Nhược điểm của chúng ta là món quà từ tạo hóa

Chúng ta hãy làm những việc muốn làm bằng tất cả con người mình, không tìm cách giống hay cố gắng bắt chước người khác, khi đó sự chân thực sẽ hiện ra một cách trọn vẹn.

Tôi học vẽ cùng một người bạn. Mỗi buổi học, sau khoảng thời gian thực hành, chúng tôi thường dành một chút cuối chiều để ngồi xem tranh và trò chuyện về bất kì điều gì nảy ra lúc đó.

Đó là khi chút ánh sáng cuối ngày còn đọng lại một khoảng nơi cửa sổ chỗ chúng tôi ngồi. Đó là những khoảnh khắc bình yên và tĩnh tại nhất trong suốt cả một tuần.

 ĐIểm yếu đôi khi là cách nhắc nhở rằng, bạn cần yêu thương bản thân mình. Ảnh: Pinterest.

ĐIểm yếu đôi khi là cách nhắc nhở rằng, bạn cần yêu thương bản thân mình. Ảnh: Pinterest.

Khi chúng tôi xem những bức tranh, hay nói đôi điều về chúng, chỉ chúng tôi nói cho nhau nỗi lòng của mình, không cần đúng sai đẹp xấu, cũng không mong chờ tiếng vỗ tay hay lời bình phẩm nào.

Thỉnh thoảng, tôi vẽ một bức tranh hỏng bố cục, thường “ăn gian” bằng cách cắt bớt phần bố cục thừa đi. Tôi bảo với bạn rằng: Càng học, càng vẽ, tôi càng cảm thấy nỗi sợ dần lớn lên trong mình. Không còn sự hứng khởi và liều lĩnh đầy trẻ thơ như những ngày đầu.

Bạn thường động viên tôi bằng cách nói những bức vẽ của tôi “có chút gì đó lạ”, hoặc “tranh của người mới vẽ nhìn khá hay”. Bạn gần như hiếm khi dùng chữ “đẹp” để nói về một bức tranh, dù là của một họa sĩ nổi tiếng.

Với bạn, tính cá nhân mà người vẽ chuyển tải vào bức tranh qua màu sắc, hình khối, đường nét và cảm nhận của người xem tranh là điều chính yếu. Đó là chuyện của sự thấu cảm, không phải chuyện đẹp xấu.

Một hôm, chúng tôi mở xem lại tranh của Van Gogh. Với tôi, Van Gogh là những gì mà người ta nói đến, là “Đêm đầy sao” và những bức vẽ hoa nổi tiếng vẫn thường được xem.

Bạn mở cho tôi xem thêm tranh của một họa sĩ khác là Paul Gauguin. Kể rằng, hai họa sĩ từng là bạn sống cùng nhà. Van Gogh từng rất “mệt mỏi” và khủng hoảng vì những lời chê bai Gauguin dành cho tranh của mình. Dưới góc nhìn của Gauguin thì những hình vẽ, đặc biệt là vẽ người của Van Gogh, rất xấu và xộc xệch.

Chúng tôi gần như đều đồng thuận: Sự xộc xệch ấy là có thật, điểm yếu ấy là có thật.

Bạn tìm lại cho tôi xem những bức tranh thời kì đầu của Van Gogh. Hầu hết trong số chúng, tôi chưa từng biết đến trước đó. Những bức tĩnh vật chai lọ, những đôi giày rách nát tả tơi, những củ khoai hết sức dung dị với gam màu trầm tối.

Đó là thời kì trước khi Van Gogh sang Paris và có bước chuyển mình trong những bức vẽ hoa và tĩnh vật với sắc màu tươi sáng, song vẫn gợi lên cảm nhận về sự úa tàn, sự dằn vặt và khổ sở.

Bạn nói, chính sự xộc xệch và gam màu tối dung dị thời kì đầu ấy làm nên phong cách riêng của Van Gogh. Bất chấp những lời chê bai từ người bạn cùng nhà, Van Gogh đã vẽ bằng một lòng nhiệt tình và sự say mê.

Cũng như khoảnh khắc này, tôi và bạn đang ngồi lặng yên trong ráng chiều. Ảnh: Pinterest.

Tất cả những điều đó lại mượn chính tạo hình xộc xệch hay gam màu tối để thể hiện, không phô trương mà rất chân thực, không đẹp đẽ hoàn mĩ nhưng đánh động cảm xúc.

Bởi những điều dung dị, thậm chí xấu xí nhất, xộc xệch nhất lại có thể chạm đến phần thô mộc nhất trong tầm hồn ta.

Cũng như Van Gogh, chỉ bằng cách cứ vẽ và vẽ trong quãng đời ngắn ngủi – bất chấp những lời ong tiếng ve, ông đã biến điểm yếu của mình thành một phong cách không dễ gì bắt chước.

Điều tôi muốn nói ở đây không phải là khuyến khích bạn tìm cách để phô điểm yếu, điểm khuyết thiếu của mình ra để được gọi là “riêng”, “cá tính” hay “đặc biệt”.

Đó là lúc chúng ta đạt được sự viên mãn về cảm xúc, cũng như viên thành một thứ chúng ta gọi là “thành tựu” đối với chính bản thân mình. Đó là thứ năng lượng chúng ta dùng để kết nối với thế giới này. Những mối giao cảm, sự đồng điệu sẽ tìm đến.

Cũng như khoảnh khắc này, tôi và bạn đang ngồi lặng yên trong ráng chiều. Cảm thấy đồng điệu với sự hiện hữu của người họa sĩ quá cố. Mỉm cười vì bức vẽ vừa được “ăn gian” cắt bớt bố cục.

Tôi vẫn cảm thấy run run mỗi lần cầm cây bút chì đặt lên trang giấy trắng. Song giờ thì tôi nghĩ rằng, đó không phải là nỗi sợ về sự khiếm khuyết của tri thức hay kĩ thuật, đó là sự run rẩy khi chúng ta sắp sửa biểu hiện và nhìn thấy hình hài nội tâm mình trên trang giấy.

Khi chúng ta nhìn lên và rung động vì một mảnh trăng khuyết mỏng manh treo giữa trời, đó là bởi chúng ta rung cảm với cả phần bóng tối mà mắt không nhìn thấy của vầng trăng.

Vầng trăng trong mỗi chúng ta, lúc tròn đầy khi khuyết thiếu. Dù tỏa sáng toàn vẹn hay chỉ tỏa sáng một phần, thì bản nguyên cũng gồm cả phần trong bóng tối. Phần khuyết ấy ở đó thầm lặng để cùng tỏa sáng.

Thái Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhuoc-diem-cua-chung-ta-la-mon-qua-tu-tao-hoa-post1079698.html