, còn nàng hát cho Người nghe bài dân ca “Con cò là cò bay lả, lả bay la….”. Với tình yêu ấy, nên giây phút đến Chiêm Thành, có lẽ Huyền Trân còn đơn độc; nhưng khi rời đi, nàng đã mang trong lòng ba tình yêu lớn lao: Tình yêu với Chế Mân, tình yêu với con trai Chế Đa Đa vừa ra đời và tình yêu với đất nước Chiêm Thành của chồng mình…

Tình yêu đẹp như mơ giữa Chế Mân và Huyền Trân.

Cuộc đời nàng, vì thế dù là bất hạnh triền miên, là cô đơn triền miên, là hy sinh triền miên; nhưng cũng tính là vẹn đầy, bởi đã được yêu và được sống trọn vẹn với tình yêu. Cái nhân văn của tác giả TS Bùi Hữu Dược và đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên là ở đó, khiến cho mối nhân duyên những tưởng chỉ là “chính trị” này bỗng trở nên mềm mại, nên thơ hơn; đáng để trân trọng hơn.

Người xem, nhờ thế cũng cảm nhận và bước vào câu chuyện, tìm hiểu lịch sử một cách tự nguyện hơn, không cảm thấy bị lên gân, không cảm thấy khô khan; dù đây thực sự là một câu chuyện của bang giao, của hòa hiếu, của bảo vệ quốc gia, dân tộc, của sự cảnh tỉnh luôn cần phải cảnh giác với những thế lực ngoại bang bao đời ngấp nghé đất nước chúng ta “dã tâm phương Bắc luôn rình mò ly gián”, “đũa bẻ từng chiếc”.

Mối tình Chế Mân - Huyền Trân đẹp là thế, nhưng cũng chính vì tình yêu ấy, vì những tư tưởng rất tiến bộ, rất con người ấy của Chế Mân; mà bi kịch cũng đã xảy ra. Lợi dụng sự ngu muội của người dân, lợi dụng lòng ghen tuông và thói ích kỷ của Chánh cung Hoàng hậu là Salimah…

Tể tướng Sulayman đã reo rắc nguy cơ về việc thần linh nổi giận do Đức Vua dám làm những việc trái luật lệ lâu nay, sẽ dùng sóng biển nhấn chìm cả đất nước Chiêm Thành; về một hoàng tử do Huyền Trân sinh ra, sẽ xóa bỏ đất nước Chiêm Thành; về việc Chiêm Thành sẽ bị Đại Việt xâm chiếm… để đánh vào lòng Chánh cung Hoàng hậu, các đại thần khác trong triều… hòng mọi cách hãm hại Chế Mân, chiếm ngôi để thực hiện tham vọng “bá chủ” đất nước, liên minh với Nguyên Mông…

Cái thòng lọng Tể tướng giăng ra, cứ từng bước thít chặt lại, thông qua Bà Bóng Pojau; thông qua câu chuyện kim độc khi các Chánh cung, Hoàng hậu… thêu thùa; thông qua việc trâm vàng của Chánh cung có độc… để rồi cuối cùng Chánh cung chết vì bị vu oan dùng trâm độc giết Vua, Đức Vua bị người làm vườn dùng cành cây mục giả tai nạn đè chết, Huyền Trân phải lên giàn hỏa thiêu… Jaya Simhavarman IV lên ngôi chỉ là bù nhìn, quyền hành rơi hết vào tay Nhiếp chính Tể tướng.

Giây phút Huyền Trân gặp lại Vua Cha sau khi được cứu khỏi giàn thiêu ở đất Chiêm Thành và bày tỏ mong muốn được quy y để “phát túc siêu phương”, với mong muốn "cùng chồng con mai sau tìm nhau nơi cực lạc, giúp cháu ngoại phụ hoàng dù ra sao cũng thảnh thơi dưới bóng Bồ đề, giúp muôn dân những người con thương kính và cả những kẻ tham tàn bỏ đường mê biết tìm bến giác, xa nẻo đường xấu ác, mà tới chốn bình yên".

Huyền Trân nhờ Vua Cha nên được cứu về Đại Việt. Lênh đênh trên biển 1 năm trời, hậu sản, ốm đau triền miền, chìm đắm triền miên trong nỗi đau mất chồng, xa con còn đỏ hỏn; trước một tương lai có phần mờ mịt… Khi trở về, “liệt nữ” đã chọn cách quy y làm ni sư Hương Tràng, nhưng cũng không thoát đời, vẫn ngày ngày chữa bệnh cứu người, dạy dân cách trồng cây, chăn nuôi gia súc…

Ni sư Hương Tràng một đời thanh tao như đóa bạch liên, đó là điều tác giả và đạo diễn muốn gửi gắm.

Bảo cuộc đời Huyền Trân làm “liệt nữ”, đời đời tôn vinh, nhưng có bất hạnh không. Thì rằng có. Ngòi bút của tác giả, các “ngón nghề” mà đạo diễn đã rút ruột để xây dựng, nâng niu nàng đã cho thấy nỗi đau người phụ nữ, khi cuối đời vẫn cô độc, đến con cũng không nỡ nhận, bởi vẫn muốn trọn vẹn vì nước, vì dân. Bởi trên đôi vai nhỏ ấy vẫn canh cánh nỗi niềm mà người cha giao phó: Biến Đại Việt thành nơi “Cây thành thần mộc. Đá hóa thạch linh. Người người có đạo. Giặc nào khôn kinh”.

Vở diễn được đầu tư công phu, tỉ mỉ từ từng trang trí sân khấu, từng trang phục của diễn viên, từng cảnh diễn, từng điệu múa, câu hát. Các diễn viên diễn ngọt, hát chuẩn, khiến những tràng vỗ tay không thể không ngớt vang lên. Và là một vở diễn về đạo Phật, thì cũng quá thành công, khi với sự tư vấn của Ban Ni giới (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), mỗi câu, mỗi từ đều rất chuẩn theo Phật giới. Đáng để trân trọng!

Tuyết Anh/ Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/ni-su-huong-trang-va-cau-chuyen-tinh-yeu-tinh-bang-giao-chiem-viet-20171028000631526.htm