Nhược điểm quá lớn khiến 'quái vật biển Caspian' sớm bị Nga 'khai tử'

Ekranoplan (máy bay lai tàu đệm khí) lớp Lun của Liên Xô/Nga từng được kỳ vọng sẽ trở thành 'quái vật biển Caspian' đối với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, nhưng thực chất nó đã sớm bị loại biên khi bộc lộ quá nhiều nhược điểm.

Nhiệm vụ mà chiếc Lun có thể giải quyết, bao gồm "cuộc chiến chống lại lực lượng mặt nước bất kỳ nào của kẻ thù", không loại trừ hạm đội tàu sân bay.

Là một cỗ máy mạnh mẽ, kết hợp những ưu điểm của máy bay và tàu đệm khí, Lun được hạ thủy vào năm 1986, trở thành chiếc duy nhất thuộc Dự án 903, trong số 8 chiếc được đặt hàng cho Hải quân Liên Xô.

Lun được vũ trang bằng 6 tên lửa chống hạm siêu thanh Moskit. Nó có tốc độ 500 km/h và tầm hoạt động 2.000 km. Trọng lượng rỗng của Lun là 243 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 380 tấn, chiều dài 74 m, chiều cao 19 m, sải cánh 44 m.

Để nâng phương tiện khổng lồ này lên không trung, 8 động cơ turbine phản lực có tổng lực đẩy 104 nghìn kgf đã được sử dụng. Khi hoạt động, Lun bay là là ở độ cao chỉ từ 1 đến 5 mét, sử dụng hiệu ứng của đệm khí hoặc hiệu ứng mặt đất

Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể lực nâng do sự gia tăng áp suất dưới cánh, nâng cỗ máy khổng lồ và vũ khí khỏi mặt nước.

Dù thuộc về lớp tàu biển, song Lun có khả năng bay cả trên đất liền, tất nhiên với điều kiện là chuyến bay diễn ra trên vùng đồng bằng.

Ưu điểm chính của Lun bao gồm khối lượng trọng tải lớn nhân với tốc độ di chuyển cao.

Nhưng một yếu tố đặc biệt có giá trị đối với quân sự đó là khả năng bay thấp trên biển.

Các nhà quân sự cho rằng chiếc Lun có thể đến gần tàu khu trục hoặc tàu tuần dương, thậm chí áp sát nhóm tấn công tàu sân bay (AUG) mà không bị phát hiện.

Tuy nhiên với AUG thì mọi việc không đơn giản như vậy, khi các tàu sân bay có máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS), có thể nhìn thấy mọi thứ từ trên cao, xóa bỏ hạn chế đường chân trời vô tuyến điện tử của radar cảnh giới.

Không chỉ có vậy, kể từ những năm 1980 - 1990, khả năng tàng hình ở độ cao thấp của Ekranoplan bắt đầu mất đi tính hiệu quả. Các vệ tinh trinh sát xuất hiện và theo dõi mặt nước các đại dương suốt ngày đêm.

Việc chiến đấu giữa Lun với AUG cũng rất khó khăn do bán kính tác chiến nhỏ chỉ 1.000 km, nó không thể tiếp cận AUG nằm ở Đại Tây Dương hay thậm chí là ở Ấn Độ Dương. Ngoại trừ việc chỉ huy Hải quân Mỹ trở gửi hàng không mẫu hạm đến sát bờ biển Nga.

Ngoài ra đường bay thấp trên biển cũng có nhược điểm đáng kể. Bất kỳ sai lầm nhỏ nào trong quá trình lái đều có thể gây ra thảm họa. Điều này được thực tế chứng minh, có một số trường hợp các máy bay lai tàu đệm khí ở tốc độ tối đa đã lao xuống mặt nước, khiến cánh hoặc đuôi của chúng bị gãy.

Đồng thời không thể nâng phương tiện vượt quá phạm vi ảnh hưởng của đệm khí trong trường hợp bị tác động mạnh. Khi rơi vào hoàn cảnh này, Ekranoplan trở nên không thể kiểm soát được.

Vì lý do tương tự, một chiếc Ekranoplan với sải cánh 50 mét bị nhận xét là không có khả năng cơ động, nó yêu cầu bán kính uốn cong nhiều km khi chuyển hướng, vì phải thay đổi quỹ đạo một cách cẩn thận nhằm tránh chạm mặt nước.

Với những nhược điểm nêu trên, không ngạc nhiên khi Ekranoplan chiến đấu lớp Lun với biệt danh "Quái vật biển Caspian" lại sớm bị Hải quân Nga loại biên ngay sau khi Liên Xô tan rã.

Bất chấp những lời kêu gọi hãy sửa chữa "kỳ quan quân sự" nói trên để tiếp tục sử dụng, chiếc Lun chỉ được tân trang bề ngoài nhằm phục vụ công tác trưng bày trong bảo tàng mà thôi.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-nhuoc-diem-qua-lon-khien-quai-vat-bien-caspian-som-bi-nga-khai-tu-post462823.antd