Nhượng quyền khai thác đường Cầu Giẽ-Ninh Bình: Định giá cho đúng

Tại sao dự án đã thu phí được 7 năm, doanh thu ngày càng tăng mà vẫn giữ nguyên mức định giá cũ và thời gian thu cũ (30 năm)?

Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại xây dựng phương án nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với trị giá ước tính sẽ là 9.171 tỷ đồng, trong thời gian 30 năm.

VEC bội thu nhờ thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VnEconomy

VEC bội thu nhờ thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VnEconomy

Theo phương án này, cơ cấu nguồn vốn đầu tư VEC đề xuất vốn chủ sở hữu chiếm 30% giá trị nhượng quyền, trong đó phần vốn góp của VEC là 29% và phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%. Lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu của VEC và nhà đầu tư chiến lược trong khoảng 12-14%.

Thực chất, đây là mức giá từng được VEC đề xuất trong phương án trình lên bộ GTVT năm 2017.

Bình luận về phương án trên, GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng cần phải làm minh bạch tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu phí của dự án kéo dài trong bao nhiêu năm.

Về tổng mức đầu tư, GS Đặng Đình Đào cho rằng, nhiều trường hợp bắt tay khai khống chi phí, đẩy mức vốn đầu tư lên cao để kéo dài thời gian thu phí. Trường hợp đó có xảy ra với dự án này hay không, rất cần được làm rõ.

Bởi khi nhượng quyền khai thác cũng đồng nghĩa với việc bán lại số thời gian thu phí nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư có lãi.

Trong trường hợp này, nếu không công khai, minh bạch thì từ một trạng thái vốn đã nhập nhèm, tiêu cực lại chuyển sang một trạng thái khác nhiều nguy cơ nhập nhèm, tiêu cực hơn. Đó là khả năng công ty sân sau đứng ra mua lại quyền khai thác tại dự án, khi tổng vốn đầu tư chưa được xác định rõ ràng, hoặc có yếu tố bắt tay đẩy tổng vốn tăng lên thì cả bên bán và bên mua đều có lợi nhưng cái lợi ở đây lại thuộc về phía nhà đầu tư đứng ra mua lại dự án và lợi cho một số người thuộc nhóm lợi ích trong khi đó, người thiệt nhất chính là người dân do phải đóng phí cao, thời gian kéo dài.

Chưa hết, trong trường hợp VEC góp vốn với nhà đầu tư theo tỉ lệ 29%/71% trong tổng số 30% số vốn chuyển nhượng, nếu không có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn thu thì nguy cơ thất thoát cũng rất dễ xảy ra.

Nhất là trong bối cảnh có nhiều lùm xùm tại BOT về những nguy cơ giấu doanh thu, thu nhiều báo ít nhằm chia lợi riêng chưa được khắc phục triệt để thì không loại trừ cũng có thể sẽ xảy ra với dự án này.

Về thời gian thu phí, việc xác định thời gian thu phí phụ thuộc vào xác định tổng vốn đầu tư. Theo phương án nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được VEC đề xuất với trị giá ước tính sẽ là 9.171 tỷ đồng, trong thời gian 30 năm là rất mơ hồ, chưa đủ căn cứ.

Bán quyền khai thác đường Cầu Giẽ-Ninh Bình: Tránh lợi ích nhóm

Muốn xác định mức giá chuyển nhượng cũng như thời gian khai thác phải căn cứ trên tổng mức đầu tư thực chi cho dự án; lưu lượng các phương tiện qua lại và mức phí thu trên mỗi đầu xe đi qua.

"Trước đó, đại diện VEC cho biết, nếu thu 2.500 đồng/km, sau 30 năm mới hòa vốn nhưng sau đó, dự án chính thức thu phí từ ngày 6/7/2012, với mức phí cao nhất là 280.000 đồng/lượt và thấp nhất là 70.000 đồng/lượt.

Hơn nữa, báo cáo 6 tháng đầu năm 2018, VEC đã phục vụ thông suốt 20,18 triệu lượt phương tiện, tăng 10%. Do đó, doanh thu thu phí năm 2018 tăng 15% so cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, khi định giá bán rõ ràng phải tính toán đầy đủ các yếu tố này. Ví dụ, một cơ sở kinh doanh đông khách, địa điểm hấp dẫn kinh doanh tốt thì phải được định giá khác với những địa điểm khác, ít khách hơn.

Nhưng tại sao dự án đã thu phí được một thời gian dài (7 năm) với doanh thu ngày càng tăng mà vẫn giữ nguyên mức định giá cũ và thời gian thu cũ (30 năm)? Đây chính là điểm mập mờ rất khó hiểu", vị GS Đặt câu hỏi.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nhuong-quyen-khai-thac-duong-cau-gie-ninh-binh-dinh-gia-cho-dung-3382576/