Nhượng quyền thương mại: Giải 'bài toán' chính sách

Việt Nam đang là thị trường nhượng quyền thương mại (NQTM) tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các thương hiệu quốc tế lớn cũng như trong nước. Tuy nhiên, NQTM vẫn còn mang tính sơ khai, thiếu cơ chế, chính sách quản lý và thúc đẩy…

Bắt đầu sôi động

Tính từ năm 2007 đến hết 2018, Việt Nam đã cấp phép cho 213 doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ẩm thực, thời trang, cửa hàng tiện lợi… với những thương hiệu lớn như McDonalds, Baskin Robbins (Hoa Kỳ), Pizza Hut, Burger King (Singapore), Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensens (Malaysia), Karren Millen, Coast London (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi (Italia)…

Một số thương hiệu nước ngoài đã NQTM thành công tại Việt Nam

Một số thương hiệu nước ngoài đã NQTM thành công tại Việt Nam

Trong khi đó, DN trong nước cũng bắt đầu nhượng quyền để làm "đòn bẩy" phát triển thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu. Trung Nguyên là hình mẫu tiên phong tại Việt Nam thực hiện nhượng quyền thương hiệu, tiếp đến Phở 24, Kinh Đô Bakery, thời trang Ninomax, Foci, giày dép T&T, Công ty TNHH Vũ Giang… Trong đó, Phở 24, DN tư nhân Đức Triều (kinh doanh sản phẩm giày dép da, túi xách thương hiệu T&T) và Công ty TNHH Vũ Giang (kinh doanh cà phê Bobby Brewers) đã được cấp phép nhượng quyền ra nước ngoài.

Lĩnh vực nhận NQTM từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất ở Việt Nam là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng chiếm 41,31%; cửa hàng bán lẻ khác chiếm 15,49% (nội thất, mỹ phẩm, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng khác…); thời trang chiếm 14,08%; giáo dục - đào tạo (11,47%)… Riêng trong năm 2018, đã có 17 DN nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với những thương hiệu như JYSK A/S (Đan Mạch - chuyên đồ gia dụng, trang trí); Puma SE (Đức - giày và quần áo thể thao); Factory Japan Group (Nhật Bản - massage)…

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương – đơn vị đang thực hiện Đề án phát triển lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, NQTM tại Việt Nam đã phát triển khá nhanh, góp phần đa dạng hóa hình thức kinh doanh thương mại. Hoạt động nhận NQTM từ các DN nước ngoài của các DN Việt Nam trong 3 năm lại đây tiếp tục có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, hoạt động NQTM của DN trong nước góp phần giúp DN Việt Nam không chỉ có chỗ đứng trên thị trường nội địa, mà còn thực hiện NQTM ra nước ngoài. Hiện trên địa bàn cả nước có nhiều thương hiệu kinh doanh được chuyển nhượng, ước khoảng 200 thương hiệu đang hoạt động, tập trung vào mặt hàng thực phẩm, thời trang, cửa hàng bán lẻ.

Thiếu chính sách quản lý

Vì là lĩnh vực kinh doanh còn mới mẻ, hoạt động NQTM của các đối tác nước ngoài cho các DN Việt Nam chủ yếu mới dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (độc quyền), hay còn gọi là phát triển hệ thống chuỗi. Rất ít thương hiệu quốc tế phát triển hình thức NQTM cấp 2, tức là đối tác cấp 1 tiếp tục được nhượng quyền từng chi nhánh, hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo như cách làm tại các thị trường phát triển.

Đối với hoạt động NQTM của các DN trong nước, do các DN này không có trách nhiệm phải đăng ký và báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước nên rất khó kiểm soát. DN NQTM thường gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát hoạt động của hệ thống do phần lớn quy mô vừa và nhỏ, yếu kém năng lực quản lý. Trong khi đó, để NQTM, ngoài việc sở hữu một thương hiệu đủ mạnh thì yếu tố quan trọng nhất là phải đủ năng lực quản lý và kiểm soát hệ thống, trong khi, ngoài năng lực quản lý còn yếu, DN Việt Nam ít quan tâm đến bảo hộ thương hiệu. Hoạt động NQTM của các DN Việt Nam ra nước ngoài quá ít, hầu hết không thành công.

Nguyên nhân do nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ phát triển NQTM trong và ngoài nước. Hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến NQTM còn có sự chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý tranh chấp liên quan đến NQTM. Pháp luật về NQTM chủ yếu chỉ mới giới hạn trong phạm vi điều chỉnh đối với bên nhượng quyền, trong khi bên nhận nhượng quyền cũng là chủ thể liên quan trực tiếp đến các tranh chấp, quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với các DN nhượng quyền của Việt Nam, đa số chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng thương hiệu mạnh cũng như bảo vệ thương hiệu. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu nội địa mạnh và uy tín, do đó vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền. Năng lực về tài chính, kỹ thuật và con người của các DN Việt Nam còn nhiều hạn chế, làm giảm khả năng nhượng quyền lẫn nhận NQTM. Bên cạnh đó, DN Việt Nam NQTM ra nước ngoài chưa xây dựng được mô hình chuẩn.

NQTM của các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam phát triển nhanh, chiếm thị phần lớn, trong khi NQTM thương hiệu trong nước phát triển thiếu bền vững, tính tự phát cao, không chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Hệ thống chính sách, pháp luật chưa đầy đủ để thúc đẩy và quản lý.

Lan Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhuong-quyen-thuong-mai-giai-bai-toan-chinh-sach-123979.html