Nhượng cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình: Muốn lãi bao nhiêu?

Trong 28 năm tổng thu tài chính ròng đạt 171.000 tỷ đồng, gấp 19 lần vốn đầu tư?

Muốn lợi bao nhiêu?

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa xây dựng đề án nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với trị giá ước tính sẽ là 9.171 tỷ đồng, trong thời gian 30 năm.

Trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được dỡ bỏ từ ngày 19/4. Ảnh Dân trí.

Trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được dỡ bỏ từ ngày 19/4. Ảnh Dân trí.

Trước khi bình luận thông tin trên, TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, trước hết phải trả lời được câu hỏi: nhà đầu tư muốn được lãi bao nhiêu khi đầu tư tại tuyến đường này?

Vị TS cho biết, nếu lãi quá nhiều người dân và ngân sách không gánh nổi nhưng nếu lãi quá ít nhà đầu tư không muốn bỏ vốn tham gia. Như vậy bài toán ở đây là phải đưa ra được một mức lãi phù hợp để vừa bảo đảm cho nhà đầu tư thu hồi được vốn và có lãi hợp lý nhưng cũng đồng thời không làm thiệt thòi cho người dân.

Vậy, mức lãi hợp lý phải được tính toán dựa trên tổng mức đầu tư, lưu lượng các phương tiện qua lại trên toàn tuyến, mức phí và số năm thực hiện thu phí.

Theo báo cáo, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, được khởi công năm 2006 với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, trong đó gồm 800 tỷ đồng vốn điều lệ của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và 8.174 tỷ đồng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh (100% vốn của VEC).

Dự án được chính thức đưa vào khai thác, thu phí từ ngày 6/7/2012. Phạm vi thu phí trong khoảng 50 Km từ Cầu Giẽ đến Ninh Bình, qua các trạm tại 4 nút giao là Đại Xuyên (Km 210+700) (mới được dỡ bỏ), Vực Vòng (Km 218), Liêm Tuyền (Km 230+500) và Cao Bồ (Km 259+959,84) theo cả hai chiều đi và về.
Theo đó, mức giá vé được ấn định giao động từ 15.000 - 280.000 đồng một lượt, tùy vào từng loại xe. Thời gian thu phí dự kiến 28 năm.

Theo thống kê, sau gần 5 năm hoạt động, tính tới thời điểm 19/4/2017, báo cáo của nhà đầu tư tuyến cao tốc đã phục vụ khoảng 38,5 triệu lượt phương tiện. Giả sử mức thu bình quân là 156.000 đồng/lượt xe, thì doanh thu toàn tuyến ước đạt gần 6.000 tỷ đồng. Mặc dù số lượt xe và số doanh thu không chắc đúng, nhưng mức thu bình quân tương đối hợp lý.

Doanh thu 2.280 tỷ đồng năm 2018?

Tuy nhiên, theo thống kê năm 2018, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phục vụ 15,2 triệu lượt xe. Con số này ăn khớp với 7,6 triệu lượt xe trong 6 tháng đầu năm là 11,4 triêu lượt xe trong 9 tháng đầu năm 2018.

Với mức giá vé được ấn định giao động từ 15.000 - 280.000 đồng một lượt, tùy vào từng loại xe, nếu mức bình quân là 150.000 đồng một lượt, thì tiền thu trong năm 2018 là 2.280 tỷ đồng.

Nếu chi phí bảo dưỡng và quản lý là 10% thì tiền lãi ròng là 2,052 tỷ đồng. Với suất chiết khấu 10% số tiền lãi ròng này qui về giá trị năm 2012 là 1.274 tỷ đồng.
Với mức tăng lưu lượng xe hàng năm 10% số lượt xe có thể tính được hàng năm cho thời gian từ 2012 đến 28 năm sau, và tiền lãi ròng cho từng năm cũng tính được tương tự như trên.

Trong 28 năm tổng thu tài chính ròng 171.000 tỷ đồng, gấp 19 lần vốn đầu tư.

Tổng tiền lãi ròng tích lũy trong 20 năm ước tính là 73.000 tỷ đồng gấp hơn 8 lần vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng, nếu quy về hiện giá năm 2012 thì tổng tiền lãi ròng tích lũy là 25.500 tỷ đồng, gấp 2,8 lần vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng.

Tính tương tự như thế cho 28 năm, tổng tiền lãi ròng là 171.000 tỷ đồng, gấp 19 lần vốn đầu tư 9000 tỷ đồng, nếu quy về hiện giá năm 2012 thì tổng tiền lãi ròng là 35.700 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng.

Tính tương tự cho 5 năm đầu thì tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ 57,6 triệu lượt xe, cao gấp 1,5 lần con số 38,5 triệu lượt xe của nhà đầu tư công bố. Tổng thu tài chính tương ứng là 8.500 tỷ đồng, cao hơn cả con số ước tính trong 5 năm là 6.000 tỷ đồng.

Trong năm 2019 doanh thu bình quân một ngày 7,6 tỷ đồng?

Hơn nữa, số liệu thống kê cho thấy phương tiện qua tuyến này ngày càng tăng nếu phương án thu phí và mức phí không được điều chỉnh rõ ràng doanh thu nhà đầu tư thu về ngày càng lớn. Cụ thể số lượt xe năm 2018 tăng trên 15% so với năm 2017.

Hai tháng đầu năm 2019, số lượt xe tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy ước tính năm 2019 tuyến cao tốc này phục vụ 17,78 triệu lượt xe với doanh thu 2.700 tỷ đồng, trung bình doanh thu mỗi ngày 7,6 tỷ đồng.

Đó là chưa nói, trong tháng 5 vừa qua VEC lại có đề xuất xin tăng phí trên tuyến đường này theo tỉ lệ 10% để bảo đảm cho nhà đầu tư có lãi. Tuy nhiên, đề xuất trên sau đó đã được bác bỏ nhưng nếu theo tính toán trên thì lợi nhuận nhà đầu tư có thể thu về rất khủng khiếp.

Thu phí 5 năm rồi bán lại dự án cao hơn tiền đầu tư ban đầu với thời gian thu phí lâu hơn

Trở lại với phương án bán lại quyền khai thác, quản lý tại dự án mà VEC đưa ra, TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng rất vô lý.

"Trong phương án bán VEC lại đề xuất bán tới 30 năm trong khi đã thu 5 năm rồi nên thời gian còn lại là 23 năm thôi, vì sao vậy?

Ở đây đang có sự mâu thuẫn lợi ích hay nói đúng hơn là có sự chồng chéo lợi ích giữa doanh nghiệp cũ và mới. Với phương án bán này thì cả hai nhà đầu tư đều có lợi nhưng người dân phải chịu thêm một lần thiệt nữa.

Khi bán dự án nghĩa là nhà đầu tư bán lại dự án với giá hiện tại, người mua lại dự án cũng là nhà đầu tư bỏ tiền mua về. Về nguyên tắc, nếu muốn bảo đảm được lãi cho nhà đầu tư mới, nhà đầu tư cũ phải trừ đi số tiền, số năm đã thu phí được, trên cơ sở đó sẽ tính toán mức giá bán cho nhà đầu tư mới.

Ở đây VEC đề xuất bán lại với giá 9.171 tỷ đồng, thời hạn 30 năm, tức là VEC muốn hưởng nguyên số tiền đã thu được trong 5 năm qua và bắt người dân phải đóng tiếp thêm 7 năm để bù lãi cho nhà đầu tư mới. Tức là người dân phải tiếp tục đóng phí lại từ đầu cho dự án này, trong khi VEC đã thu về số tiền rất lớn, còn nhà đầu tư mới cũng sẽ thu được lợi lớn nhờ tiềm năng doanh thu tăng. Rất vô lý.”

Nhượng quyền khai thác đường Cầu Giẽ-Ninh Bình: Định giá cho đúng

Bộ GTVT và VEC cần công khai minh bạch

Với hàng loạt những vấn đề không rõ ràng nói trên TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng Bộ GTVT và VEC cần phải thực hiện những điều sau:

Thứ nhất, yêu cầu công khai các thông tin tài chính liên quan tới dự án đường cao tốc cho minh bạch, đặc biệt là doanh thu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.

Thứ hai, phải có trọng tài khách quan có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, không thể giao cho một mình Bộ GTVT tự làm tự quyết về mức thu phí và thời gian thu phí.

VEC là công ty trực thuộc Bộ GTVT, là doanh nghiệp nhà nước, VEC đề xuất phương án rồi Bộ GTVT tự quyết là không hợp lý.

Để tránh những tai tiếng không tốt, Bộ GTVT và VEC cần thiết phải công khai minh bạch mọi thông tin về tài chính cả chi và thu của dự án này", TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nhuong-cao-toc-cau-gie-ninh-binh-muon-lai-bao-nhieu-3382973/