NI đặt dấu hỏi nghi ngờ ông Trump trước bầu cử?

'Tại sao Tổng thống lại e dè trước Vladimir Putin, truyền bá thông tin sai lệch của Nga, điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với Điện Kremlin'.

Những câu hỏi hoang mang

Trang National Interest (NI) của Mỹ mới đây có bài viết lật lại vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 với câu hỏi: Liệu Donald Trump có phải là một nhân viên đặc vụ của Nga? NI đã dẫn ra một số ý kiến hoài nghi điển hình của chính người Mỹ về vấn đề này.

Theo NI, một cuộc điều tra của Mỹ do công tố viên đặc biệt Mueller tiến hành về mối quan hệ giữa ông Trump và Nga đã kết luận “không chứng minh được rằng các thành viên trong Chiến dịch tranh cử của ông Trump có âm mưu hoặc phối hợp với chính phủ Nga trong các hoạt động can thiệp của Moscow vào bầu cử Mỹ”.

Tuy nhiên, Tim Weiner, một cựu phóng viên tờ New York Times, lập luận rằng các điều tra viên đơn giản là né tránh câu hỏi liệu Trump có phải là điệp viên của Nga hay không, đồng thời tập trung vào vấn đề hẹp hơn là sự thông đồng liên quan đến bầu cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tim Weiner nói: “Chúng ta vẫn không biết tại sao Tổng thống lại e ngại trước Vladimir Putin, truyền bá thông tin sai lệch của Nga, điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với Điện Kremlin và bác bỏ những báo cáo về Nga treo tiền thưởng săn lính Mỹ. Chúng ta vẫn không biết liệu ông Putin có bắt thóp ông ta điều gì hay không”.

Theo NI, quan điểm cho rằng biện pháp tiếp cận của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh đối với Nga và các nơi khác trên thế giới đã thất bại và cần phải cần suy xét lại, hoặc một tổng thống Mỹ có lý do để đặt ra nghi vấn về những đánh giá hay động cơ chính trị của Cộng đồng Tình báo, vốn dường như không tồn tại đối với cựu phóng viên này.

Cũng theo NI, quan điểm trên đã bị luật sư Andrew Weissman của Mueller và điều tra viên Peter Strzok của Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) bỏ qua. Mỗi người đang bán cuốn sách của riêng mình giải thích lý do tại sao họ đã đúng ngay từ đầu khi nghi ngờ ông Trump “phản quốc”. Tuy nhiên, tất cả đến nay đều không tiết lộ bất cứ bằng chứng nào đối với sự nghi ngờ này.

Thay vào đó, giống như phóng viên Weiner, họ coi việc ông Trump từ chối “tôn trọng quan điểm thông thường của người Mỹ coi Nga là mối đe dọa” là cơ sở để nghi ngờ lòng trung thành của ông. Strzok khẳng định rằng ông Trump “không thể đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, ông ấy hành động với những động cơ bí mật, bởi có sức ép đối với ông, đặc biệt do người Nga nắm giữ hoặc cũng có thể từ những người khác”.

Giống như Weiner, Weissman và Strzok đề nghị rằng nếu các điều tra viên cố gắng tiếp cận hồ sơ tài chính của ông Trump thì có thể làm sáng tỏ bí ẩn không thể giải thích được về những quan điểm không chính thống của Tổng thống Trump về Nga.

Không ít người Mỹ tin rằng Tổng thống của họ "khúm núm" trước người đồng cấp Nga

NI cũng dẫn ý kiến của Alexander Vindman, cựu nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) từng cáo buộc Tổng thống lợi dụng chính sách đối ngoại để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị trong nước của ông. Theo Vindman, ông Trump không nhất thiết bị Điện Kremlin tống tiền, nhưng đang thúc đẩy những tham vọng của Nga, có lẽ đơn giản bởi vì ông Trump ngưỡng mộ Tổng thống Nga Putin.

NI cho rằng những cáo buộc như trên chỉ “đầu độc” các mối quan hệ giữa Tổng thống Trump với cộng đồng tình báo Mỹ, tạo ra một môi trường khiến Mỹ phải có cách tiếp cận đối đầu ngày càng cứng rắn đối với Nga. Cách tốt nhất để ông Trump chống lại những cáo buộc “về phe” Nga là áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt và biện pháp quân sự cứng rắn hơn bất kỳ biện pháp nào mà Mỹ đã áp đặt kể từ khi công nhận chính phủ Liên Xô năm 1933.

Nỗi ám ảnh của người Mỹ

Ngày 18/8, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã ra một báo cáo công khai kết luận rằng Nga đã lợi dụng gián điệp chính trị đảng Cộng hòa Manafort và trang tin Wikileaks để nỗ lực hỗ trợ Tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Donald Trump – giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Hãng tin AP cho biết bản báo cáo dài gần 1.000 trang, là bản thứ năm và cũng là cuối cùng của Ủy ban Tình báo Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát về cuộc điều tra xung quanh sự can thiệp của Nga, đã nêu chi tiết cách thức Nga phát động âm mưu gây hấn nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.

Lật lại cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, người Mỹ muốn tiếp tục cuộc đối đầu ngày càng cứng rắn hơn với Nga?

Báo cáo kết luận rằng nhân vật điều hành chiến dịch tranh cử của Trump từng có liên hệ thường xuyên với một sĩ quan tình báo Nga, trong khi các phụ tá khác của ông Trump cũng nhiệt tình khai thác sự hỗ trợ của Kremlin, đặc biệt là bằng cách tối đa hóa sự tác động của vụ tiết lộ nội dụng các thư điện tử của đảng Dân chủ bị các nhân viên tình báo Nga đánh cắp.

Còn theo Reuters, báo cáo dài 966 trang này cho biết WikiLeaks đã đóng vai trò then chốt trong những âm mưu của Nga nhằm hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump chống lại ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton, và khả năng là họ cũng nhận thức được rằng họ đang giúp đỡ tình báo Nga.

Báo cáo nhấn mạnh đích thân Tổng thống Putin là người chỉ đạo các âm mưu của Nga tấn công nhằm vào các mạng lưới máy tính và các tài khoản có liên kết với Đảng Dân chủ và rò rỉ thông tin hủy hoại bà Clinton.

Tự tưởng tượng ra một hình ảnh đáng sợ cũng là một "căn bệnh"

AP cho biết một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo là về mối quan hệ công việc giữa cựu lãnh đạo đội ngũ tranh cử của ôngTrump, ông Paul Manafort và Konsstantin Kilimnik, người mà ủy ban này mô tả là một sĩ quan tình báo Nga. Báo cáo nêu rõ cách Manafort chia sẻ các số liệu thăm dò trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với Klimnik và nói rằng có “một số bằng chứng” cho thấy Klimnik có liên quan đến âm mưu của Nga nhằm đánh cắp và phát tán các thư điện tử của đảng Dân chủ, mặc dù thông tin này vẫn đang được kiểm chứng.

Ủy ban Tình báo Đặc biệt của Thượng viện Mỹ cáo buộc Manafort thông đồng với người Nga, trong đó có nhân vật Oleg Deripaska và “sĩ quan tình báo Nga” Konstantin Kilimnik, trước, trong và sau cuộc bầu cử. Ủy ban nhấn mạnh rằng vai trò và sự gần gũi của Manafort với ông Trump đã tạo cơ hội cho giới tình báo Nga, đồng thời tuyên bố rằng “khả năng tiếp cận ở cấp cao và sự sẵn lòng chia sẻ thông tin với những cá nhân có quan hệ thân thiết với các nhân viên tình báo Nga của Manafort… đã đặt ra một mối đe dọa phản gián nghiêm trọng”.

Khi được hỏi về báo cáo trên tại một sự kiện ở Yuma, bang Arizona, ông Trump nói với báo giới: “Tôi không biết gì về báo cáo này. Tôi cũng chưa đọc nó. Tất cả chỉ là một trò lừa bịp”.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ni-dat-dau-hoi-nghi-ngo-ong-trump-truoc-bau-cu-3419836/