NI: Mỹ giăng bẫy Nga bằng B-52

NI đề cập 'âm mưu' của Mỹ nhử Nga bằng 'mồi câu' B-52, sau đó dùng máy bay do thám thu thập dữ liệu về khả năng đánh chặn của Nga.

B-52 khuấy đảo trời Âu

Tờ National Interest (NI) của Mỹ mới đây có bài phân tích về những động thái của nước này liên quan tới tình hình Biển Đen. Theo NI, căng thẳng ở khu vực này thời gian qua đến từ trên không, khi máy bay Mỹ xuất hiện sát không phận của Nga. Từng có những thời điểm các vụ việc tương tự được báo cáo từ 2-3 lần/tuần, và máy bay Su-27 của Nga thường xuyên được điều động để ngăn chặn máy bay do thám của Hải quân Mỹ.

Đỉnh điểm được ghi nhận vào cuối tháng 8 vừa qua khi máy bay ném bom chiến lược Mỹ, hiện tham gia trong thành phần Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xâm phạm không phận Nga.

Diễn biến sau đó nhanh chóng trở thành một hành động khiêu khích khi 1 trong các máy bay ném bom, chiếc B-52 được trang bị vũ khí hạt nhân, bay thẳng tới Biển Đen và hướng về vùng trời của Nga.

Moscow nhanh chóng triển khai lực lượng để ngăn chặn, một phản ứng mà Mỹ cho là “thiếu chuyên nghiệp”, như các tuyên bố thường lệ. Cùng thời điểm đó, một máy bay do thám của Mỹ cũng vướng vào vụ việc tương tự.

Mỹ liên tiếp điều động B-52 khuấy đảo bầu trời khu vực Biển Đen

Mỹ liên tiếp điều động B-52 khuấy đảo bầu trời khu vực Biển Đen

NI dẫn ý kiến giới phân tích đánh giá rằng tất cả không phải là tình cờ, mà là một “âm mưu” của Mỹ, nhử Nga bằng “mồi câu” B-52 và sau đó dùng máy bay do thám để thu thập dữ liệu về khả năng đánh chặn của Nga.

Chiếc B-52 được nói đến ở trên, số hiệu NATO01, được sản xuất vào năm 1961 tại thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Những gì diễn ra chính xác là điều mà giới chức quốc phòng Nga suy nghĩ về tấn công hạt nhân ở thời điểm đó.

Khi Nga đang nỗ lực ngăn chặn các máy bay do thám của Mỹ, một chiếc B-52 xuất hiện gần căn cứ của Hạm đội Biển Đen. Kết quả, Nga chỉ có thể kết luận rằng đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, và việc ngăn chặn ngay lập tức là cần thiết.

Theo NI, việc Mỹ cáo buộc Nga có hành động “ngăn chặn không an toàn” càng phản ánh vấn đề thực sự là chính chiến dịch mà Mỹ tiến hành không hề an toàn, đầy tính khiêu khích bởi sự hiện diện của vũ khí hạt nhân và đem đến nguy cơ xảy ra những hiểu lầm có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là nguy cơ chấm dứt nền văn minh nhân loại, một đặc trưng của cơn ác mộng Chiến tranh Lạnh.

Su-27 của Nga áp sát chiếc B-52 của Mỹ trên Biển Đen

Những đánh giá được đưa ra khi ngày 28/8 khi hai chiếc Su-27 của Nga áp sát một chiếc B-52 của Mỹ bay trên Biển Đen trong một thao tác bị Mỹ đánh giá là nguy hiểm.

Ngày 4/9, Mỹ lại cho máy bay ném bom chiến lược B-52H bay đến vùng Ukraine gần Biển Đen. Một lần nữa, Nga lại điều tiêm kích lên theo dõi và ngăn không cho máy bay Mỹ tiến vào không phận Nga.

Khiêu khích để... tiêu tiền?

Hoạt động do thám năng lực của các mẫu máy bay Su-27 và Su-30 – lần lượt được phiên chế cho quân đội Nga từ 43 và 21 năm trước - chỉ là bề nổi trong chiến dịch của Lầu Năm Góc, bởi đây vốn là những khí tài đặc trưng và quan trọng nhất của quân đội Nga.

NI cho rằng, nhiều thập kỷ trước, công tác tình báo về các mẫu khí tài mới có thể là điều đặc biệt quan trọng, song điều đó không còn đúng ở thời điểm hiện tại. Nhưng tại sao Mỹ lại có những động thái như vậy?

Theo NI, câu trả lời rất có thể chính là để Washington hợp lý hóa chi tiêu ngân sách quốc phòng khổng lồ hàng năm, nguồn tiền dùng để duy trì sự hiện diện trong cuộc chiến với nhiều cường quốc khác, đặc biệt là Nga.

Điều này nhiều khi đồng nghĩa với việc phải khiêu khích, và viện cớ để biện hộ cho những hành vi kích động rủi ro. Và đó chính là nguyên nhân vì sao máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ đã không ít lần tiếp cận không phận Nga.

Chính người Mỹ đang nghi ngờ Lầu Năm Góc lợi dụng Nga để tiêu tiền ngân sách

Tờ báo Mỹ nhấn mạnh, nước này nên căn cứ vào trách nhiệm, chứ không phải là động cơ chính trị, khi tiến hành các hoạt động quân sự. Dù điều này có thể là trái ngược với giới quân sự, song ưu tiên nên luôn là việc tránh khiêu khích một cuộc xung đột hạt nhân quy mô toàn cầu.

NI đánh giá, năm 2020, với nỗ lực không ngừng nhằm cứu vãn thỏa thuận giới hạn vũ khí hạt nhân, mục tiêu mà người ta cần hướng đến là duy trì một sự bảo đảm rằng các quốc gia có năng lực hạt nhân không phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công phủ đầu bằng loại vũ khí hủy diệt này. Những bảo đảm đó sẽ tạo dựng một môi trường hiệu quả hơn để tiến tới đàm phán, đồng thời hạn chế những nguy cơ va chạm đầy rủi ro.

Không chỉ vậy, giới chức quân sự cũng cần loại bỏ điều được xem như mục đích chính thức của chiến dịch vừa qua – thể hiện tinh thần đoàn kết của NATO – để tránh gây ra những hiểu lầm không đáng có. Triển khai máy bay ném bom không nên là cách trấn an các đồng minh trong NATO.

Thay vào đó, NI cho rằng điều nên hướng đến là sửa đổi hiệu quả trong Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START). Tờ báo này khẳng định đây là thời điểm quan trọng để các bên xúc tiến đàm phán, và đó mới chính là điều cần được ưu tiên.

Nga dễ dàng sập bẫy?

Trở lại với mục đích thực sự khi Mỹ đưa B-52 đến Biển Đen, chuyên gia phân tích quân sự David Axe của tạp chí Forbes cho rằng các phi vụ này thực ra là một cái bẫy mà NATO và Mỹ giăng ra để thu thập thông tin tình báo về hệ thông phòng không Nga ở châu Âu nói chung và ở khu vực Biển Đen nói riêng.

Trong bài viết ngày 4/9 mang tựa đề: “Một chiếc B-52 Mỹ lại đặt cái bẫy tình báo khác để gài phía Nga”, chuyên gia quân sự này đánh giá sự việc ngày 28/8 giữa một chiếc B-52H của Mỹ với hai chiến đấu cơ Su-27 của Nga để khẳng định rằng trong thực tế chiếc B-52 chỉ là mồi nhử của một cái bẫy mà Nga đã rơi vào.

B-52 chỉ là mồi nhử của Mỹ và NATO?

Theo David Axe, cái bẫy đó đã được lên kế hoạch cẩn thận, dựa trên tiền đề là khi máy bay ném bom chiến lược Mỹ xuất hiện trong khu vực, dứt khoát là Nga phải kích hoạt hệ thống phòng không của họ. Do vậy, cùng lúc với việc cho B-52 đi vào vùng nhạy cảm, Mỹ đã bố trí gần đấy 2 chiếc máy bay do thám điện tử RC-135V/W Rivet Joint, thường được Mỹ và Anh sử dụng để theo dõi hoạt động không quân của địch thủ.

Không quân Mỹ chỉ có 17 chiếc RC-135V/W, còn Không quân Anh có 3 chiếc. Việc NATO sử dụng hai chiếc trong cùng một chiến dịch đủ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này đối với Liên minh.

Trong lúc hai chiếc Su-27 bay lên chặn đường chiếc B-52, hai máy bay do thám Mỹ đã tiến hành thu thập những dữ liệu “bổ ích” về hệ thống cảm biến và liên lạc của Nga, những thông tin cho phép đánh giá năng lực phòng thủ của Nga.

Trong sự việc ngày 4/9, một chiếc B-52 bay ngang qua Ukraine và sát cạnh Biển Đen, chỉ cách nơi đóng quân của Nga ở bán đảo Crimea vài dặm. Cùng thời điểm, một cặp máy bay do thám RC-135V/W lại bay trên Biển Đen, ở một khoảng cách đủ để thu thập tín hiệu từ các radar theo dõi chiếc B-52.

Máy bay do thám RC-135W của Mỹ

Qua những sự kiện kể trên, David Axe kết luận Mỹ và các đồng minh trong NATO không chỉ phô trương lực lượng, mà hoạt động của B-52 và máy bay do thám RC-135V/W là giúp thu thập thông tin chiến lược về lực lượng Nga tại Crimea cũng như ở xung quanh bán đảo này.

Nếu chiến tranh nổ ra, các dữ liệu này có thể giúp vô hiệu hóa hay tiêu diệt hệ thống phòng không của Nga trong khu vực. Các phản ứng đáp trả của Nga, không chỉ qua việc đưa chiến đấu cơ ngăn chặn trên không, mà còn qua các động thái trên biển và trên đất liền cũng cung cấp cho các chiếc máy bay do thám RC-135V/W rất nhiều dữ liệu quan trọng.

Không qua được mắt Nga

Ở chiều ngược lại, hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ và NATO cũng là một cơ hội đối với Nga vì không phải lúc nào Nga cũng có cơ hội theo dõi, săn đuổi, ngăn chặn máy bay Mỹ bay diễn tập trên không phận Crimea. Theo David Axe, Nga thừa biết là mình bị máy bay Mỹ theo dõi.

Những chiếc B-52 và RC-135 thường bay với hệ thống truyền tín hiệu nhận dạng được bật lên, có nghĩa là máy bay xuất hiện trên màn ảnh hệ thống kiểm soát không lưu dân sự, cho dù không loại trừ khả năng máy bay giám sát của NATO tắt hệ thống truyền tín hiệu khi hoạt động.

Một chiếc Tu-214R của Nga

Để đối phó với các hoạt động của máy bay Mỹ và NATO, Nga đã có nhiều biện pháp. Trong lần hoạt động thứ hai của chiếc B-52 hôm 4/9 vừa qua, 1 trong 5 chiếc máy bay do thám Tu-214 của Không quân Nga đã cất cánh từ căn cứ gần Moscow và bay đến Biển Đen, đến nơi hầu như trong cùng một thời điểm với chiếc B-52 và RC-135.

Chiếc Tu-214 này có khả năng làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các liên lạc vô tuyến giữa các lực lượng Nga theo dõi máy bay NATO. Khi đó, 8 máy bay chiến đấu Nga gồm 4 chiếc Su-27 và 4 chiếc Su-30 cũng bay lên để bám theo chiếc B-52 Mỹ.

Theo David Axe, chuyện lực lượng Nga sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của máy bay do thám NATO cho thấy đối với Moscow, kinh nghiệm mà họ gặt hái được trong việc huy động lực lượng phòng không quan trọng hơn là thông tin bị tiết lộ cho các nhà phân tích của NATO trong tiến trình phản ứng.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ni-my-giang-bay-nga-bang-b-52-3419198/