Nhượng quyền cửa hàng tiện lợi sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam?

Không chỉ còn giới hạn nhượng quyền ở những lĩnh vực thực phẩm, ăn uống hay y tế, giáo dục, thời gian tới xu hướng kinh doanh nhượng quyền sẽ có thêm phân khúc cửa hàng tiện lợi (convenience store - CVS).

Việt Nam được đánh giá là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia) với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm và quy mô có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020. Trong lĩnh vực bán lẻ, ngoài các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị thì hiện nay, phân khúc cửa hàng tiện lợi phát triển rất sôi động với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn trong, ngoài nước.

Theo một khảo sát được công bố bởi Nielsen, sở dĩ phân khúc cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh do hành vi tiêu dùng của người Việt đang có sự điều chỉnh với yếu tố tiện lợi được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là lý do dễ hiểu khi có tới hàng ngàn cửa hàng tiện lợi đã được mọc lên trên khắp cả nước, trong đó 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là tập trung hùng hậu nhất.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc cửa hàng tiện lợi nhất khi có tới trên 2000 cửa hàng (Theo số liệu của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh công bố hồi tháng 5/2019).

TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc cửa hàng tiện lợi nhất khi có tới trên 2000 cửa hàng (Theo số liệu của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh công bố hồi tháng 5/2019).

Giới kinh doanh cho hay, cửa hàng tiện lợi, về bản chất, cung cấp các mặt hàng gần giống với cửa hàng tạp hóa truyền thống, nhưng được vận hành tập trung, đồng nhất bởi một thương hiệu. Tuy nhiên, phân khúc này hiện mới chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chứ chưa có một thương hiệu nào được thực hiện nhượng quyền. Thời gian tới, với xu hướng phát triển chung của thế giới, dự báo mô hình nhượng quyền CVS sẽ sôi động hơn bởi chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận thu về cao.

Tại hội thảo Xây dựng Mô hình nhượng quyền quốc tế được tổ chức ngày 8/8, ông Yun Ju Yong - Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam tiết lộ rằng hiện nay chưa có thương hiệu CVS nào ở Việt Nam nhượng quyền nhưng theo xu thế, các doanh nghiệp bán lẻ đều có thể bước vào kinh doanh hình thức này. Riêng với GS25, nhà bán lẻ này sẽ thực hiện khởi động nhượng quyền CVS vào ngày 30/10 tới đây.

Theo ông Yun Ju Yong, ở Hàn Quốc GS25 là nhà bán lẻ có bề dày phát triển 30 năm và đang vận hành khoảng 14.000 cửa hàng tiện lợi trên khắp đất nước, trong số này có tới trên 80% là cửa hàng vận hành theo mô hình nhượng quyền. Riêng ở Việt Nam, dù mới gia nhập thị trường 1 năm rưỡi nhưng GS25 đang sở hữu 41 cửa hàng, trong đó có 5 cửa hàng đã bắt đầu có lãi.

“Ở Hàn Quốc số lượng cửa hàng CVS đã dày đặc nên chúng tôi phải tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở những thị trường mới như Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi chọn Việt Nam vì tốc độ phát triển kinh tế tốt nhất trong các nước ASEAN và dư địa của thị trường vẫn còn rất lớn, có thể mang đến cơ hội 50 lần ở Hàn Quốc”, ông Yun Ju Yong nói.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước ngoài khi đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc không cho phép việc mở các cửa hàng tiện lợi cách nhau 15m nhưng ở Việt Nam thì không có chế tài nào về việc này, vì vậy có những con đường ở khu vực quận 1, TP. Hồ Chí Minh các cửa hàng tiện lợi mọc lên san sát nhau.

Các chuyên gia chia sẻ về hình thức kinh doanh nhượng quyền trong bán lẻ

Theo phân tích của giới chuyên môn, nhượng quyền CVS sẽ là một mô hình kinh doanh mới đầy lợi nhuận bởi chi phí đầu tư thấp hơn các lĩnh vực khác và dễ kiếm soát. “Mức đầu tư để nhượng quyền CVS là rất thấp nhưng lợi nhuận đảm bảo cao và lại được sựu hỗ trợ từ GS25 nên chúng tôi tin rằng đây là mô hình có nhiều tiềm năng”, một đại diện đến từ GS25 Việt Nam chia sẻ.

Mặc dù được nhận định có tiềm năng phát triển nhưng hiện nay các mô hình nhượng quyền tại Việt Nam lại vẫn chủ yếu được vận hành theo cách truyền thống mà chưa có ứng dụng số vào. Đây cũng là nguyên nhân nhiều chuỗi sau nhượng quyền hoạt động chưa hiệu quả, thua lỗ và phải rút khỏi thị trường.

Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Tổ chức Retail & Franchise Asia - đánh giá, hiện nay trên 90% mô hình nhượng quyền ở Việt Nam đang được vận hành theo cách truyền thống chứ chưa được ứng dụng công nghệ số. Theo bà Vân, những doanh nghiệp muốn thực hiện nhượng quyền bây giờ phải chuyển đổi nếu không muốn bị đào thải. Lý do, những doanh nghiệp lớn đều đã làm rất tốt khi đưa công nghệ vào hoạt động song doanh nghiệp nhỏ vì nguồn lực mỏng, tài chính hạn hẹp nên ngại tiếp cận với xu hướng mới. “Bán lẻ nhượng quyền ngày nay ko thể lấy mô hình truyền thống nữa. Ở các nước tiên tiến họ đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo (AR)… rất thành công trong các mô hình nhượng quyền rồi vì vậy doanh nghiệp ở Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này được”, bà Vân nhấn mạnh.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhuong-quyen-cua-hang-tien-loi-se-phat-trien-manh-o-viet-nam-123569.html