Nhuộm sắc vàng son…

1.'Em ơi, sau mấy trăm năm Gia Định Sài Gòn không quên công đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, nên Bà Chiểu Lăng Ông còn nhuộm sắc vàng son và khói hương luôn kính tưởng ơn người… bình định non sông, chẩn tế xây đời.

 Hoạt cảnh "Tri ân Đức Tả quân Lê Văn Duyệt" tại lăng Ông (số 1 Vũ Tùng, P 1, Q Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ.

Hoạt cảnh "Tri ân Đức Tả quân Lê Văn Duyệt" tại lăng Ông (số 1 Vũ Tùng, P 1, Q Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ.

Mở rộng thông thương giao lưu hàng hóa, Vĩnh Tế kinh dài đường thủy Phương Nam. Thanh kiếm trừ gian nguyện giúp muôn dân, diệt lũ nịnh thần, tôn vinh hiếu nghĩa. Nhờ đức oai người giữ an bờ cõi, hạnh phúc nơi nơi, bá tánh an hòa...”.

Nghe trọn năm câu vọng cổ, tôi quýnh quáng lót đót tìm cửa hậu lăng Ông bước vào.

Rồi nghe được giọng nữ thanh thoát cất lên vọng cổ sáu câu “Ôi Gia Định xưa có biết bao trang anh hùng nghĩa sĩ, bao nhân tài như Gia Định Tam Gia. Anh ơi, kiếm linh thiêng của đức Tả Quân vang dội, và mầm đạo học của thầy Võ Trường Toản cũng được xanh tươi. Người phương Nam quyết chí xây đời cùng dựng nghĩa tạo nền phong tục. Trải qua bao cuộc biến thiên như thủy triều cường nhược nhưng nghĩa trọng thâm ân luôn sáng đẹp rạng ngời… Người ơi xin có đôi lời, đừng quên đình miễu, đừng dời lòng son. Đây người vì nước vì non, nén hương giữ ấm cội nguồn nghĩa nhân…”.

Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt hằng năm tổ chức vào các ngày 29, 30 tháng 7 và mồng 1 tháng 8 âm. Hôm nay ngày dương 20.9, tháng 8 âm nhằm ngày 11, ngày gì trong cuộc đời Đức Tả Quân, mà hôm nay ở lăng như đang diễn tích tuồng về người? Tôi băn khoăn quá.

Một góc sân lăng Ông đông chật cả trăm em học sinh. Cô MC xinh xinh tươi tắn bảo “Nhân kỷ niệm 320 năm thành lập Đồng Nai - Gia Định (1698-2018), CLB Nghiên Cứu và Vinh Danh văn hóa Nam Bộ cùng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) tổ chức chương trình đặc biệt nhắc nhở công đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832, nguyên quán Tiền Giang). Ngoài tác phẩm tri ân Đức Tả quân của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, chúng tôi diễn thêm hoạt cảnh cung nghinh đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược Phương Nam vào mùa xuân năm Mậu Dần 1698 theo lịnh của chúa Nguyễn Phúc Chu. Anh Quang là chủ nhiệm CLB Nghiên Cứu và Vinh Danh văn hóa Nam Bộ chính là người đang đóng vai vị trưởng lão dẫn đắt câu chuyện đó”.

2.Hồ Nhựt Quang điển trai hết sức, điềm đạm giọng Nam Bộ rặt: “Tôi gặp thầy (cố GS-TS Trần Văn Khê) năm 1995, khi thầy tới nói chuyện với sinh viên ĐH KHXH&NV TPHCM về chủ đề “Nghệ thuật khóc và cười trên sân khấu”. Ngày 12.9.2014, CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ chính thức ra đời từ sự hướng dẫn tận tình của thầy. Thầy tin tưởng giao tôi vai trò chủ nhiệm CLB và mang những kiến thức mình học được giới thiệu trước công chúng.

Thầy mất đã ba năm, chúng tôi nhớ lời dạy của thầy tiếp tục nghiên cứu, thực hiện vinh danh văn hóa tại nhiều trường học, doanh nghiệp, bảo tàng, khu di tích… được nhiệt liệt đón nhận, nhất là các bạn trẻ. Xúc động lắm!

Bốn năm, CLB thực hiện hơn 50 chương trình vinh danh văn hóa Việt. Về công lao Đức Tả quân, ngoài những câu vọng cổ tôi đã viết, tôi muốn chia sẻ thêm với chị mấy câu: Bến Nghé, Định Tường luôn ghi nhớ/Gương người trung hậu, sáng nơi nơi. /Trừ gian diệt ác phò trung/An quốc rồi, xây Gia Định phồn vinh”.

3.Sài Gòn, Gia Định, Bình Thạnh, sau chùa Phước Hải (Điện Ngọc Hoàng), lăng Ông cũng là nơi tôi thường tới, trước nhất vì vẻ đẹp kiến trúc của lăng và bầu không khí trong lăng sao đặc biệt! Tới chỉ có khi là ngồi im lặng dưới vòm cây xanh mát, nghe trong lòng nhẹ nhõm, thanh thản.

Xuân 10 năm trước, tượng Tả Quân Lê Văn Duyệt được đặt trang trọng tại điện thờ trong lăng.

Lịch sử, quan trọng nhất, và cũng khó nhất là sự công bằng, chính xác. Và cũng cần những giữ gìn như những nỗ lực của những bạn trẻ tôi gặp được trong buổi sáng ngày 20.9 đấy.

TUYỀN LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/nhuom-sac-vang-son-632485.ldo