Nhường đường cho xe ưu tiên: Không chỉ còn là ý thức

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện việc người tham gia giao thông không nhường đường cho xe ưu tiên. Để giải quyết tình trạng này, ngoài chế tài xử phạt nặng, cần chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Thời gian gần đây, tại Hà Nội, dư luận hết sức bất bình khi trên mạng xã hội thường xuyên chia sẻ những đoạn video về việc người tham gia giao thông cố tình không nhường đường cho xe cứu hỏa.

Cụ thể, ngày 24/9, đoạn clip ghi lại sự việc trong khi tham gia giao thông, xe cứu hỏa đã bật còi hú khẩn cấp để có thể đến vị trí hỏa hoạn được nhanh nhất, nhưng một xe ô tô 4 chỗ vẫn ung dung đi lại, không chịu nhường đường.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin đơn vị đã xác minh, làm rõ người lái ô tô 4 chỗ vi phạm là ông Nguyễn Hồng Tâm, sinh năm 1973, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Sau đó, Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã lập hồ sơ, xử lý phạt hành chính 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với tài xế Tâm vì lỗi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Hồng Tâm bị phạt vì không nhường đường cho xe cứu hỏa. (Ảnh: VOV)

Ông Nguyễn Hồng Tâm bị phạt vì không nhường đường cho xe cứu hỏa. (Ảnh: VOV)

Trước đó, khoảng 8h ngày 23/9/2019, xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an thành phố Hà Nội nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ chữa cháy tại chợ Tó, huyện Đông Anh.

Khi đi qua tuyến phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) xe chuyên dụng cũng bị ô tô Biển kiểm soát 29D-071.82 chạy chắn phía trước, không nhường đường, mặc dù xe chữa cháy đã bật còi đèn xe ưu tiên và phát loa yêu cầu. Tài xế này cũng đã chịu hình phạt thích đáng.

Không chỉ xe cứu hỏa, mà nhiều phương tiện ưu tiên khác cũng không được nhường đường khi tham gia giao thông trên đường. Theo ghi nhận của phóng viên, trong khi tham gia giao thông, rất nhiều người cố tình vi phạm khi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên kể trên. Thậm chí, tình trạng chen lấn, chặn đầu các xe ưu tiên càng trở nên nghiêm trọng hơn vào những giờ cao điểm hay những tuyến đường giao thông ùn tắc.

Thực tế, đã có không ít trường hợp bệnh nhân cấp cứu không qua khỏi hoặc phải chịu di chứng nặng nề vì lí do xe cứu thương bị tắc đường đến chậm. Anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy) chia sẻ: “Thời gian trước, bố tôi bị tai biến phải dùng xe cấp cứu để di chuyển. Tôi đã vô cùng bất bình trước việc một số người cố tình chen lấn không nhường đường khiến việc cấp cứu bị chậm trễ. Do vậy, sau quá trình cấp cứu bố tôi đã may mắn qua cơn nguy kịch nhưng vẫn để lại di chứng, bác sĩ nói chỉ chậm một chút thôi là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tôi hi vọng rằng người đi đường nên có văn hóa khi tham gia giao thông” .

Việc nhường đường cho xe ưu tiên đã được pháp luật quy định cụ thể. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, không có con số thống kê cụ thể nhưng số người chết do nguyên nhân kẹt xe, tắc đường ngày càng phổ biến. Trong trường hợp xe cấp cứu không được nhường đường, bị kẹt lại giữa đám đông thì lực lượng cứu thương dù chuyên nghiệp đến mấy cũng phải lắc đầu, sinh mạng con người khi đó thật mong manh, cuộc sống được tính bằng phút.

Việc nhường đường cho xe ưu tiên không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn là ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước. Theo Luật Giao thông, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô có hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Thiết nghĩ, để thay đổi văn hóa giao thông, hạn chế các hành vi vi phạm luật giao thông, cần phải huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi tổ chức. Nhưng trước hết, mỗi gia đình, cá nhân cần có thói quen cư xử văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ luật như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhuong-duong-cho-xe-uu-tien-khong-chi-con-la-y-thuc-97797.html